Pháo binh Việt Nam luôn là hỏa lực không thể thiếu

Google News

Trong các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc trước đây và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, pháo binh vẫn sẽ giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

“Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Pháo binh Việt Nam đã, đang, và vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong đội hình chiến đấu binh chủng hợp thành của quân đội ta”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh, đã khẳng định như vậy trong cuộc phỏng vấn với phóng viên.
Hỏa lực không thể thiếu
Phóng viên (PV): Thưa Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn, đồng chí có thể khái quát vị trí, vai trò của Pháo binh Việt Nam trong đội hình chiến đấu của quân đội ta?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn: Trong suốt chiều dài lịch sử các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, với hàng ngàn trận đánh lớn nhỏ ở rừng núi hay đồng bằng, trung du hay ven biển, dù đánh ngày hay đánh đêm, thì lực lượng pháo binh vẫn là một trong những thành phần không thể thiếu trong đội hình chiến đấu của LLVT 3 thứ quân.
 Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn. 
Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng ta đã từng nhận xét về Binh chủng Pháo binh: “Một binh chủng từ khi thành lập cho đến nay đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với vai trò là hỏa lực chủ yếu của lục quân và hỏa lực mặt đất chủ yếu của quân đội ta”.
Sau này, năm 1996, Đại tướng Hoàng Văn Thái tiếp tục nhấn mạnh: “Trước đây chúng ta đã từng khẳng định pháo binh là hỏa lực chủ yếu của lục quân, hỏa lực mặt đất chủ yếu của quân đội ta. Rồi đây và trong một thời gian dài nữa, Pháo binh Việt Nam vẫn giữ vai trò và tác dụng to lớn như vậy”.
Gần đây, năm 2006, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định thêm: “Hiện nay và trong tương lai gần, hỏa lực pháo binh tiếp tục là hỏa lực mặt đất chủ yếu của quân đội ta và hỏa lực chủ yếu của lục quân”.
Như vậy có thể thấy, lực lượng pháo binh đã, đang và sẽ tiếp tục giữ vai trò không thể thiếu trong các chiến dịch hay trong các trận chiến đấu.
PV: Đồng chí Tư lệnh có thể đưa ra một vài ví dụ cho thấy vai trò của Pháo binh Việt Nam trong các chiến dịch, hay các trận đánh lớn?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn: Có rất nhiều ví dụ để minh chứng cho nhận định vừa nêu. Trong Chiến dịch Biên giới (1950)- chiến dịch đầu tiên sử dụng nhiều loại pháo, ta đã tập trung một số lượng lớn pháo binh vào trận then chốt ở Đông Khê, với tổng số 49 khẩu pháo các loại, trong khi pháo binh địch bố trí ở đây chỉ có 4 khẩu. Ta đã tạo được sức mạnh hỏa lực hơn hẳn địch, chi viện kịp thời cho các trung đoàn bộ binh diệt cứ điểm địch ở Đông Khê.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), ta đã tập trung số lượng lớn pháo binh cho trận then chốt mở đầu chiến dịch ở Him Lam. Với hỏa lực mãnh liệt từ pháo binh ta, pháo binh và lực lượng địch ở Him Lam hoàn toàn bất ngờ, tê liệt và nhanh chóng bị tiêu diệt. Riêng trên hướng Mường Thanh, ta đã tập trung đến 200 khẩu pháo các loại. Khi pháo binh ta khai hỏa đã trút bão lửa mãnh liệt lên toàn bộ các mục tiêu, chi viện cho bộ binh đột phá tương đối thuận lợi vào các hệ thống phòng ngự của địch, để tiêu diệt những tiểu đoàn địch phòng ngự trong những trung tâm đề kháng.
Trong đợt 1 của Chiến dịch tiến công Quảng Trị năm 1972, khi mở màn chiến dịch, pháo binh đã bất ngờ tập kích hỏa lực đồng loạt “Bão táp 1”, với 7.684 viên đạn vào 19/24 căn cứ của địch. Ngay từ phút đầu, pháo binh của ta đã bắn trúng hầu hết các trận địa pháo lớn, các căn cứ chỉ huy trung, lữ, sư đoàn địch ở điểm cao 241, Mai Lộc, Miếu Bái Sơn, Đông Hà, Quán Ngang…tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều công trình, phương tiện; chế áp sở chỉ huy, khu trung tâm thông tin, tạo điều kiện cho bộ binh bao vây, áp sát các cứ điểm và bức rút một số vị trí.
Trong Chiến dịch Tây Nguyên (1975), trước khi bộ binh, xe tăng của ta tiến công vào thị xã Buôn Mê Thuột, pháo binh đã tiến hành 120 phút pháo bắn chuẩn bị, với tổng số 1.793 viên đạn, vào các mục tiêu của địch, chi viện kịp thời cho bộ binh, xe tăng đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã, nhanh chóng giành thắng lợi.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 789 khẩu pháo các loại đã tạo ra hệ thống hỏa lực mạnh, tập trung áp đảo địch ngay từ đầu, khống chế các sân bay, bến cảng; bắn phá các kho tàng, khu chỉ huy, chi viện đắc lực cho 5 cánh quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.
 Chiến sĩ Lữ đoàn pháo binh 168 (Quân khu 2) luyện tập nâng cao khả năng SSCĐ. 
Lực lượng phân tán, hỏa lực tập trung
PV: Những chia sẻ của Tư lệnh cho thấy, có một điểm chung trong sử dụng pháo binh ở các chiến dịch, các trận đánh, đó là sử dụng hỏa lực tập trung. Phải chăng đó là một phần của nghệ thuật tác chiến pháo binh?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn: Đúng như vậy!
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, số lượng pháo của ta ít, nên ta chọn những mục tiêu chủ yếu và mục tiêu trọng điểm để đánh tiêu diệt, nhằm chi viện đắc lực cho bộ binh. Ngoài chiến thuật kéo pháo vào gần địch, tạo yếu tố bất ngờ khi nổ súng, ta còn triệt thể thực hiện chủ trương bố trí pháo phân tán, song sử dụng hỏa lực tập trung.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Pháo binh đã kịp thời tổng kết kinh nghiệm sử dụng pháo binh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, để phát triển nghệ thuật sử dụng pháo binh trong tác chiến với Mỹ. Đây là đối tượng có phương pháp và thủ đoạn tác chiến khác với quân Pháp; có lực lượng hoạt động cả trên bộ, không, biển và có hệ thống trinh sát cực kỳ hiện đại. Thế nên, nghệ thuật sử dụng lực lượng pháo binh trong giai đoạn này là đề cao yếu tố cơ động để bảo toàn lực lượng; không tiếp cận gần địch mà phải tổ chức, bố trí lực lượng hợp lý trong từng trận đánh và từng chiến dịch, bảo đảm địch không phát hiện được ta và khi ta nổ súng tạo ra được yếu tố bất ngờ.
Cùng với đó, nghệ thuật tác chiến của pháo binh trong giai đoạn này tập trung vào việc xây dựng cách đánh phù hợp với cách đánh của binh chủng hợp thành; kết hợp hiệu quả lực lượng pháo binh 3 thứ quân nhằm tạo ra hỏa lực liên hoàn, vững chắc, tập trung; đặc biệt, nghệ thuật sử dụng “lực lượng phân tán, hỏa lực tập trung” vẫn tiếp tục được vận dụng có hiệu quả trong giai đoạn này, trong đó hỏa lực pháo binh tập trung cho các trận then chốt và then chốt quyết định…
Cơ động nhanh, bắn chính xác...
PV: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, Binh chủng Pháo binh xác định cần thực hiện tốt những nhiệm vụ gì, thưa đồng chí Tư lệnh?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn: Trước hết chúng tôi xác định, cần phải làm tốt công tác nghiên cứu địch, từ đó tham mưu đúng, trúng cho Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng trong xây dựng Pháo binh Việt Nam từng bước hiện đại, cũng như xây dựng và sử dụng lực lượng pháo binh 3 thứ quân.
Trong xây dựng lực lượng, nhiệm vụ cần nhấn mạnh trước tiên là xây dựng nguồn lực con người; bảo đảm cho bộ đội pháo binh có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thể lực bền bỉ để đáp ứng yêu cầu cơ động nhanh, có trình độ chuyên môn kỹ thuật tốt, nhất là đối với đơn vị pháo binh tên lửa. Để thực hiện được mục tiêu này, một trong những biện pháp được Binh chủng triển khai là cử cán bộ, học viên sĩ quan ưu tú đi đào tạo ở nước ngoài. Đây sẽ là những thành phần có đóng góp quan trọng, hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng SSCĐ ở các đơn vị pháo binh.
Trong huấn luyện, các đơn vị phải tổ chức huấn luyện chặt chẽ giữa kỹ thuật là phải bắn trúng mục tiêu, với chiến thuật là phải đáp ứng được yêu cầu của chiến tranh hiện đại.
Cùng với đó, Binh chủng tích cực tham mưu cho Bộ Quốc phòng trong đầu tư, mua sắm khí tài mới và hiện đại. Với những khí tài mới được trang bị trong thời gian qua, Bộ đội Pháo binh đã rút ngắn đáng kể thời gian chuẩn bị trước bắn, bảo đảm tác chiến nhanh, chính xác và hiệu quả. Ngoài đầu tư mua sắm khí tài mới, Binh chủng cũng đẩy mạnh cải tiến vũ khí, như đưa pháo lên xe, qua đó tăng khả năng cơ động chiến đấu, đồng thời giảm tổn thất về người và trang bị khi địch phản pháo.
Ngoài ra, Binh chủng còn đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ tin học để tự động hóa chỉ huy hỏa lực pháo binh trong tác chiến; bảo đảm tốt thông tin liên lạc bằng nhiều biện pháp, cách thức khác nhau, khi địch sử dụng tác chiến điện tử trong chiến tranh hiện đại.
 Luyện tập nâng cao khả năng cơ động ở Lữ đoàn pháo binh 168 (Quân khu 2).
PV: Thưa Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn, với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp như vậy, đồng chí đánh giá chất lượng huấn luyện và khả năng SSCĐ của Bộ đội Pháo binh hiện nay ra sao?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn: Kết quả huấn luyện và khả năng SSCĐ của bộ đội pháo binh đã được thể hiện rất rõ qua các cuộc diễn tập binh chủng hợp thành trong năm 2014. Tôi có thể ví dụ là cuộc diễn tập của Quân khu 1 vừa qua.
Thực tế cuộc diễn tập này cho thấy, pháo binh của ta không cần bắn thử mà trực tiếp bắn hiệu lực, tiêu diệt toàn bộ các mục tiêu được giao. Các khí tài mới được trang bị cho pháo binh cũng khẳng định được sức mạnh và khả năng đáp ứng yêu cầu tác chiến binh chủng hợp thành.
Một vài điểm đáng chú ý khác là thông qua diễn tập cho thấy, công tác tổ chức hiệp đồng của bộ đội pháo binh rất thuần thục, chính xác, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đó là công tác hiệp đồng giữa người chỉ huy huy binh chủng hợp thành với người chỉ huy pháo binh; giữa người chỉ huy pháo binh với các cơ quan và phân đội pháo binh tác chiến.
Những kết quả trên cho thấy, Pháo binh Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển vững chắc, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; thể hiện được vai trò là hỏa lực chủ yếu của lục quân, hỏa lực mặt đất chủ yếu của quân đội; có cách đánh phù hợp với cách đánh của binh chủng hợp thành.
PV: Xin trân trọng cám ơn đồng chí Tư lệnh Pháo binh.
Theo Hồng Hải - Hoàng Hà/QĐND

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Minh -

Trước giờ hạ được máy bay của địch, toàn nhờ các khẩu pháo lớn ấy chứ.

Hiển thị thêm bình luận