Want China Times dẫn nguồn tin từ các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc tiết lộ, Quân đội Trung Quốc là lực lượng vũ trang duy nhất sở hữu
lực lượng đặc nhiệm lớn nhất trên thế giới. Và có tới 10 đơn vị đặc nhiệm khác nhau đang được Quân đội Trung Quốc triển khai cũng như duy trì hoạt động.
Cả 10 đơn vị đặc nhiệm này đều được xây dựng từ các đơn vị cơ sở trực thuộc 7 đại quân khu của Quân đội Trung Quốc hoặc từ các đơn vị đặc nhiệm Hải quân và Không quân của nước này, ngoài ra còn có sự góp mặt từ lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc.
|
Quân đội Trung Quốc sở hữu tới 10 đơn vị tác chiến đặc biệt được phân bố tại 7 đại quân khu và các binh chủng.
|
Thông tin trên được xem là khá kỳ lạ, khi mà quân đội nước này vốn rất kín tiếng trong các hoạt động quân sự của mình. Nhất là hoạt động của các đơn vị đặc nhiệm chuyên cho tác chiến đặc biệt, bí mật.
Đơn cử như "Siberian Tiger" (hổ Siberia) là một trong những đơn vị đặc nhiệm đến từ Quân khu Thẩm Dương. Biệt đội này được huấn luyện để có thể thực hiện mọi loại nhiệm vụ từ mặt đất, cho đến trên không và cả dưới nước. Ngoài ra, Siberian Tiger cũng được đào tạo để có thể hoạt động ngầm bên trong khu vực lãnh thổ đối phương, nhờ việc được huấn luyện ở những môi trường khắc nghiệt nhất Trung Quốc đã giúp cho lực lượng đặc nhiệm này có thể thích nghi và sống sót trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, Siberian Tiger còn được tiếp cận và sử dụng thành thạo mọi loại phương tiện vận chuyển đang được Quân đội Trung Quốc trang bị, cùng với đó là chương trình huấn luyện đổ bộ đường không bắt buộc với hơn 5.000 lần nhảy dù và huấn luyện dưới nước hơn 1.000 giờ.
|
Quá trình huấn luyện của lính đặc nhiệm Trung Quốc được đánh giá còn gian khổ hơn cả các chương trình huấn luyện biệt kích của Mỹ hay Nga.
|
Quân khu Bắc Kinh cũng sở hữu cho mình một đơn vị tác chiến đặc biệt là "Arrow” còn được biết tới với cái tên "Divine Sword ", lực lượng đặc nhiệm này có nhiệm vụ chính là bảo vệ thủ đô Bắc Kinh với quân số đông đảo hơn 3.000 binh sĩ. Tương tự như Siberian Tiger, Arrow cũng phải trải qua các chương trình huấn luyện đặc biệt, ví dụ như phải hành quân 5km với đầy đủ quân trang dưới 25 phút, vượt chướng ngại vật 400m dưới 105 giây, ném lựu đạn vài trăm lần với khoảng cách ít nhất là 50m và nhiều bài huấn luyện khắc nghiệt khác.
Còn lực lượng tác chiến đặc biệt thuộc Quân khu Lan Châu là "Night Tiger" (hổ bóng đêm), là một trong những đơn vị đặc nhiệm có lịch sử phát triển lâu đời nhất của Quân đội Trung Quốc từ Chiến tranh Thế giới thứ II cho đến nay. Đây cũng là đơn vị chống khủng bố đầu tiên của Trung Quốc được thành lập vào năm 2000.
"Flying Dragon" (rồng bay) là lực lượng đặc nhiệm được thành lập vào năm 1992 và thuộc quân khu Nam Kinh, đây là đơn vị chuyên thực hiện các nhiệm vụ tác chiến đặc biệt phi truyền thống của Quân đội Trung Quốc. Vào năm 1997, biệt đội này lần đầu tiên được giới thiệu với giới truyền thông Trung Quốc thông qua một đợt diễn tập qui mô lớn của lực lượng an ninh nước này.
|
Các đơn vị đặc nhiệm Trung Quốc có thể thực hiện mọi loại nhiệm vụ ở mọi địa hình môi trường khác nhau.
|
Lực lượng đặc biệt đầu tiên được Quân đội Trung Quốc đưa vào hoạt động chính thức là "South Blade" vào năm 1988, tại Quân khu Quảng Châu. Mỗi thành viên thuộc đơn vị này đều phải trải qua các bài huấn luyện bắt buộc với cường độ hoạt động cao như chạy bộ hàng ngàn km, leo núi, bơi vượt sông và thực hành bắn súng. Bên cạnh đó, South Blade cũng được trang bị các thiết bị công nghệ hổ trợ tiên tiến phục vụ cho quá trình tác chiến.
Quân khu Tế Nam cũng duy trì hoạt động của một đơn vị tác chiến đặc biệt có tên là "Eagle", đơn vị này có thể được triển khai cho nhiều loại nhiệm vụ khác nhau như các chiến dịch quân sự mặt đất, trên không, dưới biển và cả hoạt động ngầm. Eagle cũng tiến hành áp dụng các bài huấn luyện đặc biệt cho các thành viên của mình, nhằm tăng cường thể lực và sức chịu đựng của cơ thể với các bài chạy bộ 3.300m trong vòng 12 phút, huấn luyện đấu đối kháng bằng tay không cũng như sử dụng các bài võ thuật cổ truyền của Trung Quốc.
Nhưng bí ẩn nhất vẫn là đơn vị tác chiến đặc biệt "Falcon" của Quân khu Thành Đô, lực lượng này được cho là có thể thực hiện được bất cứ loại nhiệm vụ nào. Từ giải cứu con tin cho đến truy quét các phần tử khủng bố cực đoan.
|
Trong ảnh là lực lượng biệt kích "Jiaolong" của Hải quân Trung Quốc.
|
Hải quân Trung Quốc cũng góp mặt vào trong danh sách trên với lực lượng biệt kích hải quân "Jiaolong", với điểm nhận dạng đặc biệt là các thành viên đều mang quân phục màu đen. Đơn vị này lần đầu tiên được Hải quân Trung Quốc công khai là trong chiến dịch chống cướp biển ở vùng Biển Somali vào năm 2008 và tiếp theo sau đó là ở Vịnh Eden trong hơn 9 tháng.
Còn "Leishen" hay "Thor" là hai đơn vị đặc nhiệm của Không quân Trung Quốc, được thành lập vào tháng 9/2011, chuyên thực hiện các loại nhiệm vụ trên không.
|
Biệt đội "Falcon" thuộc lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc, trong một chương trình huấn luyện tác chiến.
|
Lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc cũng sở hữu hai đơn vị đặc nhiệm là "Snow Leopard" và "Falcon" , được thành lập từ tháng 12/2002. Riêng đối với Snow Leopard, đơn vị này đã thực hiện thành công hơn 90 nhiệm vụ và tham gia nhiều cuộc tập trận quân sự qui mô lớn do Quân đội Trung Quốc tổ chức, cũng như đánh bại các đơn vị đặc nhiệm của Mỹ, Nga, Pháp trong các cuộc thi quân sự quốc tế.
Còn lực lượng đặc nhiệm Falcon có lịch sử phát triển từ năm 1982 và cũng là đơn vị chủ chốt trong hoạt động bảo vệ các phái đoàn nước ngoài đến thăm Trung Quốc cũng như các sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại nước này.
Trà Khánh