Trung đoàn 954 (Sư đoàn 372) là trung đoàn duy nhất ở VN có phi đội trực
thăng săn ngầm và cũng là lực lượng hiện đại nhất Đông Nam Á.
6h, ở căn cứ không quân của trung đoàn 954. “525 xin phép cất cánh”, phi công lần lượt báo cáo và xin phép. “Cho phép cất cánh”, chỉ huy bay từ đài chỉ huy nói qua máy đối không.
Biên đội trực thăng săn ngầm gồm hai chiếc Ka-28 - được mệnh danh là “sát thủ săn ngầm” trên biển với số hiệu 525 và 520 nhận được lệnh xuất phát hướng ra biển để thực hiện bài bay huấn luyện khoa mục phức tạp nhất: treo ở độ cao 25m trên biển để thả thiết bị dò tìm tàu ngầm và tiêu diệt tàu ngầm...
Dò tìm tàu ngầm
Buổi sáng, trời mù âm u. Mặt biển và bầu trời nối với nhau như một dải lụa khổng lồ, không thể phân biệt đâu là mặt biển, đâu là đường chân trời. Vào 6h30, biên đội “sát thủ săn ngầm” Ka-28 có mặt tại tọa độ X, cách bờ khoảng 60km. Nó bay ở độ cao 100m làm nhiệm vụ dò tìm tàu ngầm. Trong khi đó ở phía trên, trực thăng số 520 gắn tên lửa bay vòng tròn ở độ cao 300m sẵn sàng làm nhiệm vụ tiêu diệt tàu ngầm. “525 đến khu vực xin phép được tiến hành dò tìm tàu ngầm” - phi công lái chiếc Ka-28 số hiệu 525 nói qua máy đối không. “Được phép dò tìm tàu ngầm”, lệnh từ sở chỉ huy cho biết.
Trực thăng số 525 bay vòng lượn, bắt đầu giảm độ cao từ 100m xuống 25m và treo máy bay (giữ máy bay ở trạng thái đứng yên trên mặt biển). Hôm nay bay xuôi gió nên máy bay bị đẩy đi nhanh hơn khiến việc điều khiển máy bay thêm phần khó khăn. Dưới mặt biển, sức gió từ cánh quạt hai động cơ của “sát thủ săn ngầm” tạo ra hàng trăm vòng tròn khổng lồ nối nhau bởi những vân nước trắng xóa tuyệt đẹp. “Máy bay treo tốt”, phi công báo cáo. Ở phía sau ghế phi công, sĩ quan dẫn đường 2 bắt đầu ấn nút thả thiết bị dò tìm tàu ngầm VGS xuống vị trí nghi ngờ có tàu ngầm đối phương. Phi công thao tác thả thiết bị dò tìm VGS quá tốt, không bị dịch vị trí, dây VGS xuống thẳng vuông góc với mặt biển.
|
Biên đội trực thăng săn ngầm Kamov Ka-28 xuất kích. |
Sĩ quan dẫn đường 1 (làm nhiệm vụ dẫn đường và sử dụng các phương tiện bắn ném) báo cáo phát hiện tàu ngầm. Màn hình radar hiển thị rõ tọa độ, phương vị, cự ly mục tiêu. Sau khi thả phao đánh dấu vị trí tàu ngầm, 525 báo về sở chỉ huy và nhanh chóng thu thiết bị dò tìm VGS, thoát ly khỏi tọa độ. Ngay lập tức, “sát thủ săn ngầm” Ka-28 số hiệu 520 đang bay vòng tròn ở phía trên giảm độ cao xuống tọa độ có tàu ngầm. “520 đã xác định tốt vị trí tàu ngầm, xin phép vào tiêu diệt”. “Được phép vào tiêu diệt”, lệnh từ sở chỉ huy cho phép.
Chỉ chưa đầy hai phút, 520 vào đúng vị trí và phóng tên lửa tiêu diệt tàu ngầm. Thực hiện thành công bài bay huấn luyện, biên đội “sát thủ săn ngầm” thẳng hướng về căn cứ. Hai phi công được lựa chọn trong bài bay huấn luyện sáng nay đều ở thế hệ 8X: Thượng úy Chu Văn Dương (sinh năm 1983) và thượng úy Nguyễn Mạnh Việt (sinh năm 1981). Hai sĩ quan dẫn đường: Trung tá Lưu Đức Bột và Trần Văn Thắng là những người có kinh nghiệm làm việc lâu năm nhất với Ka-28.
Chân dung “sát thủ”
Hiện Ka-28 được coi là một trong những “sát thủ săn ngầm” đáng gờm trên thế giới. Với nhiệm vụ trinh sát trên biển, dò tìm và tiêu diệt tàu ngầm. Nó được coi là lực lượng chống tàu ngầm chủ lực của Hải quân Việt Nam.
Điểm làm nên sự độc đáo của Ka-28 là được thiết kế với cơ cấu hai cánh quạt nâng đồng trục quay ngược chiều nhau thay vì chỉ một cánh quạt chính như trực thăng truyền thống. Việc được trang bị hai động cơ tuôcbin trục TV3-117V cho phép Ka-28 đạt tốc độ tối đa 270 km/h, tầm bay tới 980 km.
Ngoài ra, ưu điểm của sự cải tiến thông minh này là giúp loại bỏ hoàn toàn cánh quạt đuôi, giảm tiếng ồn và kích thước bề ngang máy bay. Ngoài ra, nó giúp trực thăng có độ cơ động và linh hoạt cao hơn. Và vì không có cánh quạt đuôi nên “sát thủ săn ngầm” có thể cất hạ cánh trong mọi điều kiện thời tiết. Ka-28 có thể hạ cánh trên cả những tàu nhỏ mà các máy bay trực thăng khác không thể.
“Sát thủ săn ngầm” này có tính năng kỹ chiến thuật đa năng, có khả năng tìm và tiêu diệt tàu ngầm với ba phương án khác nhau bằng các thiết bị hiện đại nhất hiện nay ở độ sâu gấp ba lần độ sâu hoạt động của tàu ngầm.
Trước đó, trực thăng săn ngầm Ka-25 chỉ có một phương án dò tìm bằng thiết bị dò từ APM (dò từ trường phát ra từ vỏ tàu ngầm). Ka-28 còn có thêm khả năng dò tìm tàu ngầm bằng phao thủy âm vô tuyến RGB (dò bằng sóng vô tuyến khi tàu ngầm phát ra tín hiệu sóng vô tuyến lên không trung) và dò âm VGS (dò tiếng chân vịt của tàu ngầm).
Ka-28 được trang bị hệ thống radar trinh sát mặt nước và gắn thêm thiết bị chống nhiễu, gây nhiễu để tàu ngầm không thể phát hiện. Khoang vũ khí của nó mang được ngư lôi tự dẫn, bom sâu và mìn. Trong khi các trực thăng khác phải trang bị thêm thuyền phao, áo phao để khi hạ cánh trên biển thì Ka-28 được trang bị áo phao riêng cho máy bay để nổi trên mặt nước trong tình huống khẩn cấp. Phía khoang sau của Ka-28 có thuyền bằng cao su được gói lại. Sĩ quan dẫn đường 2 có nhiệm vụ đẩy thuyền, giật dây bơm hơi để nhảy xuống biển khi có tình huống phải hạ cánh khẩn cấp xuống biển.
|
Tổ bay trao đổi sau chuyến bay huấn luyện. |
Phi đội săn ngầm duy nhất Việt Nam
Phần lớn thành viên của phi đội là lực lượng tiền thân của Ka-28 chuyển từ căn cứ Cát Bi (Hải Phòng) vào. Các thế hệ phi công trẻ sau này đều do lớp phi công lái Ka-28 đầu tiên được đào tạo, huấn luyện tại Nga.
Ngoài những lý thuyết như phi công các trực thăng khác, phi công lái Ka-28 phải học thêm nguyên lý làm việc, thành phần cấu tạo, những hỏng hóc và cách xử lý, khắc phục, học thêm quy chế sân bay, khí tượng, dẫn đường, an toàn bay, dù hàng không... Điều đặc biệt của Ka-28 là phi công còn có khả năng làm được cả công việc của người kỹ thuật.
“Đã hoạt động ngoài biển xa, hệ thống điều khiển lại phức tạp nên việc đào tạo phi công Ka-28 khó hơn các loại trực thăng khác, mất nhiều thời gian hơn. Phi công muốn học lái Ka-28 phải có 300 giờ bay trên các loại trực thăng khác, Trung tá Hoàng Mạnh Hải, chủ nhiệm chính trị cho biết.
Phi công mới ra trường phải trải qua thời gian dài huấn luyện trên Mi8 rồi mới được học chuyển loại sang lái Ka-28. Ít nhất phải mất hai năm đào tạo liên tục (thường là 3 năm) do đề cương huấn luyện dài, các khoa mục huấn luyện phức tạp, khai thác sử dụng tính năng của hệ thống trang thiết bị tìm kiếm tàu ngầm khó”.
“Học lý thuyết đã phức tạp, khi sử dụng cũng phức tạp không kém”, Thượng úy phi công Nguyễn Mạnh Việt cho biết.
Thượng úy Việt và Thượng úy Chu Văn Dương sinh năm 1983 là thành viên trẻ nhất phi đội. Đặc biệt, Thượng úy Dương mới được bay đơn khoa mục khó: bay ứng dụng chiến đấu độ cao cực thấp trên biển (25m). Để thực hiện được bài bay khó này, anh phải mất mấy năm bay trên đất liền với nhiều bài bay khác nhau.
“Cái khó của bài bay là khi phát hiện tàu ngầm nằm ở vị trí X, phi công phải tính toán làm sao để máy bay hạ cánh xuống trong bán kính 5-10 km để nghe được tín hiệu tàu ngầm. Nếu xuống xa quá hoặc lệch trái, lệch phải so với vị trí X thì sẽ không thu được tín hiệu tàu ngầm”.
Huấn luyện bay đêm
Không chỉ bay huấn luyện ngày, phi công Ka-28 còn được huấn luyện cả bay đêm, từ đơn giản đến phức tạp. “Trước khi bay một ngày, chỉ huy trung đoàn hoặc chỉ huy bay trong ban bay phải kiểm tra công tác và chất lượng chuẩn bị của tổ bay - đại tá Nguyễn Việt Hùng, trung đoàn trưởng trung đoàn 954 cho biết: Nếu đạt yêu cầu từ 7 điểm trở lên mới được phép thực hành bay. Dưới 7 điểm sẽ bắt thi lại hoặc dừng bay. Ngày triển khai bay, phi công phải ra sân bay trước khi bay một giờ, khám sức khỏe, nhận nhiệm vụ bay... Nếu cần thiết, chỉ huy trung đoàn hoặc chỉ huy bay kiểm tra thêm lần cuối. Chúng tôi cẩn trọng như vậy vì bay biển rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chẳng hạn như đang treo máy bay nhưng lại bị hỏng một động cơ. Nếu không bình tĩnh xử lý tốt thì máy bay rất dễ lao xuống biển! Do phải thường xuyên bay biển và lại biển xa nên phi công lái Ka-28 phải lì và rất bản lĩnh mới xử lý tình huống nhanh chóng và chính xác. Đó cũng là điều khiến họ tự hào”.
|
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Theo Tuổi trẻ