|
Lăng mộ của Thái sư Trần Thủ Độ. |
Vào năm Quý Hợi (1263) Trần Thủ Độ lúc này đã ngót 70 tuổi nhưng ông vẫn dành thời gian đi thị sát việc đắp đê sông Cầu (nay thuộc huyện Việt Yên, Bắc Giang). Thấy con đê dài gần hoàn tất, chỉ còn một đoạn dở dang, Trần Thủ Độ ngạc nhiên, gọi người dân ở đây đến hỏi chuyện thì được biết: Đoạn đê này đi qua gần núi Nham Biền. Trong núi có một con mãng xà (con trăn lớn). Con mãng xà này to cỡ người ôm, lao vun vút như gió cuốn, rất hung dữ. Ai đi qua đây đều bị nó xông ra vồ ăn thịt, Không ai dám đương đầu với con trăn dữ này. Vì vậy, đoạn đê qua đây đành bỏ dở , không thể đắp được.
Trần Thủ Độ nghe xong, trầm ngâm suy nghĩ: Cả con đê đã hoàn thành, không lẽ còn một đoạn ngắn lại bỏ dở. Như vậy con đê chẳng có tác dụng gì. Không chỉ con đê mà bà con xung quanh núi Nham Biền ngày nào cũng nơm nớp lo sợ trăn dữ. Phải trừ khử nó, xóa bỏ nỗi lo của bà con trong vùng. Nhưng muốn trừ khử mãng xà thì phải đối diện với nó, tìm hiểu tập tính của nó. Ông quyết định cùng đoàn tùy tùng ra đoạn đê đáng sợ đó xem xét tận nơi, mặc cho những người theo hầu rất kinh sợ. Quả nhiên, đoàn vừa đến nơi thì bỗng từ đâu con mãng xà lao nhanh như gió cuốn phăng một người cung nữ theo hầu. Những người đi theo ai cũng khiếp vía.
Trần Thủ Độ nghĩ loài trăn cũng như loài rắn thường thích ăn trứng, liền truyền mua nhiều trứng gà, trứng vịt rồi bí mật bỏ vào những chỗ mãng xà thường xuất hiện. Ngày hôm sau những người dân địa phương báo cho biết, số trứng gà, trứng vịt đó đã biến mất. Trần Thủ Độ thở phào. Thế là trong đầu ông đã hình thành kế hoạch diệt mãng xà rồi. Hôm sau ông cho mua rất nhiều trứng gà, trứng vịt về, rồi sai người mua các chất Hoàng nàn, Thạch tín (các chất cực độc) tán nhỏ, hút bớt lòng trứng rồi bơm bột thuốc độc vào, lại đem bỏ ở chỗ cũ. Quen ăn bén mùi, lần này mãng xà lại mò ra, nuốt hết toàn bộ số trứng trộn thuốc độc đó. Con mãng xà trúng độc, cả đêm quằn quại giãy giụa, làm cây cối gãy nát cả một vùng, tiếng động ầm ầm như gió bão. Sáng hôm sau dân làng ra xem thì mãng xà đã chết hẳn. Máu me, dãi dớt tanh hôi cả một vùng.
Mãng xà đã trị xong, dân không lo bị chết nữa, đoạn đê được hoàn thành chóng vánh. Dân địa phương nhớ ơn vị Thái sư thương dân, mưu trí, dựng đền thờ ông. Đó là đền Hương Tảo, tục gọi đền Cáu thuộc xã Hương Tảo, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Tại đền có đôi câu đối ghi lại sự kiện này:
Trị thủy độ dân, thịnh đức thiên thu hương hỏa tại
Sát xà cứu thế, kỳ công vạn cổ thạch bi truyền.
Dịch nghĩa:
(Trị thủy giúp dân, đức lớn ngàn thu lửa hương còn đó/Giết mãng xà cứu đời, kỳ công muôn thuở bia đá lưu truyền).
Về sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư ghi vắn tắt: “Mùa thu, tháng 7 (năm 1263), Thủ Độ đi tuần các nguồn sông ở Lạng Sơn”. Chính trong thời gian đi tuần các nguồn sông này mà ông đã ghé sông Cầu trong thời gian trên. Nhận xét về ông, trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử thần Ngô Sĩ Liên ghi: “Thủ Độ tuy làm Tể tướng, nhưng mọi việc không việc gì không để ý. Vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất. Thái Tông có làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ lòng đặc biệt quý mến ông”.