Hoa Đông "chật hẹp", Trung Quốc đưa Su-35 tới Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Các chuyên gia Nga cho rằng Trung Quốc có thể sẽ triển khai tiêm kích đa năng tối tân Su-35 tới khu vực Biển Đông thay vì Hoa Đông.

Theo các chuyên gia Nga, tại khu vực không phận Hoa Đông, Su-35 không thể phát huy hết ưu thế, nơi này hoàn toàn có thể dựa vào ưu thế của tiêm kích J-10 do Trung Quốc sản xuất. Ưu thế bay xa của Su-35 sẽ phát huy tác dụng thực sự tại Biển Đông, thiết lập mạng phòng thủ trên không phía trước đảo Hải Nam, thực hiện cuộc tuần tra mà không cần tiếp nhiên liệu trên Biển Đông trong thời gian dài.
Tạp chí nhà ngoại giao của Nhật Bản dẫn lời một quan chức cấp cao công ty xuất khẩu Nga cho hay, Nga sẽ ký hợp đồng bán máy bay chiến đấu hiện đại Su-35 cho Trung Quốc vào năm 2014, do đó có thể xác nhận vụ mua bán này không thể hoàn thành vào cuối năm nay. Nhưng điều này không có nghĩa là “rút ra kết luận” đối với vấn đề này, vì đàm phán cung cấp máy bay Su-35 giữa Trung - Nga bị trì hoãn từ năm 2010 đến nay, trước đó cũng có nhiều lần tin tức liên quan bị rò rỉ, công bố những tuyên bố mâu thuẫn.
 Tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35.
Nếu thương vụ Su-35 được thực hiện, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đối với những tranh chấp trên Biển Đông. Su-35 sẽ góp phần nâng cao thực lực của Trung Quốc để đối phó với những xung đột có thể xảy ra trong tương lai.
Vì các máy bay tiêm kích hiện có của Không quân Hải quân Trung Quốc đặt ở các căn cứ trên đất liền có thể bị giới hạn khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra tại khu vực phía Nam Biển Đông. Đó là do lượng nhiên liệu mang theo rất ít, hạn chế lớn đến thời gian tuần tra.
Từ trên đất liền bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của hải quân, Trung Quốc cần phải có loại máy bay chiến đấu hiện đại có tốc độ bay lớn, bán kính tác chiến lớn như Su-35. Một khi căng thẳng leo thang, máy bay này có thể dùng để thực hiện “cái gọi là” chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc.
Sức chiến đấu của Su-35 rất mạnh, tầm bay rất xa, lượng nhiên liệu mang theo lớn, có thể đảm bảo việc tuần tra tầm xa của Không quân Trung Quốc trong thời gian dài tại khu vực tranh chấp, gây sức ép lên các nước khác tại Biển Đông, giống như Trung Quốc gây áp lực lên Nhật Bản tại khu vực tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkuku.
 Su-35 trang bị 2 động cơ AL-41F có kiểm soát véc tơ lực đẩy đem lại khả năng siêu cơ động, tầm bay đạt tới 3.600km không cần tiếp nhiên liệu hoặc 4.500km với 2 thùng nhiên liệu phụ, trần bay 18.000m.
Mặc dù Su-35 không thể ngang hàng với F-22 của Mỹ, nhưng với số lượng lớn thì việc tác chiến sẽ gặp ít rủi ro, vì Su-35 trong thời gian ngắn sẽ ưu thế hơn bất kỳ trang bị kỹ thuật trên không đang phục vụ tại khu vực Biển Đông.
Hiện nay vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ sử dụng Su-35 tại khu vực nào và trang bị cho không quân hay là không quân hải quân. Nếu Trung Quốc triển khai Su-35 đến Sư đoàn 2 không quân (lực lượng 95357) nằm tại căn cứ Toại Khê, Quảng Đông, như vậy những máy bay Su-35 này có thể sẽ là bổ sung cho Su-27 đã triển khai trước đó. Một phương án có lợi khác là triển khai tại căn cứ hải quân Lăng Thủy, đảo Hải Nam thay thế máy bay J-8B cũ kỹ đang phục vụ tại đây.
“Tóm lại, sau khi Trung Quốc có được Su-35, cộng với các máy bay chiến đấu tầm gần, hệ thống tên lửa phòng không hiện đại, tên lửa đạn đạo tầm xa và tên lửa hành trình hiện có, một khi xảy ra xung đột với nước láng giềng, hoàn toàn có thể thiết lập hệ thống phòng thủ chiều sâu theo bậc thang để ngăn chặn đối phương”, báo Nga nhận định.
 Su-35 có bộ vũ khí "đáng sợ" cho phép tấn công hủy diệt mọi mục tiêu trên không, trên mặt đất và đặc biệt là trên biển với tên lửa chống tàu mặt nước siêu thanh.
Trên thực tế, hiện nay lực lượng triển khai tại khu vực Biển Đông của Trung Quốc đã có thể tạo thành bất lợi lớn cho đối phương, như Philippines. Sức chiến đấu của Không quân và Hải quân Philippines không mạnh, đặc biệt là hải quân, chủ yếu trang bị tàu bảo vệ bờ biển cũ của Mỹ được đóng từ những năm 1960, cơ bản không thể đối kháng hiệu quả với Trung Quốc.
Bằng Hữu