Sputnik dẫn nguồn tin báo Izvestia tuần trước cho biết, Việt Nam đang bày tỏ sự quan tâm đến tàu cứu nạn Project 21300S, lớp Dolphin do Nga chế tạo. Nguồn tin nói rằng, đầu tháng 10, các quan chức quân đội Việt Nam đã tham khảo các nhà ngoại giao Nga về giá của tàu cứu hộ lớp Dolphin và các thiết bị liên quan. Ấn Độ cũng bày tỏ sự quan tâm đến lớp tàu độc đáo này.
Tính năng cứu hộ hàng đầu
Tàu cứu hộ Project 21300S được xây dựng tại Cục Thiết kế Hàng hải trung ương Almaz tại St. Petersburg. Tàu đầu tiên được bàn giao cho hải quân Nga mang tên Igor Belousov nhằm vinh danh kỹ sư đóng tàu xuất sắc.
Tàu có chiều dài 100 m, rộng 17 m, lượng choán nước 5.000 tấn, tốc độ trung bình 15 hải lý/giờ. Tàu có thể vượt qua quãng đường 3.500 hải lý mà không cần tiếp nhiên liệu, thủy thủ đoàn 100 người.
Project 21300S được thiết kế cho nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn. Hải quân Nga tự hào về con tàu được trang bị những thiết bị tiên tiến cho nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ tàu mặt nước, tàu ngầm gặp nạn. Ngoài ra, tàu còn mang theo các thiết bị cho nhiệm vụ nghiên cứu thủy văn, tính chất vật lý của các đại dương và các khu vực ven biển.
|
Khoang điều khiển hiện đại bên trong tàu cứu hộ lớp Dolphin. Ảnh: Sputnik |
Alexander Forst, một kỹ sư đóng tàu hàng đầu tại Almaz nói với Sputnik rằng, nhiều năm kinh nghiệm trong công nghiệp đóng tàu cho phép Almaz chế tạo những con tàu hàng đầu thế giới.
“Những năm 1960, hạm đội tìm kiếm cứu nạn của Liên Xô được công nhận hàng đầu thế giới. Truyền thống và kinh nghiệm phong phú tích lũy qua nhiều thập kỷ đã được thể hiện trên con tàu này”, ông Forst nói.
Tàu được trang bị radar, hệ thống định vị thủy âm (sonar) cùng các công nghệ dẫn đường, truyền thông cho phép thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ cứu hộ, tìm kiếm người bị nạn mất tích.
Khả năng của Dolphin tương tự các tàu cứu hộ của nước ngoài như Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển. Ngoài ra, tàu có một số tính năng độc đáo như các thiết bị nước sâu cho phép tăng khả năng hoạt động trong các nhiệm vụ. Tính năng đỉnh thứ 2 của Dolphin là trạm khí nén tĩnh cung cấp nơi an toàn cho các thợ lặn và giải nén hiệu quả cho các thủy thủ tàu ngầm được cứu thoát.
Tiếp đến là hệ thống năng lượng tích hợp gồm 6 máy phát điện diesel được bố trí ở các khoang khác nhau nhưng có khả năng hoạt động như một, cung cấp độ tin cậy cao khi vận hành, ông Forst giải thích.
Trên tàu Dolphin được trang bị 2 xuồng cứu hộ Katran tốc độ cao. Xuồng lắp động cơ đủ mạnh để kéo bè cứu sinh. Katran còn được trang bị các thiết bị đặc biệt để kéo thủy thủ lên khỏi mặt nước, ngay cả khi họ đã mất ý thức.
|
Tàu cứu hộ tàu ngầm Bester, một trong những thiết bị cứu hộ biển sâu hàng đầu thế giới. Ảnh: Sputnik |
Tàu cứu hộ lớp Dolphin mang theo một tàu cứu hộ tàu ngầm Bester có khả năng lặn tới độ sâu 720 m. Nó có thể kết nối với tàu ngầm chìm dưới nước ở góc nghiêng tới 45 độ. Mỗi lần lặn, Bester có thể cứu hộ tới 22 thủy thủ.
Bester được chế tạo bởi Phòng thiết kế Lazurit ở Nizhniy Novgorod. Tàu cứu hộ tàu ngầm Bester được triển khai và thu hồi bằng cần cẩu để tìm kiếm và cứu hộ tàu ngầm gặp nạn. Bester sẽ kết nối với nắp tàu ngầm, thủy thủ đoàn trên tàu cứu hộ sẽ mở nắp và giúp thủy thủ tàu ngầm gặp nạn di chuyển lên tàu cứu hộ.
Ngoài ra, trên tàu Dolphin có đầy đủ các thiết bị y tế cần thiết để chăm sóc sức khỏe, thậm chí phẩu thuật khẩn cấp cho người gặp nạn. Boong tàu phía trước dùng làm sàn đáp cho trực thăng. Bên trong tàu có các thiết bị chữa cháy tự động, hệ thống điều khiển từ xa dùng cho các thiết bị không người lái.
Bên trong tàu có một cái chuông lặn dùng để điều áp cho các thợ lặn trong các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ biển sâu.
Igor Belousov, thuộc biên chế hạm đội Thái Bình Dương, hải quân Nga, con tàu đã tham gia cuộc tập trận hải quân qua đó đã chứng minh ưu thế vượt trội của nó so với các tàu cứu hộ nước ngoài. Đó chính là lý do mà Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đến loại tàu này.
Quốc Minh