Các thí nghiệm sinh - y học vũ trụ
- Thí nghiệm “Oxi”.
Thí nghiệm “Oxi” được phi công vũ trụ Phạm Tuân tiến hành trên máy “Oxi kế” do các chuyên gia Tiệp Khắc chế tạo, nhằm mục đích làm sáng tỏ sự thay đổi hàm lượng oxi trong các tổ chức của cơ thể trong thời gian bay trong vũ trụ, nghiên cứu đặc tính sử dụng oxi của các tổ chức của cơ thể trong thời gian bay trong vũ trụ.
Những số liệu thực nghiệm thu được giúp đánh giá cường độ của các quá trình oxi hóa trong các tổ chức ở điều kiện không trọng lượng, nghĩa là đánh giá sự trao đổi năng lượng của cơ thể.
Kết quả của thí nghiệm có ý nghĩa đề ra những biện pháp dự phòng.
|
V.V.Gorbatko và Phạm Tuân. |
- Thí nghiệm “Trao đổi nhiệt”
Mục đích của thí nghiệm là nghiên cứu khả năng làm lạnh của môi trường sống trong các tàu vũ trụ. Vì trong điều kiện không trọng lượng, quá trình làm lạnh của các vật thể rất thay đổi. Sự thay đổi đó là do quá trình trao đổi nhiệt bị mất đi một thành phần vô cùng quan trọng là sự tỏa nhiệt do đối lưu tự nhiên. Do đó trong điều kiện vũ trụ cần tạo ra đối lưu nhân tạo.
Các chuyên gia Tiệp Khắc chế tạo ra nhiệt biểu Kata điện động. Các thực nghiệm với nhiệt biểu này cũng đã tiến hành trên vệ tinh sinh học “Kosmos-936”.
Trong quá trình thí nghiệm sẽ nghiên cứu mối tương quan giữa nhiệt kế bình thường, nhiệt biểu Kata và cảm giác khách quan và chủ quan của con người trong quá trình trao đổi nhiệt.
|
Đại úy phi công dự bị Bùi Thanh Liêm (1949-1981) |
- Thí nghiệm “Hô hấp”
Thí nghiệm tiến hành trên máy “thử nghiệm hô hấp” do CHDC Đức chế tạo. Thí nghiệm nhằm mục đích nghiên cứu ảnh hưởng của điều kiện vũ trụ đối với quá trình hô hấp bằng cách đo dung tích hô hấp trong một đơn vị thời gian.
- Thí nghiệm “Bèo hoa dâu”
Bèo hoa dâu là một loại thực vật sống trong nước có khả năng cố định đạm của không khí nhờ tảo cộng sinh. Bèo hoa dâu là nguồn phân đạm quan trọng đối với đồng ruộng của Việt Nam. Do bèo hoa dâu có hàm lượng đạm cao cho nên nó còn là nguồn thức ăn quý cho chăn nuôi. Thí nghiệm nhằm mục đích nghiên cứu tác dụng của điều kiện không trọng lượng đối với sự sinh trưởng và phát triển của bèo dâu. Bèo dâu có thể là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra một hệ sinh thái khép kín trong điều kiện vũ trụ. Đây là vấn đề có ý nghĩa lớn đối với việc chuẩn bị cho những cuộc du hành vũ trụ dài ngày trong tương lai.
|
Bèo hoa dâu. |
Thí nghiệm do các cán bộ sinh vật Việt Nam để xuất và được chuẩn bị ở Liên Xô.
Các thí nghiệm điều tra tài nguyên thiên nhiên từ vũ trụ
Trong chương trình khoa học của chuyến bay vũ trụ quốc tế Liên Xô – Việt Nam sẽ thực hiện một số thí nghiệm viễn thám trái đất từ vũ trụ nhằm nghiên cứu tài nguyên và môi trường tự nhiên Việt Nam.
Các thí nghiệm này được xây dựng trên cơ sở yêu cầu của nhiều ngành kinh tế quốc dân, đã được đông đảo các chuyên gia và các nhà khoa học các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, địa chất,...đông đảo góp ý kiến.
Các chuyên gia và các nhà khoa học Liên Xô, Bulgary, CHDC Đức, Ba Lan đã tích cực phối hợp với các nhà khoa học Việt Nam soạn thảo các chương trình thí nghiệm nói trên, thể hiện rõ sự hợp tác chặt chẽ không những trong chuyến bay vũ trụ quốc tế lần này mà còn đặt nền móng cho sự hợp tác lâu dài trong lĩnh vực viễn thám giữa Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa anh em.
- Thí nghiệm “Tài nguyên thiên nhiên”
Thí nghiệm tiến hành chụp ảnh lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam bằng máy chụp ảnh đa phổ MKF-6M trên trạm quỹ đạo “Chào mừng-6”. Đồng thời trên các khu thử nghiệm sẽ tiến hành quan trắc mặt đất và chụp ảnh cũng bằng máy ánh MKF-6M đặt trên máy bay An-30.
|
Máy chụp ảnh đa phổ MKF-6M. |
Máy chụp ảnh đa phổ MKF-6M do Liên Xô và CHDC Đức phối hợp thiết kế và do xí nghiệp Karl Zeiss Lena của CHDC Đức chế tạo sẽ cho ra đồng thời tại mỗi khu vực lãnh thổ 6 bức ảnh theo 6 phổ khác nhau, trong đó có 4 phổ ở vùng ánh sáng nhìn thấy và hai phổ ở vùng gần hồng ngoại.
Cùng với việc chụp ảnh trên trạm quỹ đạo “Chào mừng-6” và máy bay An-30 bằng máy ảnh MKF-6M, trên mặt đất sẽ tiến hành đo các thông số cần thiết như nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, lấy các mẫu đất, mẫu nước và đo phổ phản xạ của các đối tượng mặt đất.
Các số liệu thu được do thí nghiệm tài nguyên thiên nhiên theo ba tầng vũ trụ - hàng không - mặt đất sẽ cung cấp một khối lượng thông tin lớn cho các chuyên gia và các nhà khoa học, các ngành kinh tế quốc dân, để bổ sung cho các tư liệu đã có, nâng cao một bước chất lượng công tác điều tra tài nguyên, đánh giá các điều kiện tự nhiên phục vụ cho quy hoạch phát triển các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, địa chất…
- Thí nghiệm “Cửu Long”
Thí nghiệm tiến hành đo lãnh thổ và lãnh hải nước CHXHCN Việt Nam.
Thí nghiệm “Cửu Long” sẽ sử dụng máy đo phổ “Spectr-15K” gồm 15 kênh, do Viện nghiên cứu vũ trụ thuộc Viện hàn lâm khoa học Bulgary chế tạo. Cùng với việc đo phổ sẽ chụp các đối tượng tự nhiên bằng máy ảnh MKF-6M.
Thí nghiệm được tiến hành trên trạm quỹ đạo “Chào mừng -6” và trên máy bay An-30 cho phép thu nhận đồng thời các ảnh đa phổ phản xạ của các yếu tố tự nhiên đặc trưng cho những vùng khác nhau của đất nước như đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
|
Máy bay đo đạc bản đồ An-30. |
Cùng với việc đo phổ trên vũ trụ và trên máy bay các cán bộ Việt Nam cùng với chuyên gia các nước xã hội chủ nghĩa anh em sẽ tiến hành đo phổ các đối tượng tự nhiên trên mặt đất, thuộc lĩnh vực nghiên cứu của nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, địa chất, nghiên cứu biển và bảo vệ môi trường.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phi công Phạm Tuân tại Trung tâm Huấn luyện phi công vũ trụ. |
- Thí nghiệm “Sinh quyển - C”
Để giúp giải quyết những đề tài nghiên cứu địa chất – kiến tạo, nghiên cứu biển và bảo vệ tự nhiên, các phi công vũ trụ Việt Nam và Liên Xô sẽ tiến hành quan sát bằng mắt thường và mô tả các đối tượng sau đây:
- Các dấu hiệu biểu hiện của đứt gãy sâu sông Hồng theo phương tây bắc – đông nam.
- Hình dạng chung của tam giác châu sông Cửu Long nhìn từ vũ trụ để so sánh với dạng phễu được hình thành do sự va đập của thiên thạch lớn vào vỏ trái đất.
- Toàn bộ vùng biển thuộc lãnh hải nước CHXHCN Việt Nam.
Thanh Hoa