Vì sao người Pacô thích cưa răng, xăm mình?

Google News

Sau khi cưa răng xong sẽ dùng kim, vật sắc hoặc gai nhọn để vẽ lên người những hình mình thích, vừa để làm đẹp, vừa chống độc hiệu quả.

Trong dãy núi Trường sơn hùng vĩ, cho đến nay, một bộ phận người dân tộc thiểu số Pacô vẫn còn giữ được những cách vừa làm đẹp, vừa chống độc kỳ bí bằng cách cưa răng, xăm mình mà không phải nơi nào trên thế giới cũng có được.
 
Là một thầy giáo vùng xuôi lên A Lưới dạy học, Nguyễn Khánh Phong đã bị hút hồn bởi những vật dụng, những công cụ lao động, cũng như nét văn hóa độc đáo của người dân tộc nơi đây. Vì vậy, ngoài giờ lên lớp, Khánh Phong lại lặn lội vào sâu tận những bản làng heo hút để sưu tập nét văn hóa của bà con dân tộc. Và cũng chính nhờ niềm đam mê của mình, hiện nay Khánh Phong có một bộ sưu tập đồ sộ về văn hóa của người Pacô. Trong số những nét văn hóa đó, Khánh Phong luôn nhấn mạnh đến nét độc đáo của cách làm đẹp và chống độc bằng cách xăm mình và cưa răng.

Làm đẹp bằng cách cưa răng, xăm mình


Muốn để chúng tôi hiểu tường tận, cũng như có những dẫn chứng cụ thể về phong tục độc đáo này, Khánh Phong đã giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Hồ Xuân Hạnh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hồng Trung, huyện A Lưới – một người con của dân tộc Pacô. Trong câu chuyện khá thân tình, ông Hạnh cho chúng tôi biết hiện nay cuộc sống của bà con nơi đây đã khác xưa, kinh tế phát triển, giao thương với địa phương khác một cách dễ dàng. Tuy nhiên, người dân vẫn giữ được những bí mật về văn hóa độc đáo cho riêng mình. Trong số những nét văn hóa độc đáo kia, ngoài tục lệ đi sim, phương thức và quy trình xây dựng nhà mồ, lễ chạy mả… còn có tục xăm mình, cưa răng để làm đẹp, chống độc và thú dữ nữa.

Khi được hỏi về xuất xứ của nét văn hóa làm đẹp này bắt nguồn từ đâu, ông Hạnh tỏ vẻ suy tư như băn khoăn xem có nên hay không nên kể cho chúng tôi nghe về phong tục này. Bởi, đây là nét văn hóa độc đáo, nhưng bí mật, vẫn được người dân giữ kín bao năm nay mà chưa từng tiết lộ ra thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, với trách nhiệm của một người con của dân tộc mình còn hiểu và lưu giữ được nét văn hóa một cách hoàn chỉnh, cũng như muốn nhiều người biết đến những điều kỳ thú của dân tộc mình hơn, ông đã quyết định chia sẻ cho chúng tôi toàn bộ nét văn hóa kỳ bí kia.

Nét văn hóa này có được là nhờ tục lệ đi Sim. Khi những đôi trai gái ngồi tâm sự với nhau, họ thường e thẹn, cắn móng tay hay do vướng phải gai rừng nên bị xước tay chân. Từ những vết xước đó, mọi người hay dùng nhựa cây, lá và củ của một cây nào đó để sát vào. Sau khi vết thương lành, lớp da mới hình thành thì thấy dưới da có những màu sắc rất đẹp và không bao giờ phai. Từ những màu sắc được hình thành kia, mọi người nghĩ ngay đến việc sao không vẽ những hình vẽ đẹp hoặc hình biểu trưng về sức mạnh, tâm linh… rồi kết hợp với tục cưa răng làm đẹp trước đây để cho vẻ đẹp thêm hoàn mỹ.

Cũng chính từ những ý nghĩ sơ khai đó, qua thời gian, các hình vẽ ngoài việc làm đẹp còn mang ý nghĩ phân biệt nam nữ, thứ bậc, tâm linh, chữa bệnh và chống độc.

Khi đến tuổi trưởng thành, muốn thu hút được sự chú ý của trai gái, mọi người thường cưa răng cho ngắn lại. Việc cưa rằng thường kéo dài khoảng một tuần hoặc lâu hơn nữa tùy vào thể trạng của mỗi người. Bởi, việc cửa răng thường rất đau, ảnh hưởng đến thần kinh và sức khỏe, do đó, mỗi ngày chỉ được phép làm một ít, khi thấy mệt trong người là phải dừng lại ngay.

Sau khi cưa răng xong sẽ dùng kim, vật sắc hoặc gai nhọn để vẽ lên người những hình mình thích, hoặc thấy phù hợp như: A Chứt (con trai) thường sẽ xăm lên mình hình con rắn, rết, hổ, báo, rau Dờn ở ngực và cánh tay, trán thì xăm mặt trời. Với A Đen Trun (con gái), ở cằm xăm chữ V hoặc hình nắp kiềng ba chân lật ngược, hai bên mép là vầng trăng, xăm hình cong nối hai đuôi mày, ở khóe miệng là ba chấm làm như lúm đồng tiền… Sau khi vẽ hình xong, mọi người sẽ dùng loại hợp chất đã được chuẩn bị sẵn gồm lá cây dây leo có tên “Aluông” trộn với than bếp cho vào cối giã nhỏ, đổ nước suối vào ngâm trong nhiều giờ. Hoặc mọi người cũng có thể sử dụng hợp chất của củ “Tưr’ya” và một số cây rừng bí ẩn để làm màu.
Ông Hồ Xuân Hạnh đang chia sẻ với phóng viên về tục lệ lạ lẫm của dân tộc mình.
Ông Hồ Xuân Hạnh đang chia sẻ với phóng viên về tục lệ lạ lẫm của dân tộc mình.
Ngoài cách làm đẹp kia, người phụ nữ Pacô còn tìm cho mình những loại “mỹ phẩm" có xuất xứ từ trong rừng. Từ xa xưa, khi mọi người còn lạ lẫm với việc trang điểm, tô môi, nhuộm móng tay, thì những người phụ nữ Pacô ở đây đã biết ra suối, lên rừng để tìm những hòn đá mềm màu hồng, đỏ (đá huyết) rồi về tán thành bột, trộn với lá cây “Krier”, cùng với một số loại nhựa cây có màu xanh, đỏ, đen, trắng làm thành mỹ phẩm trang điểm cho mặt, chân tay, kẻ lông mày, lông mi, son môi… Từ cách làm đẹp này, đàn ông sẽ nhìn vào đó để chọn vợ. Bởi theo quan niệm, nếu người phụ nữ có những hình xăm đẹp, tạo ra được những loại mỹ phẩm đẹp để trang điểm sẽ là người khéo tay, biết chăm lo cho gia đình.

Gặp bà Căn Un (SN 1922), dù nếp nhăn đã chằng chịt trên khuôn mặt, cùng làn da đen sạm vì tuổi cao, nhưng những vết xăm của bà vẫn còn đó như thách thức thời gian. Bà Căn Un chia sẻ: “Ngay từ nhỏ tôi đã thấy người dân trong bản làm đẹp bằng cách cưa răng, xăm, và trang điểm bằng “mỹ phẩm” do chính mình tạo ra rồi. Sắp đến tuổi trưởng thành, tôi cũng được mẹ và chị gái dạy cho cách chế ra các loại mỹ phẩm. Ngày đó, chính vì kinh nghiệm của mình, đã có biết bao chàng trai theo đuổi tôi đấy. Đặc biệt vào những ngày tết, ngày hội, thấy tôi đến là đàn ông ai cũng nhìn, chăm chú không rời mắt”, bà cười hiền, ánh mắt rực sáng như cái thủa xuân thì của bà đang hiển hiện trước mắt vậy. Và chính cái điệu cười ấy, ánh mắt ấy đã tạo nên một ấn tượng mạnh đối với chính chúng tôi, cảm giác như mình đang được tham gia vào cái ngày hội, mà ở đó, những chàng trai, cô gái xăm trên mình đầy những hình vẽ thật đẹp. “Đó chỉ là những kỷ niệm đẹp còn in giấu trong tâm trí của nhưng những “hoài cổ” như chúng tôi mà thôi.

Từ khoảng cuối những năm 90 đến nay, khi nền kinh tế phát triển, rất ít người còn muốn lưu giữ cái tục lệ đẹp kia…”, tỏ vẻ tiếc nuối, rồi bà chạy đến góc nhà, bới bới, kiếm tìm và mang đến cho tôi “thỏi son” bằng đá huyết. Nhìn thỏi son mà theo bà sẽ có màu đỏ được phủ bằng lớp mốc trắng xóa, ánh mắt bà buồn buồn, với những giọt nước mắt hiếm hoi lăn dài theo rãnh của nếp nhăn. “Đã lâu lắm rồi tôi không còn động đến mấy loại “mỹ phẩm” này nữa. Tuy nhiên, cái tục lệ cũng như văn hóa này đã ăn sâu vào tận huyết quản của mình. Chính vì vậy, dù không còn dùng nữa, nhưng tôi vẫn giữ nó lại, thỉnh thoảng lại đem ra ngắm cho đỡ nhớ thôi”.Sau khi chia sẻ, bà dùng luôn “thỏi son” mài vào hòn đá cùng nước cho ra một màu đỏ sậm, dẻo sánh tựa như son môi.

Vừa làm đẹp lại vừa chống độc hiệu quả

Theo những người dân nơi đây, việc xăm bằng loại mực kỳ bí kia ngoài để làm đẹp, đây cũng được coi như liều thuốc chống độc hết sức hiệu quả. Ông Hồ Xuân Hạnh thật thà kể: “Tôi đây đã từng bị rắn độc cắn, mọi người cứ tưởng không qua được vì người sốt li bì. Tuy nhiên, một thời gian sau thì tự nhiên khỏi. Điều lạ là, không phải mình tôi thoát chết vì rắn độc cắn, mà rất nhiều người ở quê tôi, khi xăm mình, bị rắn rết cắn đều không làm sao cả…”.
Với hình xăm như thế này, mọi người cho rằng làm đẹp và có thể chống độc.
Với hình xăm như thế này, mọi người cho rằng làm đẹp và có thể chống độc.
Theo lý giải của ông Hạnh và người dân nơi đây thì loại lá cây “Aluông” có chất giải độc. Không chỉ rắn rết mà bất kỳ loại độc nào, “Aluông” cũng đều khắc chế được.

Cũng theo mọi người thì, củ “Tưr’ya” ngoài việc sử dụng để xăm, mọi người còn dùng nó để chữ đau đầu rất hiệu quả. Do đó, khi dùng các loại mực xăm này thì cũng như ta tiêm một loại vắc xin vào người.

Có thể rằng về mặt văn hóa, tục cưa răng, xăm mình của người Pacô trên dãy núi Trường sơn đã góp phần vào kho tàng văn hóa thêm phong phú hơn. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, chúng dần dần bị mai một đi. Dân tộc Pacô ở vùng A Lưới chỉ còn lại một số người còn lưu giữ được đầy đủ giá trị của các phong tục này. Điều mà không chỉ người cao niên ở đây, mà bản thân chúng tôi cũng băn khoăn rằng, khi những người còn nắm giữ được bí quyết của tập tục kia về thiên cổ, ai sẽ là người truyền lại cho con cháu?
 
Theo GDVN