Thực hư “cổng trời” thiêng nhất Việt Nam

Google News

Ở Việt Nam có 6 "cổng trời" và nơi đây chính là "cổng trời" đẹp nhất, linh nghiệm nhất.

“Mấy đồ lễ ở cổng trời chỉ béo mấy thằng thanh niên và bọn dân nghiện quanh đây, đợi người ta cúng lễ xong là chúng nó lên mang về đánh chén no say”.
 
Lời đồn về nơi giao thoa của đất trời?

Khoảng hơn 3 năm trở lại đậy, vô số người thường rỉ tai nhau và kéo đến khu vực núi Phia Đây  nằm ở Thị trấn Hùng Quốc, Trà Lĩnh, Cao Bằng, để cầu khẩn vì họ cho rằng nơi đây chính là “cổng trời” - nơi giao thoa giữa đất trời. Mọi tâm nguyện của chúng sinh khi đem đến đây giãi bày sẽ được các vị thần thánh thấu hiểu và cho được toại nguyện.

Không biết thực hư câu chuyện về “cổng trời” có bao nhiêu phần trăm là sự thật nhưng theo anh Sơn, một người dân sinh sống dưới chân núi kể rằng, cách đây khoảng 4 năm, có một đoàn các nhà ngoại cảm đã lên núi Phia Đây  để thăm dò, nghiên cứu gì đó. Và sau khi những nhà ngoại cảm làm lễ xong, họ phán rằng nơi đây chính là nơi giao thoa của đất trời, 3 cột đá nằm chổng trên đỉnh núi chính là cột chống trời. Ở Việt Nam có 6 “cổng trời” và nơi đây chính là “cổng trời” đẹp nhất, linh nghiệm nhất.
Đường lên "Cổng trời".
Đường lên "Cổng trời".
Ngoài ra, có vô số những câu chuyện minh chứng cho sự linh thiêng của cổng trời. Nào là: “Có cả quan chức của Trung ương cũng còn lên”, rồi thì có một người ở Trà Lĩnh lên đây cầu xin số đề. Về nhà anh ta nói với anh em bà con cùng đánh, làm cho một chủ đề sạt nghiệp luôn (?).
Khắp nơi đều được người dân cắm hương.
Khắp nơi đều được người dân cắm hương.
Lời đồn về “cổng trời” ngày một lan nhanh, thoạt đầu chỉ có vài ba người hay biết rồi chỉ trong vòng nửa năm, vô số người dân ở các tỉnh, vùng miền khác đều kéo nhau đến khu vực thị trấn Hùng Quốc để hỏi thăm về cổng trời. Có người chỉ hỏi cho vui, có người còn mang sẵn đồ lễ và nhờ người chỉ đường để leo lên tận nơi rồi thắp hương cúng bái.

Làm lễ vào nửa đêm
 
Theo những người dân địa phương, ngày bà con tứ phương tập trung đông nhất về cổng trời là ngày mùng 1 và ngày rằm, vào những ngày này, ô tô, xe máy nườm nượp từ khắp nơi đổ về. Điều đáng nói là chẳng có mấy ai ở các huyện lân cận đến cúng vái mà đều ở các tỉnh xa như Thái Nguyên, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, thậm chí là cả dân từ Sài Gòn…

Khác với những nơi khác, nghi lễ ở “cổng trời” được bắt đầu vào đúng lúc chuyển sang ngày mới tức 12h đêm, vì cho rằng lúc này chính là thời khắc “mở cửa”, là lúc cầu khấn linh ứng nhất. Vào những đêm này, tiếng cầu khấn, tiếng gõ mõ, rung chuông râm ran, vang động cả khu núi rừng. Phần lớn người dân xung quanh núi đều mất ngủ vì tiếng ồn.
Những mỏm đá nhiều người nói thường có "cô tiên" xuất hiện.
Những mỏm đá nhiều người nói thường có "cô tiên" xuất hiện.
Kể từ khi nhiều người tìm về “cổng trời” cầu khấn, nơi đây trở thành chỗ cho một số người trục lợi. Ngay trên bãi đá nơi được gọi là cột chống trời, đã mọc lên một hòm công đức không rõ nguồn gốc để người đến cúng bái đặt tiền vào. Nhiều hộ gia đình có điều kiện kinh tế đã mời các bà thầy bói lên đây cầu khấn hộ gia đình. Có hôm đến hai, ba bà cùng cầu khấn, tiếng chiêng trống làm huyên náo cả một vùng. Sau khi cầu khấn cho gia chủ, các bà bụt này cũng tranh thủ bói toán cho những du khách khác để kiếm tiền.

Do từ trước đến nay chưa từng có điểm khấn vái nào mang tên “cổng trời” nên nhiều người muốn cầu xin nhưng chẳng biết cách thức như thế nào. Lợi dụng điểm này, một số người cứ vào hôm đông khách lại thấy xuất hiện và tự đứng ra nhận khấn vái thuê. Sau khi cho gia chủ viết những điều cần xin vào một mảnh giấy, những người này nhìn lướt qua rồi lầm bầm sau đó xì xụp vái lạy trước những bát hương nghi ngút khói vì hàng trăm que hương của người dân cắm vào.
Bát hương bày la liệt trên các mỏm đá.
Bát hương bày la liệt trên các mỏm đá.
Dưới chân núi xuất hiện các dịch vụ ăn theo như trông xe cho khách, xe đỗ trước cửa nhà nào thì nhà đó thu tiền. Ngày thường có khoảng trên dưới 100 người đến khu vực này nhưng ngày rằm và ngày mồng một thì có đến mấy ngàn người. Giá gửi xe ô tô ngày là 10 nghìn đồng, đêm là 15 nghìn đồng. Còn xe máy là 5 nghìn đồng một lượt.

Theo những người dân thì có một điều lạ là đồ cúng lễ mang lên cổng trời rất nhiều nhưng cứ sang ngày hôm sau là thấy hết cả. Một số mê tín nói rằng các thánh hưởng lộc nhưng không ít người dân bản địa đã quả quyết với chúng tôi rằng “Mấy đồ lễ ấy chỉ béo mấy thằng thanh niên và bọn dân nghiện quanh đây, đợi người ta cúng lễ xong là chúng nó lên mang về đánh chén no say”.
Một hình ảnh "nhếch nhác" thường thấy trong các dịp lễ.
Một hình ảnh "nhếch nhác" thường thấy trong các dịp lễ.
Theo chân một người làm nghề trông xe dẫn lên “cổng trời”, cả con đường dốc đâu đâu cũng thấy những que hương được cắm vung vãi. Nhìn qua có thể đoán biết là do những người đến đây cầu khấn đã cắm xuống khi đi lên “cổng trời” để thể hiện sự thành tâm. Tính từ chân núi lên đến nơi khoảng gần 200 mét, trước mắt chúng tôi “cổng trời” là một bãi đá ngổn ngang. Trên mỗi tảng đá chi chit những bát bình hương được dựng lên trông đến nhếch nhác chứ không thể hiện sự sạch sẽ, tôn nghiêm.

Xung quanh “cổng trời” chỉ có vỏn vẹn một túp lều đơn sơ phủ bạt trên 4 cái cọc tre dùng làm nơi cho khách hành hương trú mưa, trú nắng. Và không hề có các công trình vệ sinh nên chúng sinh đến khấn vái khi có nhu cầu cứ mặc sức tìm chỗ “hợp lý” để phóng uế, rác thải cũng được xả vô tội vạ khắp nơi.

Theo Infonet