Trang Militarytimes trích dẫn các báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Quân đội Mỹ đang gấp rút tiến hành củng cố các căn cứ quân sự của mình ở khu vực Thái Bình Dương, đồng thời tái thiết các căn cứ không quân từ thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2.
Động thái này của Mỹ được xem như một phần của nỗ lực tồn tại trước một cuộc tấn công bằng tên lửa của Trung Quốc có thể tiêu diệt các mục tiêu quân sự của Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản hay ở bất kỳ căn cứ nào của Mỹ ở Thái Bình Dương và kế hoạch này cũng nằm trong chiến lược chuyển trong tâm sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong đó bao gồm cả kế hoạch tăng cường phát triển căn cứ quân sự ở Bắc Australia.
|
Tên lửa đạn đạo Trung Quốc có thể vươn tới mọi căn cứ Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
|
Theo nguồn tin trên, việc Trung Quốc phát triển các loại tên lửa đạn đạo trong thời gian qua là mối quan tâm và lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách của Lầu Năm Góc.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Á-Thái Bình Dương thuộc tập đoàn RAND – ông Michael Lostumbo cho biết, các loại tên lửa đạn đạo Trung Quốc còn được gọi là vũ khí chống xâm nhập và chống tiếp cận khu vực đã đe dọa hầu hết các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương. Theo báo cáo của RAND, có đến 90% các căn cứ quân sự Mỹ nằm trong tầm bắn phạm vi 1.080 hải lí của các tên lửa đạn đạo Trung Quốc.
Ông Michael Lostumbo nói: “Chúng tôi đã so sánh những mối đe dọa ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với các khu vực khác. Nếu chúng ta nghiên cứu về tên lửa đạn đạo Trung Quốc thì chúng ta sẽ thấy tất cả các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương đều nằm trong tầm bắn của tên lửa”.
|
Máy bay ném bom chiến lược H-6K mang tên lửa hành trình CJ-10 của Trung Quốc thậm chí được cho là vươn tầm tấn công tới tận Hawaii.
|
Tập đoàn RAND đã đưa ra ba lựa chọn để đối phó với mối đe dọa từ các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc gồm: Một là, di chuyển các căn cứ quân sự của Mỹ ra ngoài tầm bắn của các tên lửa đạn đạo Trung Quốc; Hai là, gia cố các nhà chứa máy bay và thứ ba là bố trí phân tán các máy bay quân sự của Mỹ để hạn chế thiệt hại khi tên lửa đạn đạo tấn công.
Một quan chức cấp cao của Quân đội Mỹ khẳng định, quân đội nước này đang tiến hành nghiên cứu lại các căn cứ quân sự gần Trung Quốc như căn cứ Kadena ở Okinawa, Nhật Bản vì đây là mục tiêu rất dễ bị tiêu diệt bởi tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Bên cạnh đó, vị quan chức này còn đưa ra một gợi ý quân đội nên sử dụng chiêu thức “đánh lừa” đối với các mục tiêu gần Trung Quốc.
Trong thời gian qua, Mỹ đã đẩy mạnh việc thực thi kế hoạch tăng cường lực lượng quân sự của Mỹ ở châu Á như:
- Tại căn cứ Darwin của Australia: Năm 2012, Mỹ đã triển khai đợt đầu tiên 200 binh sỹ thuộc Lực lượng Thủy quân lục chiến tới căn cứ Darwin/Australia.
“Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tiếp tục triển khai luân phiên 2.500 quân tới căn cứ này”, Phát ngôn viên Lực lượng Lính thủy đánh bộ Đại úy Eric Flanagan nói.
|
Máy bay vận tải C-130 Mỹ hạ cánh xuống căn cứ Darwin.
|
Theo ông này, việc triển khai luân phiên số binh sỹ trên tới căn cứ Darwin sẽ cho phép Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ hiện diện trong khu vực mà không cần phải sử dụng căn cứ lớn. Lực lượng quân sự Mỹ sẽ không cần phải có những hội trường lớn hay những căn cứ tiện nghi. Điều này sẽ giúp làm giảm chi phí cho hoạt động ở khu vực.
- Tại Guam (căn cứ Không quân và Hải quân lớn nhất của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương): Ngày 15/11 Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ báo cáo, từ năm 2000, Quân đội Mỹ đã tăng cường triển khai lực lượng tại Guam và theo dự kiến khoảng 8.000 lính thủy đóng tại Okinawa sẽ được triển khai tới căn cứ này.
Việc Quân đội Mỹ thường xuyên tăng cường củng cố xây dựng căn cứ và diễn tập quân sự ở Guam đang là mối quan tâm của Quân đội Trung Quốc. Guam có hai căn cứ quan trọng của quân đội là căn cứ Apra của hải quân và căn cứ Andersen của không quân.
|
Máy bay ném bom chiến lược B-52 Mỹ thường xuyên hiện diện ở Guam, và đây sẽ là một trong những mục tiêu của tên lửa Trung Quốc.
|
Do vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ rất quan ngại Guam bị tên lửa của Trung Quốc hay Triều Tiên tấn công nên đã đề nghị khoản ngân sách hàng trăm triệu USD để củng cố nhà chứa máy bay, kho nhiên liệu, hàng hóa. Không quân Mỹ đề nghị gia cố các nhà chứa máy bay ném bom, vận tải và tiếp dầu với mái bê tông dày hơn 1m.
Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, tướng Mark Welsh phát biểu trước phiên điều trần hồi đầu tháng 11/2013 tại Quốc hội Mỹ rằng chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Thái bình Dương đã đề nghị được bảo vệ trong trường hợp bị tấn công bằng tên lửa.
Theo đó, tướng Mark Welsh đã đề nghị cấp khoản ngân sách 256 triệu USD để củng cố các căn cứ không quân trong khu vực. Tướng Mark Welsh nói: “gia cố các cơ sở quân sự ở Guam là đáp ứng yêu cầu chỉ huy chiến đấu của các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương vì khu vực này đang bị de dọa bởi sự tấn công bằng tên lửa đất đối đất”.
Guam là cứ điểm chiến lược cho các chiến dịch quân sự của Mỹ chống Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Nay, đảo này trở thành căn cứ không quân và hải quân lớn nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương, khi Quân đội Mỹ đóng trên 30% diện tích đảo. Hòn đảo này có số dân 175.000 và có sự hiện diện của Mỹ, kể cả quân sự, trong một thế kỷ qua. Hiện tại có 7.500 lính Mỹ đang đóng tại đảo Guam.
|
Máy bay ném bom chiến lược B-2 cất cánh từ căn cứ không quân ở Guam.
|
Trong tương lai, đảo Guam sẽ được trang bị để đón nhận tới 18.000 quân nhân cùng với 19.000 thân nhân của họ. Từ đầu năm 2013 đến nay, Mỹ đã chi ra 12,8 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng trên biển và trên không tại đảo Guam, biến nơi này trở thành một siêu căn cứ. Nếu nhóm tác chiến tàu sân bay Hải quân Mỹ muốn tìm một vị trí tại khu vực Tây Thái Bình Dương, thì đảo Guam quá lý tưởng. Guam nằm cách Tokyo (Nhật Bản) và Manila (Philippines) 3 giờ bay, cách Trung Quốc chỉ khoảng 4 giờ bay.
- Tại Tinian và Saipan: Đây là hai căn cứ quân sự trên hai hòn đảo thuộc lãnh thổ Mỹ ở Bắc Thái Bình Dương, hai căn cứ này không quá xa với Guam. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, chúng có thể sẽ được quân đội xây dựng để trở thành nơi sơ tán các máy bay từ các căn cứ trong khu vực khi có chiến sự. Không quân đang tìm kiếm khoản ngân sách trị giá trên 115 triệu USD để xây dựng các công trình quân sự trên đảo Saipan, sử dụng hòn đảo này như một nơi tiến hành các cuộc diễn tập và hạ cánh khẩn cấp cho các máy bay khi gặp thời tiết xấu.
Tinian và Saipan từ lâu đã là vị trí địa chiến lược quan trọng của Quân đội Mỹ. Trong chiến tranh thế giới 2, năm 1944 Quân đội Mỹ đã chiếm Tinian và Saipan từ Nhật Bản và thiết lập căn cứ đồng thời triển khai các máy bay ném bom B-29 để tấn công Nhật Bản. Tháng 8/1945, Mỹ sử dụng máy bay B-29 cất cánh từ căn cứ Tinian để ném bom hạt nhân vào 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki.
Su Nhi