|
Peruggia - tên trộm "yêu nước”. |
Một thời gian ngắn sau khi bức tranh bị đánh cắp, vô số giả thuyết được đặt ra. Liệu vụ đánh cắp bức tranh có phải là một vụ lừa đảo? Có người cho rằng, Chính phủ Pháp đã giấu bức tranh để đánh lạc hướng dư luận sau khi những cư dân các thuộc địa Châu Phi nổi dậy. Tờ New York Times còn phỏng đoán, những người tham gia phục chế Bảo tàng Louvre đã vô tình làm hỏng kiệt tác Monalisa nên bảo tàng đã bịa ra vụ trộm để che giấu sai lầm đó. Thậm chí, ngay cả khi bức tranh được tìm thấy hai năm sau đó, thế giới vẫn còn chưa hết những lời hoài nghi. Làm cách nào mà kiệt tác này có thể được mang ra khỏi toà nhà kiên cố mà không bị phát hiện?
Trong suốt nhiều năm, nhiều tin đồn nổi lên rằng, một băng cướp nghệ thuật quốc tế chuyên sao chép các kiệt tác hội hoạ đã "mượn" nàng Monalisa để thực hiện hàng loạt các tác phẩm giả mạo khác. Hai năm sau ngày bị đánh cắp, Nàng Monalisa bất ngờ xuất hiện tại thành phố Florence (Italy). Khi đó, Vincenzo Peruggia, vốn là bảo vệ của bảo tàng Lourve, đang bán bức tranh cho một nhà sưu tầm ở Florence và hắn còn tự xưng là một người yêu nước Ý.
Vincenzo Peruggia không ngờ rằng, chính hành động trộm tranh đã giúp bức tranh càng trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết. Cùng với Nàng Monalisa, tiếng tăm của tên siêu trộm Peruggia cũng nổi lên nhanh chóng. Nhưng vì sao trong hai năm trời, không ai có thể tìm được bức tranh cũng như tìm ra manh mối của tên vua trộm?
Kẻ trộm tranh "yêu nước"
Sự thật là khi cảnh sát Paris tiến hành thẩm vấn "vua trộm" Perugia trong cuộc thẩm vấn tất cả các nhân viên làm việc tại Louvre, Peruggia vô tình thú nhận với phía cảnh sát rằng, ông ta chỉ mới biết thông tin về vụ mất cắp từ báo chí trong khi vào thời gian đó, báo chí chưa hề biết đến việc bức tranh bị đánh cắp. Để tăng tính thuyết phục, Peruggia còn nói rằng mình đã uống quá nhiều vào đêm trước đó và ngủ quên.
Thật bất ngờ, cảnh sát đã tin câu chuyện bịa đặt đầy sơ hở của Vincenzo Peruggia và bỏ qua cho Peruggia. Thay vào đó, cảnh sát đã bắt giữ danh hoạ Pablo Picasso và nhà thơ, nhà phê bình Guillaume Apollinaire. Cả hai đều là bạn của Vincenzo Peruggia, cùng thừa nhận đã từng lấy cắp một số điêu khắc nhỏ từ Bảo tàng Louvre. Nhưng rồi hai người này nhanh chóng được phóng thích. Năm 1913, Vincenzo Peruggia rời ngôi nhà trọ ở Paris cùng với chiếc vali để đáp chuyến tàu đến Florence (Italy).
Tại đây, Peruggia cố gắng liên hệ bán nốt số tranh lấy cắp cho một nhà sưu tầm tranh. Tuy nhiên, người này đã gọi ngay cho cảnh sát bởi trong số đó có bức danh họa nổi tiếng Nàng Monalisa. Peruggia bị bắt ngay khi đang trao bức tranh cho nhà sưu tầm. Sau một cuộc thẩm vấn ngắn gọn ở Florence, Peruggia nhận tội và chịu án tù 8 tháng.
Peruggia khai nhận, năm 2011, hắn chỉ là một thợ vẽ 29 tuổi, đã làm việc tại bảo tàng Lourve trong một thời gian ngắn với nhiệm vụ bảo vệ 1.600 kiệt tác. Do đó, hắn đã quá quen thuộc với tất cả tác phẩm nghệ thuật Italy và tự hỏi tại sao bức họa của Italy lại nằm trong một bảo tàng Pháp. Hắn nghiên cứu lịch sử các bức tranh và được biết, Napoleon đã cướp các tác phẩm trong kho tàng nghệ thuật của Italy khi ông chinh phục đất nước này và đưa chúng về Paris. Vì vậy, hắn tin rằng tất cả các tác phẩm Italy trong bảo tàng Lourve đều bất hợp pháp và quyết định mang chúng trở về quê hương mình. Bởi vậy, hắn đã quyết định đánh cắp bức tranh này, trả về quê hương sinh ra của Monalisa. Nhưng hắn không biết rằng Nàng Monalisa đã bị chính Leonardo da Vinci, cha đẻ của bức tranh bán cho vua Francois I của Pháp.
Cảnh sát trưởng Medeiros, người trực tiếp điều tra vụ trộm tranh này cho biết: "Peruggia đã đánh cắp bức tranh bằng cách hết sức đơn giản không ngờ được. Chỉ cần đi bộ vào bảo tàng vào lúc bảo tàng đóng cửa để dọn dẹp trong một chiếc áo khoác màu trắng, hắn dễ dàng bị nhầm là một trong những công nhân vệ sinh. Peruggia chỉ việc nhấc bức tranh ra khỏi tường, tháo khung kính và nhanh chóng bước ra khỏi bảo tàng cùng Nàng Monalisa nằm gọn dưới cánh tay trong áo khoác của mình".
Ngay khi phát hiện ra bức tranh đã biến mất, khoảng 60 thám tử rà soát khắp bảo tàng nhưng tất cả cùng bỏ qua dấu vân tay của Peruggia để lại trên tấm kính phủ của bức tranh. Do không thể tìm được kẻ trộm bức tranh, mọi hoạt động điều tra đã bị ngừng lại. Vị trí treo Nàng Monalisa cũng vẫn để trống, không một bức tranh thay thế nào được treo lên.
Không ai ngờ được rằng, Nàng Monalisa đã nằm trong căn phòng nhỏ của Peruggia cùng các kiệt tác khác, cách bảo tàng Louvre có 2 dặm trong gần 2 năm rưỡi. Tháng 12/1913, Peruggia quay lại Italy cùng số tranh trộm được, kể cả Nàng Monalisa để bán cho nhà sưu tầm tranh ở Florence và tự xưng là một người yêu nước Ý. Hắn đã hy vọng sẽ nhận được sự khen thưởng của Chính phủ Ý cho những nỗ lực của mình. Nhưng thay vì được tuyên dương, hắn đã bị bắt giam.
Khi được hỏi về mục đích ăn cắp tranh, Peruggia đã cam kết lí do riêng của mình chứ đó không phải là lòng yêu nước. Hắn khai, hắn hy vọng việc bán tranh sẽ đem lại chút tài sản cho riêng mình. Hắn không nói gì về việc muốn giúp đất nước nhưng trong lá thư gửi cho gia đình, hắn lại viết sẽ làm điều gì đó để đem đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình và khiến người thân tự hào về tinh thần yêu nước của mình. Có lẽ đối với Peruggia, ăn cắp Nàng Monalisa và đưa nó trở về nước Ý là tấm vé giúp mình bước vào cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhờ vụ đánh cắp ngoạn mục, ngày nay, bức danh hoạ Monanisa là một biểu tượng mang tính toàn cầu, là cảm hứng đối với nhiều họa sĩ lớn trên khắp thế giới. Một thời gian ngắn sau đó, Nàng Monalisa được đưa trở về Louvre cùng hàng loạt cuộc triển lãm ở Florence, Milan và Rome. Hai ngày sau khi treo trở lại Salon Carré, hơn 100 nghìn người đã chiêm ngưỡng kiệt tác. Ngày nay, mỗi năm có tới 8 triệu lượt người ghé thăm bảo tàng Louvre và chiêm ngưỡng nụ cười bí ẩn của Nàng Monalisa.