Vén màn những hoạt động bí ẩn của CIA ở Philippines

Google News

Vào thời hậu chiến tranh Việt Nam và sau đó, Manila trở thành trạm nghe lén quan trọng và Trụ sở khu vực của CIA.

Ở Philippines, trạm tình báo của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) không chỉ hoạt động nghe lén mà còn được sử dụng để tiến hành nhiều chiến dịch đặc biệt và can thiệp chính trị.
 
Các cựu điệp viên CIA từng hoạt động ở Philippines khẳng định, Đại sứ quán Mỹ ở Manila tạo vỏ bọc "nhà ngoại giao" chính thức cho các điệp viên Mỹ dễ dàng hoạt động.

Cuốn sách "Edward Lansdale: Người Mỹ không trầm lặng" của tác giả Cecil B. Currey.
Cuốn sách "Edward Lansdale: Người Mỹ không trầm lặng" của tác giả Cecil B. Currey.
 
Thậm chí cũng có những "vỏ bọc" không chính thức như là doanh nhân trong các công ty Mỹ. Sau khi các căn cứ quân sự Mỹ bị đóng cửa ở Philippines, các điệp viên đội lốt "nhân viên dân sự" giảm đáng kể nhưng tình báo Mỹ vẫn không từ bỏ sự can thiệp vào những vấn đề đối nội cũng như đời sống kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.

Những "vỏ bọc" hoàn hảo ở Manila

Trong một thời gian dài, thủ đô Manila của Philippines được coi là pháo đài của Mỹ ở châu Á và trạm tình báo chính của CIA ở Đông Nam Á. CIA tuyển mộ người Philippines để cung cấp thông tin vào những thời điểm quyết định. Theo các tài liệu được Giải mật bởi Luật Tự do thông tin (FIA) của Mỹ, vào ngày 17/9/1972, trạm CIA ở Manila nhận được thông tin từ một nội gián trong bộ máy chính quyền của Ferdinand Marcos cho hay, Tổng thống Philippines đang chuẩn bị tuyên bố tình trạng thiết quân luật vào ngày 21/9/1972. Ngoài ra, trạm CIA cũng được điệp viên người Philippines cung cấp bản danh sách những cá nhân sẽ bị chính quyền Marcos bắt giữ và cầm tù.

Nhờ chiến công tình báo này mà Henry Byroade, Đại sứ Mỹ ở Manila khi tình trạng thiết quân luật được ban bố, về sau được tổng hành dinh CIA ở Langley, bang Virginia, khen thưởng. Năm 1982, thông qua một sĩ quan cao cấp Philippines nhập cư vào Mỹ mà CIA xác định được danh tính của 2 bác sĩ chữa bệnh suy thận cho Marcos và từ đó tình báo Mỹ có được bức tranh rõ nét về tình trạng sức khỏe của nhân vật lãnh đạo này.

Các chuyên gia phân tích tình báo cho rằng ở đâu có những lợi ích kinh tế lớn của Mỹ (như Coca-Cola, Ford, Citicorp, United Fruit v.v…) thì ở đó có điệp viên CIA! Ví dụ, cựu điệp viên Desmond Fitzgerald của CIA ở Manila đội lốt doanh nhân hợp pháp của một công ty đa quốc gia Mỹ. Hay, David Sternberg làm việc cho CIA dưới vỏ bọc là phóng viên nước ngoài cho tờ báo Christian Science Monitor của Mỹ.

Thậm chí những "nhân viên dân sự" trong lực lượng quân đội Mỹ đóng ở Philippines cũng là tay chân của CIA. Ví dụ, Joseph Smith - sĩ quan cao cấp của CIA được biệt phái đến Philippines vào thập niên 60 thế kỷ trước - có vỏ bọc là "nhân viên dân sự" trong một bộ phận điều tra của không quân Mỹ. Nhờ những "vỏ bọc" hoàn hảo này mà CIA - thậm chí phối hợp với Cục Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) - tiến hành hàng loạt chiến dịch bẩn thỉu chống phá chính quyền các quốc gia châu Á.

Những tranh cử nhuốm đen

CIA tích cực sử dụng lãnh thổ Philippines - đặc biệt là Căn cứ Không quân Clark cũng như một số đảo của nước này - để huấn luyện điệp viên tuyển mộ từ người địa phương và tiến hành nhiều điệp vụ chống phá các chính quyền Đông Nam Á trong sứ mạng đặc biệt gọi là "Chiến dịch Brotherhood" dưới sự lãnh đạo của hai sĩ quan mang hàm đại tá của CIA là Edward Lansdale (hình mẫu của nhà văn Mỹ Graham Greene cho cuốn tiểu thuyết "Người Mỹ trầm lặng") và Lucien Conien. Ví dụ, CIA sử dụng công ty bình phong là Civil Air Transport (CAT) trên lãnh thổ Philippines để trợ giúp trực tiếp các nhóm phiến quân Indonesia âm mưu lật đổ Tổng thống Sukarno của nước này vào cuối thập niên 50 thế kỷ trước.

Manila cũng là trung tâm các chiến dịch chống Trung Quốc thông qua các công ty bình phong của CIA là Trans-Asiatic Airlines Inc., CAT, Sea Supply Co. và Western Enterprises Co.  Các cố vấn quân sự Mỹ thuộc Ban Cố vấn Liên quân Mỹ (JUSMAG) và trạm CIA ở thủ đô Manila của Philippines thiết kế và lãnh đạo chiến dịch đàn áp đẫm máu chống Hukbong Mapagpalaya Bayan (HMB). Chiến dịch tiêu diệt thành công phiến quân HMB trong thập niên 50 thế kỷ trước được CIA sử dụng làm kiểu mẫu cho những chiến dịch chống nổi loạn trong tương lai ở khu vực Mỹ Latinh.

Về sau, Đại tá Edward Lansdale và sĩ quan thân cận người Philippines là Đại tá Napoleon Valeriano vận dụng kinh nghiệm chống du kích ở Philippines để huấn luyện đội ngũ điệp viên mật hoạt động ở Việt Nam và làm việc trong School of Americas - một tổ chức huấn luyện những kẻ thực hiện các chương trình ám sát của CIA ở Mỹ Latinh.
Thượng Nghị sĩ Claro M. Recto của Philippines bị CIA đầu độc vào năm 1960.
Thượng Nghị sĩ Claro M. Recto của Philippines bị CIA đầu độc vào năm 1960.
Các hoạt động của trạm CIA ở Manila không chỉ giới hạn ở việc thu thập thông tin tình báo mà còn tổ chức chương trình tấn công tiêu diệt và phá hoại ngầm bất cứ tổ chức, thể chế, cá nhân hay hoạt động nào mà tình báo Mỹ đánh giá là mối nguy hiểm đe dọa sự ổn định và sức mạnh của Mỹ ở khu vực châu Á. Ví dụ, Thượng nghị sĩ quá cố Claro M. Recto của Philippines được cho là nạn nhân của CIA sau khi ông mở chiến dịch chống lại sự tồn tại của các căn cứ quân sự Mỹ ở Philippines.

Về sau, Recto chết do ngưng tim (dù trước đó ông không hề mắc bệnh tim) tại thành phố Rome của Italia vào ngày 2/10/1960 khi đang trên đường đến Tây Ban Nha để thực hiện một sứ mạng văn hóa tại nước này. Người ta cho rằng Recto bị đầu độc bởi vì trước khi chết, ông có gặp hai "người da trắng" mặc thường phục. Sau này, các tài liệu của chính quyền Mỹ được giải mật tiết lộ tướng Ralph B. Levett, trưởng trạm CIA ở Manila, và Đại sứ Mỹ Raymond Spruance ở Philippines đã bàn luận kế hoạch đầu độc Recto vào một năm trước đó.

Trong thập niên 50 thế kỷ trước, CIA cũng bí mật tài trợ cho Trung tâm Huấn luyện An ninh (STC) - tổ chức được coi là trường huấn luyện chiến tranh tâm lý, chống lật đổ và chống du kích - ở vùng ngoại ô Manila. Vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước, CIA giao cho tướng John Singlaub trách nhiệm tổ chức các đội vũ trang chống Cộng sản trên khắp đất nước Philippines. Tướng Singlaub hoạt động dưới vỏ bọc là "người săn kho tàng" và được bảo đảm cung cấp đầy đủ mọi giấy phép cần thiết để "săn kho tàng" ở Philippines.

Một sĩ quan khác trong chương trình chống cộng quyết liệt của CIA là chuyên gia về chống nổi loạn ở chiến trường Việt Nam và cố vấn quân sự của JUSMAG - Đại tá James Row, có vai trò bí mật trong chương trình tổ chức các biệt đội tử thần chống Cộng ở Philippines như Alsa Masa. James Row bị quân du kích của nhóm New People’s Army phục kích giết chết ở thành phố Quezon thuộc đảo Luzon của Philippines.

Mặt trận kinh tế và tuyên truyền của CIA ở Manila

CIA mất đi cơ sở viễn thông Regional Relay Station ở Căn cứ Không quân Clark sau khi Thượng viện Philippines bác bỏ đề nghị phục hồi các căn cứ Mỹ vào ngày 16/9/1991. Tuy nhiên, còn có một cơ sở bí mật quan trọng có thể được duy trì - đó là "Regional Service Center" (RSC), nằm trong Khu phức hợp Seafront trên đại lộ Roxas ở Manila nằm cách Đại sứ quán Mỹ không xa. Cơ sở in ấn cực kỳ hiện đại này - liên kết chặt chẽ với Ban xử lý kỹ thuật của CIA - hoạt động như một cỗ máy tuyên truyền bí mật của CIA với khả năng cho ra đời một lượng khổng lồ các ấn bản màu cao cấp bao gồm tạp chí, poster, tờ bướm bằng ít nhất 14 thứ tiếng châu Á.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1996 của Giáo sư Roland G. Simbulan Đại học Phlippines, cựu điệp viên CIA Ralph McGehee và các cựu điệp viên khác hoạt động ở trạm Manila cho biết Cơ quan tình báo Mỹ có được nhiều thành công bất ngờ ở Philippines như là gây ảnh hưởng mạnh đến phong trào nghiệp đoàn thông qua Viện tự do lao động Á - Mỹ (AAFLI), Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Asia Foundation và Cơ quan hỗ trợ nền dân chủ (NED).
Toà nhà School of America ở Pháo đài Benning, bang Georgia (Mỹ), với lá cờ sọ người và hai xương bắt chéo!
Toà nhà School of America ở Pháo đài Benning, bang Georgia (Mỹ), với lá cờ sọ người và hai xương bắt chéo!
Vào thời hậu chiến tranh Việt Nam và sau đó, Manila trở thành trạm nghe lén quan trọng và Trụ sở khu vực của CIA. Cựu nữ điệp viên CIA Janine Brookner mô tả Manila như là "vùng đất hoang dã" giúp các điệp viên Mỹ tiêu tốn nhiều thời gian trong các quán bar, nhà thổ để tuyển mộ nhân viên mới từ người địa phương. Trong suốt thời gian hoạt động ở Philippines, bản thân Janine Brookner tuyển mộ được rất nhiều điệp viên có giá trị cho CIA.

Trong bài báo trên tờ Journal of Contemporary Asia tháng 8/2000, nhà xã hội học người Mỹ James Petras mô tả các tổ chức phi chính phủ tiến bộ (NGO) có thể bị CIA vô hiệu hóa hay thậm chí thâu tóm thông qua sự tài trợ của USAID, NED, Asia Foundation cũng như Ford Foundation. Tác giả Petras nhấn mạnh: CIA đã khéo léo biến Philippines thành một quốc gia phụ thuộc nặng nề vào sự tài trợ và đặc biệt là hệ tư tưởng của Mỹ như thế nào.

USAID có nhiệm vụ tài trợ cho Đại hội Nghiệp đoàn Philippines (TUCP) và thậm chí USAID còn thành lập một văn phòng cải cách ruộng đất để làm việc chặt chẽ với TUCP. Điều đó cho thấy các nhà phân tích chính trị của CIA và USAID rất muốn thiết kế một chương trình cải cách ruộng đất để không gây cản trở cho khu vực xuất khẩu nông nghiệp của Philippines đồng thời "song hành" với chương trình chống nổi loạn và xoa dịu sự bất an của nông dân.

Trong các năm từ 1984 đến 1990, NED đã rót số tiền khổng lồ 9 triệu USD tài trợ cho các tổ chức và thể chế của Philippines như là TUCP, Phong trào phụ nữ chăm sóc nền dân chủ (KABATID) và Cơ quan thương mại và công nghiệp Philippines (PCCI). Sau khi hất cẳng được Tổng thống Ferdinand Marcos vào năm 1986, Mỹ bắt đầu biến các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) thành lực lượng chống nổi loạn hiệu quả.

Vào giữa các năm 1987-1990, Washington cho phép CIA tiến hành những chiến dịch bí mật chống lại phe cánh tả ở Philippines, bao gồm 10 triệu USD trợ giúp cho AFP tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo. Cho đến nay trợ giúp kinh tế và quân sự còn đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Mỹ ở Philippines. Trạm CIA còn chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề chính trị ở Philippines để bảo đảm nước này công nhận Mỹ là đồng minh chính. Trạm CIA ở Manila cũng tiến hành một số chiến dịch bí mật can thiệp vào những cuộc bầu cử quốc gia ở Philippines nhằm có lợi cho Washington, tuyên truyền thân Mỹ trong người dân địa phương, cung cấp thông tin tình báo về các nhà hoạt động chống đối chính quyền cho AFP v.v…

Trong số những tổ chức bình phong nổi tiếng nhất của CIA ở Manila là Asia Foundation. Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ William Blum, "Asia Foundation là tổ chức bình phong chính của CIA" và nguồn tài trợ cho châu Á.  Nhà báo điều tra  Raymond Bonner của tờ New York Times (Mỹ) cũng xác nhận Asia Foundation là "con đẻ của CIA"  và "tổ chức bình phong" trong một cuốn sách của ông tựa đề "Luân vũ với một nhà độc tài: Gia đình Marcos và Sự hình thành chính sách Mỹ" (xuất bản năm 1987).

Asia Foundation được CIA thành lập vào năm 1956 với các thành viên ban giám đốc được lựa chọn khắt khe. Tổ chức  này - với nguồn tiền đến 88 triệu USD/năm từ CIA - được thiết kế để tài trợ cho nghiên cứu học thuật, các hội nghị và diễn đàn trong phần lớn các trường đại học hàng đầu của Philippines cũng như điều hành các chương trình trao đổi học thuật. Ngoài phần lớn các hoạt động của Asia Foundation được coi là hợp pháp, CIA còn sử dụng tổ chức để tuyển mộ điệp viên nước ngoài và làm bình phong cho các chiến dịch bí mật ở Philippines. Nhiều dự án của các NGO, nhà báo, các chính quyền địa phương và các tổ chức dân sự ở Philippines đều nhận tiền tài trợ từ Asia Foundation.
 
Theo ANTG
[links()]