Sau thành công của các chương trình hợp tác quân sự giữa Nga và Ấn Độ, điển hình là các dự án phát triển tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos và dây chuyền sản xuất
máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKI. Hai nước thành viên khác của Hiệp hội các nước có nền kinh tế mới nổi (BRICS) là Brazil và Nam Phi bắt đầu dành sự quan tâm nhiều hơn đến chương trình hợp tác quân sự với nước Nga.
Tuần trước, Anatoly Isaykin -Tổng giám đốc công ty Rosoboronexport xuất nhập khẩu vũ khí của Nga phát biểu với giới truyền thông nước này cho hay, các cuộc đàm phán hợp tác quân sự giữa Nga, Brazil và Nam Phi trong chương trình hợp tác và phát triển vũ khí trong khuôn khổ các hoạt động BRICS sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.
|
Chương trình hợp tác phát triển tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos là một trong những dự án hợp tác quân sự thành công nhất của Nga và Ấn Độ.
|
Ông này cũng cho biết thêm, hiện nay phía Nga đang tiến hành làm việc trực tiếp với từng nước với nhau. Bên cạnh đó ý tưởng về một chương trình hợp tác phát triển quân sự đa quốc gia cũng được thảo luận một cách nghiêm túc. Đặc biệt là cuộc hội đàm giữa Nga, Brazil và Nam Phi về hợp tác phát triển các sản phẩm quân sự đã được lên kế hoạch trong năm nay.
Người đứng đầu công ty Rosoboronexport nói thêm rằng, vào cuối tháng 9 tới sẽ diễn ra một triễn lãm quốc phòng quốc tế sẽ được tổ chức tại Nam Phi. Các vấn đề trong thảo luận hợp tác quân sự giữa các thành viên BRICS cũng sẽ được thảo luận ở đây.
Ngoài ra, vào cuối năm 2014 Nga có thể sẽ ký hợp đồng cung cấp các tổ hợp
tên lửa – pháo phòng không tầm thấp Pantsyr-S1 (định danh NATO là SA-22 Greyhound) cho Brazil.
Cho đến nay, Nga vẫn chưa có bất kỳ kinh nghiệm hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với Nam Phi và Brazil, ngoại trừ một một số hợp đồng mua sắm các tổ hợp tên lửa phòng không trong tương lai. Mặc dù trong quá khứ Nga và Nam Phi từng có định hợp tác trong lĩnh vực hàng không nhưng không thành.
|
Brazil có khả năng sẽ mua tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Pantsyr-S1 của Nga vào cuối năm nay.
|
Igor Korotchenko, một chuyên gia và tổng biên tập của một tạp chí quốc phòng tin rằng, sự hợp tác giữa Nga, Brazil và Nam Phi chỉ có thể nằm trong phạm vi các hợp đồng mua bán vũ khí thông thường.
Theo Korotchenko đánh giá, Nga đang muốn thiết lập thị trường vũ khí mới tại khu vực Mỹ La-tinh và Châu Phi, trong đó Nam Phi và Brazil sẽ đóng vai trò như cửa ngõ chính giúp Nga tấn công thị trường đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, điều Nga cần là một chiến lược kinh doanh hợp lý ở các thị trường trên, nước này phải đảm bảo giá thành các mẫu vũ khí của mình phải tương đối rẻ và dễ dàng sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương.
Đặc biệt là các quốc gia Châu Phi, nơi mà ngân sách dành cho quốc phòng thường khá hạn chế trừ một số quốc gia có nền kinh tế mạnh trong khu vực. Điển hình, gần đây Uganda đã chi 740 triệu USD để mua các máy chiến đấu của Nga mặc dù khả năng kinh tế của nước này chỉ được đánh giá là ở mức trung bình, nói cách khác các quốc gia Châu Phi luôn muốn tăng cường khả năng quân sự của mình nhưng chỉ ở mức độ hạn chế.
|
Không phải quốc gia nào ở Châu Phi cũng có tiềm lực quân sự quốc phòng và kinh tế như Nam Phi.
|
Ông này cũng cho rằng, sự hợp tác thành công giữa Ấn Độ và Nga trong dự án tên lửa hành trình BrahMos và việc cấp phép sản xuất máy bay chiến đấu Su-30MKI là một ví dụ tốt mà các bên có thể đạt được trong tương lai. Hiện tại, đa phần các dự án hợp tác phát triển kỹ thuật quân sự giữa Nga và Ấn Độ có tỉ lệ nội địa hóa dây chuyền sản xuất khá cao và đa phần chúng đều được sản xuất ở Ấn Độ. Trong khi đó ở một số nước khác thì phải nhập khẩu hoàn toàn từ Nga.
Theo đánh giá của giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của Nga - Ivan Konovalov, việc đẩy mạnh quá trình hợp tác phát triển vũ khí và công nghệ quân sự giữa Nga, Brazil và Nam Phi trong BRICS là một quyết định khá hợp lý trong bối cảnh Phương Tây đang thực hiện lệnh cấm vận toàn diện với Nga, và khó có thể trở thành đối tác của nước này trong tương lai gần.
Tuy nhiên, các chương trình hợp tác và phát triển kỹ thuật quân sự, giữa Nga và các quốc gia khác cũng được chia thành nhiều mức độ khác nhau tùy theo từng quốc gia nhất định. Có thể lấy ví dụ điển hình là Trung Quốc và Ấn Độ, khi với Trung Quốc mức độ hợp tác giữa Nga và nước này hiện nay chỉ dừng lại ở tính chất mua bán và trao đổi công nghệ là chính khó có thể tiến xa hơn được. Nhưng với Ấn Độ thì nó lại ở một mức độ hoàn toàn khác, khi cả hai bên tiến hành hợp tác sâu rộng và toàn diện trong mọi lĩnh vực từ công nghệ, dây chuyền sản xuất cho đến cùng hợp tác phát triển.
|
Cường kích cánh quạt Super Tucano được phát triển dựa chương trình giám sát Amazon của Brazil.
|
Với Nga và Brazil, trọng tâm của chương trình hợp tác phát triển quân sự có thể sẽ xoay quanh công nghệ hàng không quân sự, nhất là đối với việc phát triển các mẫu máy bay cường kích và máy bay vận tải quân sự. Nhất là khi Brazil khá thành công với mẫu máy bay cường kích cánh quạt Super Tucano do công ty Embraer chế tạo. Đây là mẫu máy bay cường kích khá phổ biến ở một số quốc gia và được sử dụng trong các nhiệm vụ chống lại các phần tử ly khai, bảo vệ biên giới và chống buôn lậu ma túy. Konovalov cho rằng, Brazil cũng có mối quan tâm đặc biệt đến các tổ hợp phòng không của Nga.
Đối tác chính mà Nga lâu nay vẫn hợp tác trong lĩnh vực hàng không quân sự lẫn dân sự vẫn là Ukraine. Nhưng sau biến động chính trị dẫn đến phe thân Phương Tây lên nắm quyền, thì mối quan hệ hợp tác trên dần đi vào bế tắc khi hàng loạt chương trình hợp tác và sản xuất máy bay giữa hai bên đều bị bãi bỏ, gây thiệt hại lớn cho cả ngành công nghiệp hàng không Nga lẫn hãng hàng không Antonov của Ukraine.
Còn đối với Nam Phi, quốc gia khá thành công với các mẫu xe bọc thép hạng nhẹ, nhất là mẫu xe chống mìn bộ binh MRAP. Nó có thể chống lại các loại mìn bộ binh lẫn các thiết bị nổ tự tạo IED và đây cũng là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Nam Phi ra thị trường vũ khí thế giới. Do đó hợp tác với Nam Phi sẽ rất hữu ích đối với việc phát triển các mẫu xe bọc thép tương lai của Nga. Tất nhiên trong những năm gần đây, Nga cũng có một số tiến bộ đáng kể trong phát triển một số mẫu xe chiến trường mới, nhưng với một dự án hợp tác quân sự đa quốc gia sẽ giúp tăng tính thương mại hóa của các sản phẩm quốc phòng Nga lên cao hơn.
|
Mẫu xe chống mìn bộ binh MRAP RG-33 do Nam Phi sản xuất được trang bị cho Quân đội Mỹ.
|
Nam Phi cũng quan tâm đến một số mẫu máy bay trực thăng của Nga. Trong năm 2013, công ty Denel Aviation của Nam Phi và công ty trực thăng Nga đã mở trung tâm dịch vụ sửa chữa và bảo trì máy bay
trực thăng do Nga sản xuất tại Nam Phi. Và thị trường trên hứa hẹn sẽ mang lại doanh thu tích cực cho các công ty trực quốc phòng của Nga.
Ngoài phương diện hợp tác đơn thuần về mặt công nghệ, việc hợp tác quân sự giữa Nga, Brazil và Nam Phi ở một khía cạnh nào đó cũng liên quan đến vấn đề chính trị giữa các quốc gia BRICS. Có thể nói, BRICS đang dần thay đổi vai trò ban đầu của mình từ một liên minh kinh tế sang hợp tác quân sự lẫn chính trị. Và việc mở rộng vai trò và ảnh hưởng của BRICS trên trường quốc tế là điều hoàn toàn bình thường.
Không những thế, bản thân Brazil lẫn Nam Phi đều là các quốc gia có sức mạnh ảnh hưởng lớn trong khu vực Nam Mỹ và Châu Phi. Điều này càng tăng sức mạnh của BRICS khi các thành viên còn lại là Nga, Ấn Độ, Trung Quốc đều là các cường quốc trên thế giới. Một liên minh quân sự hay chính trị sẽ đảm bảo lợi ích cốt lõi của mỗi quốc gia thành viên của BRCIS. Mặc dù bên trong nội bộ tổ chức này vẫn còn tồn tại một số bất đồng không thể dễ dàng bị loại bỏ chủ yếu xuất phát từ Trung Quốc.
Trà Khánh