Hồi tháng 9 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ công bố kết quả thắng thầu mua hệ thống phòng không tầm xa với “người thắng cuộc” là hệ thống HQ-9 của Trung Quốc. Điều này đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của giới phân tích quân sự thế giới. Các chuyên gia quân sự đánh giá cao tốc độ phát triển như vũ bão của nền quốc phòng Trung Quốc.
Theo Tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly cho biết, tại Triển lãm Quốc phòng và An ninh năm 2013 diễn ra tại Bangkok, HQ-9 lại một lần nữa gây nên “cơn sốt” trên thị trường vũ khí quốc tế. Quân đội Hoàng gia Thái Lan đã bày tỏ mong muốn việc mua hệ thống phòng không HQ-9 Trung Quốc. Không những vậy, Thái Lan còn mong muốn được chuyển giao công nghệ sản xuất HQ-9.
|
Hệ thống phòng không HQ-9 được Trung Quốc thiết kế dựa trên hệ thống S-300 và Patriot.
|
HQ-9 là hệ thống phòng không tầm xa thế hệ mới do Trung Quốc tự nghiên cứu, sản xuất. Thiết kế này đã đưa Trung Quốc trở thành một trong số ít quốc gia tự sản xuất hệ thống tên lửa phòng không tầm xa.
Việc nghiên cứu, chế tạo ra hệ thống tên lửa này là một trong những kỹ thuật khó khăn nhất trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển tên lửa. Năng lực nghiên cứu và sản xuất hệ thống gắn liền với trình độ phát triển công nghiệp quốc phòng của quốc gia đó.
Hiện trên thế giới rất ít quốc gia có thể nghiên cứu, phát triển một cách độc lập hệ thống tên lửa phòng không tầm xa, những cường quốc trong lĩnh vực này phải kể đến Mỹ và Nga, có thể nói 2 quốc gia đó gần như độc quyền trên thị trường quốc tế.
Bước vào thế kỷ 21, Trung Quốc và các quốc gia châu Âu đã “đầu quân” vào thị trường hệ thống phòng không tầm xa. Vốn từ thị trường cạnh tranh giữa hai cường quốc đã nhanh chóng hình thành thế phát triển cạnh tranh giữa 4 quốc gia. Chính vì vậy, hệ thống HQ-9 của Trung Quốc muốn có chỗ đứng vững trên thị trường quốc tế thì cần phải có tính năng ưu việt so với các hệ thống Patriot của Mỹ, Aster 30 SAMP/T của châu Âu.
|
Biến thể xuất khẩu của HQ-9 được định danh là FD-2000.
|
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 (phiên bản xuất khẩu định danh là FD-2000) do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (China Aerospace Science & Industry Corporation, CASIC) sản xuất, lần đầu tiên trưng bày tại Triển lãm hàng không Chu Hải vào năm 2012.
Hệ thống này có tầm diệt mục tiêu đạt 125 km, có thể tác chiến phòng không trong mọi điều kiện thời tiết, đánh chặn nhiều loại máy bay, vũ khí dẫn đường chính xác. Một đơn vị hỏa lực có thể đồng thời điều khiển 16 quả tên lửa đánh chặn 8 mục tiêu.
Đạn tên lửa của hệ thống HQ-9 có tốc độ nhanh, tầm bắn xa, đã áp dụng công nghệ phóng thẳng đứng, có thể tiến hành đổi hướng tùy ý trong phạm vi 360 độ.
|
Hệ thống phòng không FD-2000 có khả năng diệt mục tiêu trong phạm vi 125km.
|
Hoàn Cầu cho rằng, trên thị trường quốc tế, hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC- 2/3 của là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của HQ-9.
Patriot là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng thế hệ 3, tầm bắn xa nhất lên đến 160km, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật trong khoảng cách từ 10-20 km, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết với trần bay của mục tiêu lên đến 24 km.
Patriot được thiết kế để chống lại mọi loại máy bay tiên tiến cũng như các loại tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình với tốc độ lúc tấn công mục tiêu của tên lửa lên đến Mach 5.
Xét về tính năng thì hệ thống Patriot có khả năng ưu việt hơn chút so với HQ-9 nhưng giá thành thì đắt hơn rất nhiều lần. Còn hệ thống Aster 30 SAMP/T của châu Âu là do Pháp và Ý hợp tác nghiên cứu sản xuất, tầm bắn tối đa lên tới 120 km.
“Hệ thống HQ-9 có vị trí đứng trên thị trường vũ khí thế giới là do tính năng không thua kém so với các hệ thống khác, ngoài ra giá thành của nó chính là sách lược xúc tiến thương mại của HQ-9”, Hoàn Cầu đánh giá.
|
Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ phải chọn mua hệ thống phòng không Patriot PAC-2/3.
|
Tuy nhiên, thị trường vũ khí quốc tế không chỉ chịu ảnh hưởng của tính năng vũ khí, giá thành mà còn chịu ảnh hưởng của nhân tố chính trị. Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ mua hệ thống HQ-9, Mỹ và các nước đồng minh trong khối NATO đã tạo sức ép bắt buộc Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ hợp đồng trên.
Mặc dù mới đây Quân đội Thái Lan cho rằng, giá thành của hệ thống HQ-9 quá đắt, chi phí bảo dưỡng cao, hơn nữa kích cỡ cũng tương đối lớn nên phía này vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về việc liệu có mua hệ thống này của Trung Quốc hay không. Nhưng sự việc này một lần nữa cho thấy sự hấp dẫn của hệ thống HQ-9 của Trung Quốc.
Nói một cách khác, tuy vẫn chưa thể xuất khẩu được HQ-9, nhưng HQ-9 Trung Quốc vẫn là “kẻ thắng cuộc” khi khiến nhiều quốc gia đồng minh Mỹ - phương Tây muốn mua, thay vì chọn hệ thống Patriot hay SAM P/T.
Ánh Dương