Khi chiến tranh biên giới xảy ra, các nhà máy CNQP lại tập trung mọi cố gắng, phát huy nội lực, sản xuất, cải tiến nhiều loại vũ khí cung cấp cho bộ đội đánh thắng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, các Nhà máy CNQP đã nêu cao tinh thần năng động, sáng tạo, triệt để khai thác mọi tiềm năng, làm ra nhiều mặt hàng phục vụ dân sinh. Những mặt hàng cơ khí như: Phụ tùng xe đạp, bếp dầu, quạt trần, phụ tùng cho ngành dệt, ngành xi măng, hoá chất... của các cơ sở sản xuất quốc phòng đưa ra thị trường lúc ấy đã góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm hàng hoá tiêu dùng của đất nước.
|
Cùng với sự phát triển của Ngành Công nghiệp Quốc phòng, nhiều loại vũ khí được cải tiến, qua đó góp phần nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Trong ảnh: Tên lửa cải tiến C125-2TM của Quân chủng PK-KQ, tham gia bắn nghiệm thu năm 2011. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bước vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới (1986-1990), Ngành CNQP đã nhanh chóng được tổ chức lại: Các bộ phận đảm bảo kỹ thuật được chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng, Ngành CNQP được hình thành theo một hệ thống riêng có nhiệm vụ chính là đảm bảo nghiên cứu sản xuất, cải tiến, cải biên vũ khí, trang bị cho quân đội và chuyển từ cơ chế quản lý bao cấp sang cơ chế hạch toán kinh doanh kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Đặc biệt, từ khi Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 05-NQ/TW (Khóa VII) về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2000, Ngành CNQP đã tích cực triển khai nhiều biện pháp lớn để phát triển theo định hướng mới, mục tiêu mới. Đến những năm cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, Ngành CNQP đã có bước tiến quan trọng trong sản xuất quốc phòng và kinh tế. Các sản phẩm vũ khí trong chương trình vũ khí bộ binh như cối 100mm, ĐKZ82, súng máy phòng không 12,7mm, súng đại liên, trọng liên, phóng lựu... trang bị cho sư đoàn bộ binh đã được hoàn thành.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP trong thời kỳ mới, ngày 16-6-2003, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 27-NQ/TW (khóa IX) về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2010, với tinh thần cơ bản là: Xây dựng CNQP phải trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, có nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và các sản phẩm khác phục vụ QP-AN; tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, nhiều dự án nghiên cứu thiết kế, chế tạo hoặc nhập công nghệ, thiết bị hiện đại, đồng bộ phục vụ sản xuất quốc phòng được thực hiện. Năng lực sản xuất các sản phẩm vũ khí trang bị của Tổng cục được nâng lên rõ rệt; chất lượng sản phẩm từng bước ổn định và nâng cao; nhiều loại vũ khí mới đã được tổ chức sản xuất thành công, đáp ứng yêu cầu tác chiến của các lực lượng vũ trang thời kỳ mới. Đặc biệt lĩnh vực đóng tàu quân sự của Tổng cục CNQP đã có bước đột phá, phát triển vượt bậc. Các cơ sở sản xuất đóng mới, sửa chữa tàu quân sự, tàu cứu hộ, cứu nạn… trang bị cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đồng thời góp phần tích cực vào triển khai thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam.
Trong công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, các viện nghiên cứu thuộc Tổng cục CNQP đã mở nhiều đề tài nghiên cứu, thiết kế các loại vũ khí thế hệ mới; phát triển nhiều dây chuyền sản xuất, công nghệ phục vụ sản xuất, cải tiến vũ khí bộ binh, khí tài, trang bị kỹ thuật cho bộ đội như: Tên lửa, pháo binh, không quân, xe tăng; nghiên cứu vật liệu đặc chủng cho sản xuất quốc phòng; đã triển khai nghiên cứu hàng trăm công trình, đề tài cấp Tổng cục và cấp Bộ Quốc phòng, trong đó có 6 đề tài cấp Nhà nước.
|
Tàu pháo TT-400TP do Nhà máy Z173 (Tổng cục CNQP) đóng mới, thực hành bắn nghiệm thu năm 2011. Ảnh: Văn Hưng. |
Cùng với công tác nghiên cứu khoa học và quản lý kỹ thuật sản xuất quốc phòng, để tạo ra những thay đổi lớn trong sản xuất vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật, các nhà máy, đơn vị trực thuộc Tổng cục CNQP đã chủ động mua sắm nhiều dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, vừa đáp ứng tốt nhiệm vụ quốc phòng, vừa phục vụ kinh tế dân sinh.
Như vậy, trước yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Tổng cục CNQP đã kế thừa và phát huy xứng đáng truyền thống chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường; đẩy mạnh sản xuất quốc phòng và kinh tế, duy trì được mức tăng trưởng khá, doanh thu hằng năm tăng từ 10 đến 15%; đời sống của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tổng cục CNQP xứng đáng là lực lượng quan trọng của Quân đội, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với những thành tích xuất sắc trong các cuộc kháng chiến giải phóng đất nước và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân giới Việt Nam trước đây, Tổng cục CNQP hiện nay đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao vàng (năm 1996), 03 Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1984, 2000 và 2010), Huân chương Quân công hạng Nhất (2005) và hàng trăm Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động. Đặc biệt, năm 2014, Tổng cục CNQP vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân. Ngoài ra, Tổng cục có 22 tập thể và 50 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (trong đó Nhà máy Z111, Z117, Z121, Z113, Z131, Z173 được tuyên dương 2 lần).
Theo Quân Đội Nhân Dân