Theo báo Tuổi Trẻ, tháng 1/1976, Trung đoàn trinh sát – vận tải 917 (thành lập ngày 20/7/1975 trang bị các hệ vũ khí do Mỹ sản xuất, thu được từ quân VNCH) nhận nhiệm vụ đưa Phó Tổng tham mưu trưởng Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền đi thị sát và kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị đóng quân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Phương án được vạch ra lúc đó là dùng tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn chở theo trực thăng UH-1 cùng đi ra Trường Sa. Khi tới các điểm đảo, trực thăng UH-1 sẽ đưa đoàn công tác vào thăm đảo.
|
Trực thăng UH-1 số hiệu 7912 bị rơi hôm 28/1 trong một chuyến bay huấn luyện trước đây.
|
UH-1 là trực thăng vận tải chủ lực trong Quân đội Sài Gòn làm nhiệm vụ vận tải, trinh sát và yểm trợ hỏa lực cho bộ binh. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam 1978-1979 và các chiến dịch truy quét quân Khmer Đỏ trên đất Campuchia sau này, ta cũng sử dụng UH-1 cho các nhiệm vụ tương tự.
Trực thăng này được trang bị một động cơ tuốc bin trục phép đạt tốc độ 217km/h, tầm bay 507km. Trực thăng có khả năng chở 14 lính hoặc 1,7 tấn hàng hóa các loại.
Tùy theo nhiệm vụ, UH-1 có thể mang thêm 2 súng máy M60 7,62mm hoặc 2 khẩu súng máy 6 nòng GAU-17/A cùng 2 cụm ống phóng rocket 70mm để yểm trợ hỏa lực mặt đất.
|
Trực thăng Mi-8 hạ cánh trên tàu đổ bộ giống với chiếc mà UH-1 hạ cánh trong chuyến công tác năm 1976.
|
Trong chuyến đi ra Trường Sa, trực thăng UH-1 được đặt nằm trên boong tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn có lượng giãn nước gần 4.000 tấn (có thể là lớp LST-491 mà ta thu giữ được). Càng của chiếc máy bay UH-1 được ràng buộc rất kỹ xuống sàn tàu. Ngoài ra, ta còn đưa lên tàu một xe chở xăng dầu chỉ để phục vụ cho trực thăng.
Sau hành trình 3 ngày 2 đêm, tàu đổ bộ đã đưa đoàn công tác hơn trăm người ra đảo, khi cách đảo Trường Sa Lơn chừng 2 hải lý, tổ lái UH-1 đã cho trực thăng cất cánh từ boong tàu đưa đoàn cán bộ lên đảo.
“Ở nơi sóng gió khắc nghiệt này, để một chiếc máy bay cất cánh không đơn giản, nhất là lại cất cánh ở trên boong một con tàu không ngừng chao lắc. Phi công phải căng tất cả giác quan, chú ý không cất cánh khi độ nghiêng của tàu lớn quá, cánh máy bay sẽ đập vô boong tàu. Hạ cánh còn gian nan hơn. Con tàu cứ chòng chành, lắc lư. Phi công phải treo máy bay, canh đúng khoảng ngưng chỉ 1-2 giây ngắn ngủi giữa độ lắc của tàu là hạ cánh xuống. Nhưng nếu chọn không đúng thời cơ đặt càng hạ cánh, chỉ với độ nghiêng lớn có thể đánh bật chiếc trực thăng rớt xuống biển”, báo Tuổi trẻ viết.
|
Tổ bay điều khiển trực thăng UH-1 hạ cánh xuống Trường Sa.
|
Phi vụ đầu tiên trên quần đảo Trường Sa đã thành công tốt đẹp, trong 2 tuần, tổ lái trực thăng UH-1 đã đưa đoàn công tác tới 5 đảo: Trường Sa Lớn; Nam Yết; Sinh Tồn; Sơn Ca và Song Tử Tây.
Có thể nói, nếu chỉ xét chung các loại máy bay Không quân Nhân dân Việt Nam từng ra Trường Sa thì UH-1 chính là chiếc máy bay đầu tiên tới với Trường Sa thân yêu.
(*) Theo cuốn Lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam, ở thời điểm cao nhất, Không quân VNCH sở hữu tới 594 chiếc trực thăng UH-1. Tính tới tháng 5/1975, bộ đội ta thu giữ được khoảng 50 chiếc UH-1 trong tình trạng tốt nhất, sử dụng được ngay.
Các máy bay trực thăng UH-1 này sau đó được biên chế vào cho Trung đoàn trinh sát – vận tải 917 (thành lập ngày 20/7/1975, khi đó thuộc biên chế Sư đoàn 372, nay thuộc Sư đoàn 370) cùng trực thăng CH-47, trinh sát cơ L-19, U-17 thu được của Mỹ. Đoàn 917 có nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực, trinh sát đường không, chỉ thị mục tiêu, đổ bộ vận chuyển/vận tải đường không, cấp cứu.
Hiện Không quân Nhân dân Việt Nam đang duy trì số lượng nhỏ trực thăng UH-1 cho các nhiệm vụ vận tải, chở khách, huấn luyện, tìm kiếm cứu nạn. Số máy bay này hầu hết đã được hãng Bell Helicopter (Mỹ) nâng cấp, thay thế hầu hết trang bị máy móc, đảm bảo hiệu số an toàn cao.
Hoàng Lê (tổng hợp)