Mời độc giả xem clip
S-300 là hệ thống tên lửa đất đối không cực mạnh, có thể ngăn chặn bất cứ nguy cơ nào đến từ các vật thể bay của đối phương do Liên Xô (Nga) phát triển. Cũng như nhiều dòng tên lửa trước đó, S-300 được phát triển với hàng loạt biến thể cho Quân đội Liên Xô (Nga) và phục vụ xuất khẩu. Trong đó, tên lửa phòng không S-300PMU1 (NATO gọi là SA-20) Mà Việt Nam đang sử dụng, là biến thể của S-300PMU được Nga giới thiệu vào năm 1999, có thể tích hợp được trên tàu hải quân, hoặc tác chiến độc lập.
|
Tổ hợp tên lửa S-300PMU-1 trên đường cơ động ra vị trí chiến đấu. |
Hệ thống tên lửa S-300PMU1 có khả năng tiêu diệt vật thể bay là máy bay, tên lửa hành trình chiến lược, tên lửa chiến thuật hiện đại và các mục tiêu bay trên không với tốc độ lên đến 2.800m/giây.
Hiện loại tên lửa này được biên chế cho Trung đoàn phòng không 64 (Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân) quản lý, huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời phía Bắc và Hà Nội.
Trung đoàn Tên lửa 64 được thành lập lại vào ngày 18/2/2013, trên cơ sở sáp nhập Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 172 (đều trực thuộc Sư đoàn 361) vào Đoàn Tên lửa 64.
Ưu điểm tính năng kỹ thuật, chiến thuật nổi trội của loại tên lửa S-300PMU1 là sử dụng hệ thống chỉ huy và điều khiển 83M6E có khả năng cơ động, triển khai, thu hồi rất nhanh. Đặc biệt, loại tổ hợp tên lửa này được tích hợp hệ thống radar quản lý mục tiêu VVU, cho phép bắt mục tiêu ở mọi độ cao (không giới hạn).
|
Hệ thống radar quản lý mục tiêu VVU của tổ hợp tên lửa S-300PMU-1 của Việt Nam. |
|
Các trắc thủ điều khiển tổ hợp tên lửa S-300PMU-1 tăng cường sục sạo, phát hiện, quản lý và sắn sàng tiêu diệt mục tiêu. |
Hệ thống được trang bị đạn tên lửa 48N6E bố trí trong thùng hình trụ có tốc độ Mach 6 và tốc độ tiếp cận mục tiêu tối đa lên đến Mach 8,5, có trần bắn tối đa 27 km và tầm bắn 5-150km. Ngoài ra, S-300PMU1 có thể sử dụng tên lửa mới 9M96E1 và 9M96E2 có đầu đạn chỉ nặng 24kg, nhưng hiệu suất tiêu diệt mục tiêu rất cao.
Để không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng phối hợp hiệp đồng tác chiến cho cán bộ, chiến sĩ, Trung đoàn phòng không 64 đã thường xuyên duy trì chặt chẽ việc huấn luyện theo phương châm “an toàn; cơ động, triển khai nhanh, xử lý chính xác các tình huống”, đặc biệt là trong sục sạo, phát hiện và quản lý mục tiêu. Cạnh đó, trung đoàn cũng chủ động xây dựng tinh thần quyết thắng, bản lĩnh, ý chí chiến đấu cho các kíp chiến đấu và các trắc thủ để nâng cao hiệu suất chiến đấu.
Đại Dương