Nhiều chỉ dấu cho thấy rằng phía Mỹ đang tích cực chào bán các phiên bản khác nhau của dòng máy bay đa năng này cho Việt nam. Và dường như không quân ta cũng có vẻ “kết” loại máy bay này, vậy loại máy bay này có những ưu điểm gì?
|
Máy bay vận tải huyền thoại C-130. |
Thứ nhất, đây là một loại máy bay mà không quân ta đã có nhiều kinh nghiệm trong sử dụng
Sau ngày giải phóng miền nam, không quân ta thu được 7 chiếc máy bay vận tải C-130. Đó là loại máy bay vận tải lớn nhất của không quân ta thời bấy giờ, với điều kiện khó khăn do không có nguồn trang thiết bị thay thế, cán bộ chiến sĩ quân chủng phòng không - không quân đã phát huy tinh thần vượt khó, vận dụng sáng tạo để duy trì hoạt động của những chiếc máy bay này phục vụ nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.
|
C-130 thời còn hoạt động trong KQND Việt Nam. |
Nhiều kinh nghiệm hay và độc đáo như sử dụng lốp máy bay C-123 thay thế cho lốp C-130 mà vẫn sử dụng tốt là kinh nghiệm chỉ riêng Việt nam ta có. Hay việc hoán cải những chiếc vận tải cơ này thành máy bay ném bom. Ít nhất hai chiếc đã được hoán cải để làm nhiệm vụ ném bom. Lúc đầu ta dự kiến sử dụng để bảo vệ quần đảo Trường sa, nhưng sau đó đã được sử dụng trong chiến tranh bảo vệ biên giới tây nam của tổ quốc. Cho đến nay vì nhiều lý do những chiếc C-130 này không còn phục vụ trong không quân ta nữa. Nhưng những câu chuyện về việc vận hành và khai thác dòng máy bay này ngày nay vẫn được các cựu chiến binh kể lại với tình cảm hết sức tự hào.
Thứ hai, đây là loại máy bay đã chứng minh được năng lực qua thời gian
Máy bay vận tải quân sự C-130 được trang bị cho Không lực Mỹ từ ngày 9/2/1957, là loại máy bay tuôc bin cánh quạt bốn động cơ có khả năng cất hạ cánh đường băng ngắn (STOL) từ các đường băng dã chiến. Nó được trang bị hệ thống lái điện tử, hệ thống bay tự động, radar dẫn đường Doppler cùng nhiều thiết bị điện tử tối tân khác.
Nó có phi hành đoàn 4 đến 6 người, chiều dài 29,8m, sải cánh 40,4m, chiều cao 11,6m, cho đến nay đã có khoảng trên 2.500 chiếc gồm nhiều phiên bản được đưa vào sử dụng tại nhiều quốc gia (hơn 60 quốc gia và trên 40 phiên bản).
Trong quá trình sử dụng, nhiều biến thể được ra đời để đảm đương những nhiệm vụ khác nhau như vận chuyển vũ khí, hàng hóa, binh sĩ, tấn công cường kích, trinh sát và tác chiến điện tử, tiếp dầu trên không, chỉ huy và cảnh báo sớm, tìm kiếm cứu nạn, chống ngầm, tuần thám bờ biển,...thậm chí nó còn được sử dụng như một loại máy bay chữa cháy.
Tính đa dụng và hiệu quả của C-130 khiến cho nó trở thành loại máy bay được sử dụng lâu dài nhất trong lịch sử không quân Mỹ. Và hiện vẫn đang đắt hàng như “tôm tươi”. Với quan điểm chỉ mua sắm những loại vũ khí trang bị đã được chứng minh hiệu quả thực tế, rõ ràng C-130 là một ứng viên sáng giá nhất cho không quân ta.
Thứ ba, nó đã được nâng cấp sâu để phù hợp với yêu cầu của không quân hiện đại, đáp ứng được nhu cầu về loại máy bay vận tải quân sự tầm trung của ta
Biến thể mới nhất C-130J super hercules được đưa vào sử dụng từ năm 1999 là phiên bản nâng cấp sâu của C-130 hercules, cũng là biến thể duy nhất hiện còn sản xuất. Tính tới tháng 2/2012, có 15 quốc gia đã đặt mua khoảng 300 chiếc loại này, trong đó khoảng 250 chiếc đã được bàn giao.
|
"Siêu lực sĩ". |
C-130J được lắp động cơ AE-2100D3 của hãng Rolls-Royce giúp cải thiện tốc độ và tầm bay, nó cũng được trang bị hệ thống điện tử hàng không mạnh hơn. Phiên bản vận tải tầm trung có sức chở 92 hành khách hoặc 64 lính dù, trọng tải 20 tấn, có thể đạt tốc độ 671km/h, tầm bay 5.250 km.
Với tính năng đó, C-130J đang là ứng cử viên sáng giá cho Không quân Việt nam vì hiện nay ta đang thiếu hẳn các máy bay vận tải tầm trung do các máy bay AN-2, AN-26 của ta đã quá cũ kỹ, đang được loại bỏ. Đối tác truyền thống của ta là Nga không sản xuất những loại máy bay có tính năng phù hợp với ta như C-130, họ chỉ có dòng máy bay hạng nặng như IL-76 vượt quá nhu cầu của không quân ta.
Gần đây ta cũng mua một số loại vận tải cơ C-295 nhưng loại máy bay này không thể đáp ứng được yêu cầu như C-130 trong không vận tầm xa, đặc biệt là tiếp tế biển đảo, chuyển quân cho lực lượng đổ bộ đường không, đặc công, hải quân đánh bộ,...tải trọng lớn, khả năng cất hạ cánh trên các đường băng ngắn và dã chiến của nó là một ưu điểm, đặc biệt nếu xét tới khả năng cất hạ cánh trên các đảo ở Trường sa hoặc trong điều kiện thực tế chiến tranh khi cơ sở hạ tầng bị hủy hoại lớn.
Thứ tư, tính đa năng với các phiên bản chống ngầm và cường kích, điều mà Không quân Việt nam đang thực sự cần
Phiên bản chống ngầm SC-130J Sea Hercules được trang bị đầy đủ các thiết bị tác chiến chuyên dụng giống như P-3 orion. Nó được coi như phiên bản đời sau của máy bay tuần thám và chống ngầm P-3 trên khung gầm C-130 với trạm trinh sát hồng ngoại MTS-FLIR, hệ thống radar Raytheon APY-10, có thể mang các tên lửa AGM-84-Harpoon, AGM-65, AGM-84 SLAM-ER cùng ngư lôi, thủy lôi...
Phía Mỹ được cho là đang chào bán cho Việt Nam loại máy bay lợi hại này. Đây có thể là một lựa chọn rất tốt cho Không quân Hải quân Việt nam vì ta đã có nhiều kinh nghiệm vận hành dòng máy bay này. Do điều kiện hạn chế của đất nước, việc sử dụng một dòng máy bay với nhiều biến thể khác nhau như C-130 sẽ hiệu quả hơn là mua sắm nhiều loại khác nhau mỗi loại một công dụng.
|
Máy bay săn ngầm SC-130J. |
Hơn nữa dòng máy bay P-3 hiện Mỹ không còn sản xuất nữa, ta chỉ có thể mua được phiên bản tân trang ,chắc chắn thời gian sử dụng sẽ hạn chế và trong quá trình sử dụng sẽ xuất hiện nhiều vấn đề về hỏng hóc và bảo dưỡng.
Phiên bản tấn công AC-130 là một phiên bản độc đáo của dòng C-130 được phát triển từ năm 1967 ở chính Việt Nam. AC-130 có thể thực hiện các hoạt động tác chiến độc lập, không kích các mục tiêu mặt đất, làm nhiệm vụ cảnh giới, quan sát, trinh sát.
Nó được trang bị pháo 40mm L-60 Bofors, súng tự động ổ quay 5 nòng Gatling và pháo 105mm lắp bên trái thân máy bay, hệ thống tên lửa chống tăng Hellfire. Nó có khả năng bay vòng tròn quanh mục tiêu và khai hỏa, các vũ khí rất linh hoạt, phi công có thể tấn công hai mục tiêu cùng lúc với sự trợ giúp của các hệ thống chỉ thị mục tiêu bằng radar kỹ thuật số, vũ khí gắn bên có thể duy trì hỏa lực trong một thời gian dài từ nhiều góc độ khác nhau.
Phiên bản mới nhất của họ AC-130 chính là AC-130J được thiết kế trên khung gầm C-130J dùng bom loại nhỏ dẫn đường bằng GPS, tên lửa Griffin dẫn đường bằng laser.
Máy bay được trang bị radar đa năng AN/APG-80 cung cấp bản đồ địa hình mặt đất, trinh sát, phát hiện và theo dõi các mục tiêu di động, các radar tích hợp đa nhiệm, hệ thống bảo vệ và phòng thủ tiên tiến. Nó có thể được sử dụng trong các chiến dịch có cường độ tác chiến cao hoặc các nhiệm vụ nguy hiểm.
Thứ 5, lịch sử đáng nể và bề dày thành tích của C-130 khiến nó đáng được không quân ta lựa chọn
Trong lịch sử họat động nhiều chiếc đã được hoán đổi từ nhiệm vụ vận tải sang ném bom, Việt nam đã hoán cải ít nhất là hai chiếc C-130A thành máy bay ném bom và đã sử dụng trong chiến tranh biên giới Tây nam.
Năm 1965 không quân Pakistan cũng đã chuyển đổi nhiều chiếc thành máy bay ném bom hạng nặng để tấn công vào các mục tiêu của Ấn độ như cầu cống và các vị trí tập trung đông quân, nó đã tỏ ra rất hiệu quả và thậm chí Ấn độ đã không bắn hạ được chiếc nào.
Trong chiến tranh Việt nam, quân đội Mỹ đã sử dụng căn cứ không quân Ubon , miền bắc Thái lan là nơi xuất kích của các máy bay AC-130 thuộc không đoàn đặc nhiệm số 16 thực hiện các phi vụ tác chiến trên đường mòn Hồ chí minh và đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho các đoàn xe vận tải quân sự của ta.
|
Máy bay tấn công AC-130H. |
Phía Mỹ thậm chí còn huênh hoang rằng riêng trong mùa khô 1970-1971 AC-130 đã bắn cháy và bắn hỏng 12.741 xe ôtô vận tải của ta. Tuy con số này quá hoang đường, nhưng rõ ràng là loại máy bay này cực kỳ nguy hiểm. Đến nỗi năm 1972 ta đã phải điều các hệ thống phòng không SA-2 để bảo vệ tuyến đường chiến lược này. Và cũng nhờ có rồng lửa SA-2 quật ngã hai chiếc AC-130 đầu năm 1972, quân đội Mỹ mới chấm dứt sử dụng loại máy bay này trên chiến trường Việt nam.
Sau chiến tranh việt nam AC-130 đã được sử dụng trong các cuộc chiến tranh ở Grenada, Panama, Somalia, Bosnia-Herzegovina,Lybia. Đặc biệt trong chiến dịch bão táp sa mạc, AC-130 đã được sử dụng để oanh kích các trận địa tên lửa Scud và các đài radar trinh sát tầm xa của Iraq.
Thứ 6, nhiều sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của không quân ta
C-130 còn có các phiên bản MC-130, EC-130, RC-130 phục vụ nhiều vai trò khác nhau. Phiên bản C-130J Super Hercules có nhiều biến thể đáng chú ý như SC-130 Sea Hercules (tuần tra biển và chống ngầm), KC-130J( tiếp dầu trên không), EC-130J Commando Solo III (tác chiến điện tử và chiến tranh tâm lý) và các biến thể tấn công cường kích MC-130J Commando II, HC-130J Combat King II,...
|
Có cả phiên bản tiếp nhiên liệu trên không phát triển từ C-130. |
Trong bối cảnh Không quân Nhân dân Việt Nam đang thiếu hẳn mảng máy bay chống tàu ngầm, các máy bay vận tải tầm trung và các loại máy bay tấn công cường kích. C-130 với các biến thể hiện đại thực sự là một ứng cử viên sáng giá và là một lựa chọn hợp lý cho nhiều mục đích, nhất là khi không quân ta đã có nhiều kinh nghiệm vận hành dòng máy bay này. Hy vọng trong tương lai không xa,những lực sĩ đa năng này sẽ có mặt trong Không quân Việt nam, góp phần hữu hiệu vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của tổ quốc.
Nam Thắng