Hành trình cùng Cảnh sát biển bảo vệ chủ quyền (kỳ 2)

Google News

Ít ai biết rằng, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nhiều lần "cất vó" các vụ án lớn về buôn lậu, gian lận thương mại, tàng trữ, buôn bán ma túy và vây bắt cướp biển…

Kỳ 2: “Khắc tinh” của tội phạm

Cuộc chiến chống buôn lậu…

Màn đêm buông xuống cũng là lúc những ánh đèn điện các tàu đánh cá của ngư dân bừng sáng trên mặt biển. Vậy là đã hơn 10 ngày đêm Biên đội tàu Vùng CSB 2 rời đất liền. Đi biển trong đêm tối, bắt gặp những con tàu nhỏ bé đánh bắt hải sản ngoài khơi xa, tiếng cười rộn vang hòa cùng tiếng sóng mà lòng tôi đầy cảm thán vì sự lạc quan và dũng cảm của các ngư phủ đất Việt. Không chỉ có tàu đánh cá, thỉnh thoảng chúng tôi còn bắt gặp những con tàu vận tải đồ sộ, chất đầy công-te-nơ, ngất ngưởng giữa đại dương mênh mông.
Trên biển có nhiều tàu thuyền, làm sao các đồng chí có thể biết được đó là tàu nước ngoài hay tàu Việt Nam?, Phóng viên Kinh Bang thuộc Truyền hình Công an nhân dân hỏi các thành viên trên tàu CSB 4032. Câu hỏi của Bang đánh thức sự tò mò của chúng tôi.
Không để cánh phóng viên chúng tôi chờ lâu, Đại úy Phạm Nguyên Phú giải thích: "Những tàu hàng của các nước, các hãng và các công ty, doanh nghiệp của Việt Nam đều phải đăng ký mẫu, kích cỡ, trọng tải, màu sắc... theo quy chuẩn quốc tế. Do đó, khi hệ thống radar của tàu chúng tôi quét sẽ đọc được loại tàu, kích cỡ, cự ly, tốc độ... của tàu thuyền trong cự ly cho phép. Tuy nhiên, không phải tàu thuyền nào cũng nhận biết được số hiệu… Chẳng hạn như tàu thuyền nhỏ của ngư dân thì lại phải quan sát bằng mắt thường và các phương tiện khác...".
 Biên đội tàu Vùng CSB3 trấn áp cướp biển chiếm giữ tàu Zafirah (X) quốc tịch Malaysia.

Tàu thuyền đi lại trên biển nhiều như thế, làm sao để biết được đâu là tàu ngư dân, đâu là tàu của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại? - Nghe tôi hỏi vậy, đêm hôm ấy, Thượng úy Nguyễn Tiến Minh, Đội trưởng Đội Nghiệp vụ số 1 là người trực tiếp tham gia phá án thành công nhiều vụ buôn lậu trên khu vực biển miền Trung dành cho chúng tôi gần hai tiếng đồng hồ để kể về công việc thầm lặng, đầy cam go và nguy hiểm của những người duy trì thực thi pháp luật trên biển. 
Theo Thượng úy Nguyễn Tiến Minh, để có được thông tin chính xác và bắt giữ được đối tượng, các trinh sát cũng như cơ quan chức năng pháp luật phải tốn rất nhiều thời gian, công sức theo dõi, tìm hiểu. Bởi vì các đối tượng có rất nhiều thủ đoạn để “qua mặt” lực lượng chức năng. Không chỉ vậy, nhiều đối tượng còn bất hợp tác, chống đối những người thi hành công vụ. Tuy nhiên, với bản lĩnh, trình độ và kinh nghiệm của mình, thời gian qua, Vùng CSB 2 bắt và xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại trên biển.
Tôi còn nhớ, trong buổi làm việc với Thượng tá Nguyễn Văn Thiếu, Trưởng phòng Trinh sát Cục CSB, anh từng so sánh công việc của lực lượng CSB trong phòng chống tội phạm trên biển nhiều khi giống như người “mò kim đáy biển”. Bởi lẽ, bờ biển của nước ta dài, có nhiều đảo lớn nhỏ, khí hậu thời tiết phức tạp, ảnh hưởng tới tầm quan sát và công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Một trong những vấn đề thời gian gần đây nổi lên gây nhức nhối trong dư luận là tình trạng xuất lậu than, quặng quý hiếm đi nước ngoài và vận chuyển hàng tiêu dùng khối lượng lớn về Việt Nam ở vùng biển phía Bắc và miền Trung có dấu hiệu phức tạp.
Là người nhiều năm gắn bó với ngành Trinh sát, Thiếu tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Phòng chống buôn lậu, tiết lộ: “Thủ đoạn phổ biến về xuất lậu là thu gom than, quặng quý hiếm từ các nơi, tập kết số lượng lớn tại các cảng nội địa và một số bến bãi có địa hình phức tạp, khó quan sát để chuyển xuống tàu rồi dùng hồ sơ chứng từ lưu thông nội địa để hợp thức hóa trên đường vận chuyển, nhưng thực tế là rẽ đi các nước khác”.
Các đối tượng vận chuyển hàng lậu thường hoạt động về đêm, dùng tàu công suất lớn, các phương tiện thông tin hiện đại để liên lạc và theo dõi chặt chẽ mọi động thái của lực lượng chức năng. Thời gian gần đây, có phương tiện giả dạng tàu đánh bắt hải sản vượt biển trái phép ra nước ngoài, sau đó chở hàng lậu về Việt Nam. Tinh vi hơn, có phương tiện vừa đánh bắt trên biển, vừa theo dõi tình hình hoạt động của các cơ quan chức năng chống buôn lậu trên biển để báo cho các đối tượng buôn lậu biết, nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát. Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là pháo, hàng điện tử, điện lạnh, nhu yếu phẩm, xăng dầu, gỗ, mỹ phẩm, thuốc lá, rượu, gia cầm, vật liệu xây dựng…
“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”
Các cụ vẫn thường nói “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Trước diễn biến phức tạp của tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, Cục CSB Việt Nam đã mở nhiều đợt cao điểm nhằm đấu tranh ngăn chặn tội phạm này. Chỉ tính riêng đợt cao điểm phòng chống tội phạm trên biển trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2013, toàn lực lượng đã bắt giữ, xử lý được 11 vụ, với 83 đối tượng, tịch thu 3.141 tấn tinh quặng sắt xuất lậu; 2.680 tấn quặng sắt không có nguồn gốc hợp pháp; 800 bao thuốc lá lậu; 2.050 tấn than cám; 4.200 con chim bồ câu nhập lậu... Số tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính và phát mại tài sản hơn 40 tỷ đồng.
Lực lượng Cảnh sát biển từng lập nhiều chiến công trong công tác chống buôi lậu, chống tội phạm ma túy.
Nếu như việc buôn lậu trên biển ngày càng cam go, thì công tác đấu tranh với tội phạm buôn bán ma túy còn gian nan, nguy hiểm gấp bội. Nhiều chuyên án lớn, cụm đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy của các vùng phải tung hết lực lượng bám địa bàn, bám đối tượng để theo dõi, mật phục…
Hẳn mọi người vẫn còn nhớ vào tháng 5/2008, các phương tiện thông tin đại chúng rầm rộ đưa tin các cơ quan bảo vệ pháp luật khám phá thành công vụ án 5 đối tượng người nước ngoài vận chuyển ma túy qua đường biển, thu giữ 8,8 tấn nhựa cần sa và hơn 3,3 tỷ đồng tiền mặt. Đây là chuyên án có số lượng ma túy bị bắt giữ lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực châu Á. Lực lượng đặc nhiệm CSB Việt Nam đã âm thầm trinh sát, nắm chắc thông tin về vụ án rồi chủ động cùng các lực lượng Công an, Hải quan phối hợp phá án.
Mưu trí và can trường
Một điều thú vị trong chuyến công tác lần này, tôi tình cờ biết được hai cán bộ của Vùng CSB 2, trước kia, trong thời gian công tác ở Vùng 5 CSB đã từng tham gia truy bắt cướp. Đó là Thượng tá Trần Quang Tuấn, Phó tham mưu trưởng tác chiến và Trung tá Lê Trọng Phổ, Chủ nhiệm Chính trị Vùng CSB2. Nghe tôi gợi chuyện, kỷ niệm về những giây phút đầy căng thẳng và cam go khi đối mặt với những tên cướp biển người nước ngoài lại ùa về trong tâm trí Trung tá Lê Trọng Phổ.
Sáng ngày 24/8/2006, Sở chỉ huy Vùng 5 CSB nhận được tin báo có một xuồng cao tốc của nước ngoài đang vây bắt 4 tàu cá Việt Nam, với 41 ngư dân trên vùng biển Việt Nam. Tàu CSB 2002 được lệnh xuất phát đi giải cứu. Khi đó, Thượng tá Nguyễn Văn Ba, là Trưởng ban Tham mưu, Trung tá Trần Quang Tuấn, Hải đội trưởng, Thiếu tá Lê Trọng Phổ, Chính trị viên phó Hải đội 501 (nay là Hải đội 401) được cử tham gia thực hiện nhiệm vụ bắt cướp biển và giải cứu ngư dân.
Anh Phổ kể: “Nhóm cướp này có 4 tên, sau khi Tàu CSB 2002 tiếp cận để tuyên truyền thì chúng lăm lăm súng AK sẵn sàng bắn trả”. 
Khi phát hiện bọn cướp, tàu CSB 2001 được lệnh xuất kích hỗ trợ. Hai tàu CSB tăng tốc, như hai gọng kìm siết chặt tàu của chúng. Bọn cướp rất ngoan cố, chúng cho tàu chạy vòng vo, lắt léo và không chịu đầu hàng. Các chiến sĩ CSB trên hai tàu vừa dùng súng, pháo uy hiếp vừa tuyên truyền, đồng thời áp sát và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để khống chế.

Sau hơn hai giờ trốn chạy trong sự truy đuổi kiên quyết, dũng cảm, mưu trí của các chiến sĩ CSB, biết không thể tẩu thoát, 4 tên cướp có vũ trang người nước ngoài đã phải hạ vũ khí đầu hàng. Ta giải thoát an toàn 4 tàu, 41 ngư dân cùng toàn bộ phương tiện tài sản. Vùng 5 CSB là đơn vị đầu tiên triển khai truy bắt thành công bọn cướp có vũ trang trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc.
CSB Việt Nam truy bắt và giải cứu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho các ngư dân Việt Nam, đó là lẽ thường tình. Nhưng việc “ra tay” truy quét, bắt giữ 11 tên cướp người nước ngoài và giải cứu an toàn tàu Zafirah quốc tịch Malaisia trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu hồi tháng 11/2012 lại có một ý nghĩa lớn, thể hiện trách nhiệm với các nước trong khu vực về an ninh hàng hải. Đó cũng là phẩm chất, nghĩa khí của CSB Việt Nam, thể hiện trách nhiệm của quốc gia có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Chiến công này góp phần nâng cao vị thế của lực lượng CSB ở trong nước, khu vực và quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải.
Theo Quân đội Nhân dân