Tự hào về truyền thống vẻ vang
Có dịp trao đổi với lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ nghiên cứu, công nhân, viên chức quốc phòng và người lao động ở Viện Vũ khí về Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, chúng tôi đều nhận thấy ở họ niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của đơn vị. Với bề dày gần 70 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Vũ khí (tiền thân là Nha Nghiên cứu kỹ thuật) là một trong những đơn vị nghiên cứu khoa học đầu tiên của nước nhà, chuyên nghiên cứu sản xuất vũ khí cho các lực lượng vũ trang. Truyền thống chính là nền móng, là điểm tựa, là hành trang cần thiết để thế hệ hôm nay tiếp tục học tập, phát huy và cống hiến tài năng của mình trong hoàn cảnh mới.
Theo Đại tá Bùi Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Vũ khí, mỗi thời kỳ lịch sử, các cán bộ, kỹ sư của Viện Vũ khí luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để nghiên cứu ra nhiều loại vũ khí "made in Vietnam", từng bước tạo sự chủ động trong sản xuất một phần vũ khí đáp ứng nhu cầu của quân đội. Những súng và đạn chống tăng theo kiểu Bazoka, súng và đạn AT, súng không giật SKZ 60mm, 81mm, 120mm, mìn, địa lôi, đạn bay... có khả năng tiêu diệt xe tăng, xuyên phá các loại lô cốt, hỏa điểm kiên cố, v.v.. đã gắn liền với hàng loạt chiến công của bộ đội ta trong kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, các cán bộ, kỹ sư của viện tập trung vào nghiên cứu hỏa thuật, sửa chữa vũ khí và sản xuất lựu đạn, mìn, thiết kế mới và cải tiến vũ khí theo yêu cầu trang bị cho bộ đội, chi viện cho chiến trường. Rất nhiều sản phẩm tiêu biểu đã ra đời, như súng tiểu liên AK, trung liên TUL-1(RPK), súng đạn chống tăng B40, mìn nam châm, lựu đạn chạm nổ, mìn định hướng MĐH.10, lựu phóng 509 (A,B), súng cối “Giải phóng”, súng cối 120mm, 160mm giảm nhẹ và nhiều loại vũ khí khác đã kịp thời đáp ứng được yêu cầu của chiến trường, nâng cao hiệu quả chiến đấu của bộ đội, góp phần vào thắng lợi của công cuộc giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
|
Ảnh minh họa. |
Kế thừa những thành tựu đáng tự hào ấy, trong những năm qua, nhất là từ khi Thường vụ Quân ủy Trung ương phát động Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, các cán bộ, kỹ sư, người lao động của Viện Vũ khí luôn phát huy tính chủ động, không ngừng sáng tạo, tiếp tục nghiên cứu chế tạo thành công nhiều chủng loại vũ khí trang bị cho sư đoàn bộ binh mang vác và bảo đảm kỹ thuật cho sản xuất vũ khí do công nghiệp quốc phòng đảm nhiệm.
Tài năng đã được cống hiến, phát huy
Từ đầu năm 2015 đến nay là quãng thời gian hết sức bận rộn của các cán bộ, kỹ sư của Viện Vũ khí, bởi họ phải hoàn tất rất nhiều việc để bắn trình diễn các sản phẩm vũ khí do ngành công nghiệp quốc phòng sản xuất nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (15-9). Trong dịp diễn ra cuộc bắn trình diễn, Viện trưởng Bùi Tuấn Anh cho chúng tôi biết: “Hầu hết những sản phẩm bắn trình diễn là do viện nghiên cứu, chế tạo thành công những năm gần đây, như súng và đạn chống tăng SCT-29, ĐCT-29; súng và đạn chống tăng SCT-7M2, ĐCT-7M2; súng và đạn cối triệt âm cỡ 50mm STA-50, CTA-50; súng và đạn chống tăng B41-M, đạn cối ĐC-82M-ST... Đây là cơ hội để Viện Vũ khí giới thiệu rộng rãi hơn các thành quả nghiên cứu và thêm một lần đánh giá chất lượng sản phẩm sau nghiên cứu, chế tạo.
Còn nhiều sản phẩm nữa do viện nghiên cứu, chế tạo chưa được trình diễn nhưng đã và đang được các nhà máy quốc phòng sản xuất trang bị cho quân đội là niềm tự hào của viện, như súng phòng không 12,7mm kiểu NSV; súng đại liên PKMS; súng lựu phóng bán tự động MGL; súng và đạn cối 100mm; súng và đạn B40 sát thương; súng và đạn chống tăng PG-9, OG-9; đạn lựu phóng 40mm kiểu 548B; lựu đạn huấn luyện LD-01; kính ngắm đêm cho súng SPG-9; kính ngắm quang học cho súng máy phòng không 12,7mm… Bên cạnh đó, viện còn tham gia nghiên cứu cải tiến nhiều loại vũ khí và tham gia bảo đảm kỹ thuật sản xuất ở các nhà máy.
Những sản phẩm vũ khí mang thương hiệu “Made in Việt Nam” mà Đại tá Bùi Tuấn Anh giới thiệu với chúng tôi chỉ nói lên “phần nổi” các đề tài nghiên cứu mà cán bộ, kỹ sư Viện Vũ khí thực hiện thời gian qua. Điều đáng khâm phục là hầu hết các sản phẩm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo ở viện không có bất kỳ tài liệu thiết kế, công nghệ nào, hay có chuyên gia “cầm tay chỉ việc”, mà chỉ thông qua nghiên cứu, mổ xẻ mẫu vũ khí; một số sản phẩm được nghiên cứu, chế tạo từ ý tưởng mới thông qua khảo sát thực tế nhu cầu sử dụng của quân đội.
“Giải được bài toán này là nhờ thời gian qua viện xây dựng được tiềm lực con người cũng như trang thiết bị nghiên cứu đủ sức đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”-Trung tá Nguyên Văn Huyên, Chính trị viên Viện Vũ khí khẳng định. Anh cho biết thêm: “Hiện nay, viện có hơn 100 cán bộ nghiên cứu chuyên ngành được đào tạo cơ bản trong và ngoài nước, trong đó khoảng 50% là tiến sĩ, thạc sĩ. Điều đáng mừng là đội ngũ này rất tài năng, tâm huyết, say mê nghiên cứu khoa học. Vốn đã được trang bị kiến thức chuyên sâu, song cán bộ, kỹ sư của viện luôn cầu tiến học hỏi, mở rộng tìm hiểu kiến thức liên ngành, sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ thiết kế, tính toán, chủ động xây dựng những phần mềm hỗ trợ đặc thù có độ tin cậy cao cho từng chủng loại sản phẩm”.
Những cán bộ nghiên cứu của Viện Vũ khí không đơn thuần là những kỹ sư “phòng lạnh”, ngày ngày “ôm” máy tính, bản vẽ…, mà mỗi đề tài, công trình đều gắn với sản phẩm cụ thể, vì vậy họ còn phải lăn lộn cùng với đội ngũ kỹ thuật, công nhân ở các nhà máy quốc phòng trong quá trình chế tạo để vừa xử lý các yếu tố kỹ thuật, vừa nắm bắt công nghệ sản xuất, tích lũy kinh nghiệm... Sau giai đoạn nghiên cứu, chế tạo, việc thử nghiệm sản phẩm là khâu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm đánh giá tính năng kỹ chiến thuật của sản phẩm. Mỗi kỹ sư khi ấy lại tiếp tục lăn lộn trên trường bắn, bãi thử bất kể mưa nắng, ngày đêm… Trách nhiệm trước mỗi đề tài, công trình do cán bộ, kỹ sư của Viện Vũ khí đảm nhiệm chỉ kết thúc khi sản phẩm thử nghiệm được đánh giá bảo đảm toàn diện các yếu tố kỹ thuật, an toàn và được chuyển giao công nghệ đưa vào sản xuất trang bị cho bộ đội.
Theo Quân Đội Nhân Dân