Tàu tên lửa nội địa Việt Nam bắn thử "sát thủ diệt hạm" Uran

Google News

(Kiến Thức) - Các tàu tên lửa Molniya do Việt Nam tự đóng trong nước đã thực hiện bài bắn thử thành công tên lửa hành trình chống tàu Uran-E.

Theo báo Quân đội Nhân dân, ngày 28/4, tại Cam Ranh (Khánh Hòa), Bộ Quốc phòng đã tổ chức nghiệm thu kỹ thuật bắn tên lửa tàu HQ-377, HQ-378 và một số loại tên lửa khác của Hải quân. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến dự và chỉ đạo.
Kết quả, tên lửa của các lực lượng đều bắn trúng mục tiêu ngay lần bắn đầu tiên, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Tàu HQ-377 và HQ-378 là 2 tàu tên lửa hiện đại thuộc lớp Molniya Project 12418 do Tổng công ty Ba Son (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) ký hợp đồng đóng cho Quân chủng Hải quân. Việc đóng mới và bắn tên lửa thành công đã khẳng định năng lực làm chủ kỹ thuật và đóng mới của ngành công nghiệp đóng tàu Quân đội nói chung và Tổng công ty Ba Son nói riêng trong lĩnh vực đóng tàu chiến đấu quân sự; đồng thời khẳng định năng lực khai thác, sử dụng và làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện đại của Quân chủng Hải quân.
 Ảnh minh họa.
Tàu tên lửa Molniya Project 12418 được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại tàu chiến, tàu vận tải, cũng như tàu đổ bộ của đối phương. Molniya có lượng giãn nước toàn tải 510 tấn, dài 56,9m, rộng 10,20m, mới nước (toàn tải) 2,5m. Thủy thủ đoàn vận hành tàu khoảng 40 người.
Tuy tàu chỉ có kích cỡ nhỏ, nhưng hỏa lực con tàu đủ sức đánh chìm những chiến hạm lớn hơn nó gấp nhiều lần. Cụ thể, Molniya được trang bị hệ thống tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E (tầm bắn 130km, trên lý thuyết có thể diệt tàu 5.000 tấn) với 16 đạn tên lửa được bố trí ở 4 bệ phóng 2 bên sườn tàu.
Ngoài hệ thống tên lửa Uran-E, tàu Molniya trang bị một pháo hạm tự động AK-176M cỡ nòng 76,2mm dùng để tiêu diệt mục tiêu tầm gần trên biển, hoặc khi cần pháo có thể bắn mục tiêu trên không. Pháo AK-176M đạt tốc độ bắn 120 phát/phút, tầm bắn 15km.
Tổng cộng Việt Nam có kế hoạch xây dựng 10 tàu Project 12418 Molniya, hợp đồng đóng 6 chiếc trong số đó có giá trị 30 triệu USD. Trước đó, Việt Nam đã nhập khẩu 2 tàu tên lửa Molniya từ Nga và hiện chúng biên chế tại lữ đoàn tàu chiến 167, vùng 2 Hải quân.
Tổng giám đốc nhà máy đóng tàu Rybinsk Oleg Belkov cho biết, ngoài 2 tàu Molniya đã được hạ thủy và đang chạy thử nghiệm ở xưởng Ba Son thì cặp tàu thứ 2 sẽ hạ thủy vào giữa năm nay, cặp thứ 3 dự kiến trong tháng 12.
Hoàng Lê