Triển vọng hợp tác kỹ thuật quân sự Mỹ-Việt tương lai thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Theo chuyên gia, hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Mỹ và Việt Nam sau khi dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sẽ có “chiều hướng đi lên và phát triển hơn nữa”. 

Chuyên gia Kirill Ryabov của trang quân sự Topwar (Nga) mới đây có bài bình luận về việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam và triển vọng nhập khẩu vũ khí của Việt Nam trong tương lai. Kiến Thức đã dịch lại bài viết này, giới thiệu tới độc giả:
Một trong những tin tức quốc tế nổi bật trong những ngày vừa qua là quyết định của chính quyền Tổng thống Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Lệnh cấm đã được phía Mỹ thực thi với thời gian khoảng một nửa thế kỷ, cấm các nhà sản xuất vũ khí Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam. Trong năm 2014, phía Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm này, và ngày 23/5/2016, lệnh cấm đã được bãi bỏ hoàn toàn.
Viet Nam nhap khau vu khi: Co phat trien voi My?
 Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố chính thức gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam đã kéo dài suốt 50 năm qua.
Tin về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí không chỉ là tia sáng trong mối quan hệ giữa hai nước, mà còn mang đến nhiều triển vọng trong tương lai. Việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận có thể không chỉ có những tác động nhất định đến các chương trình mua sắm trang thiết bị vũ khí của các lực lượng vũ trang Việt Nam trong tương lai, động thái trên còn dẫn đến một sự thay đổi đáng chý ý trong thị trường các loại trang thiết bị vũ khí quốc tế.
Việt Nam hiện tại là một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất của các sản phẩm trang bị vũ khí từ nước ngoài, và có thể quan tâm đến tất cả các nhà sản xuất trên thế giới. Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn đứng ở những vị trí đầu trong danh sách của các nhà cung cấp vũ khí, do đó Mỹ không thể bỏ lỡ cơ hội này để họ đưa các sản phẩm đến với Việt Nam.
Việt Nam đang cần hiện đại hóa các lực lượng vũ trang nhằm nâng cao khả năng tác chiến. Trong vài năm qua, Việt Nam đã tăng mức chi tiêu quốc phòng so với các thời kỳ trước, nhất là việc tăng chi tiêu cho công tác mua sắm các hệ thống trang bị khí tài mới.
90% trang bị quân sự Nga – Liên Xô
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), những đơn hàng gần đây của Việt Nam đã đưa họ lên danh sách hàng đầu những quốc gia mua sắm vũ khí hàng đầu thế giới.
Trong năm 2014 và 2015, Việt Nam luôn duy trì khoản ngân sách để mua sắm các trang bị khí tài mới với khoảng hơn 1 tỷ USD (1 tỷ 078 triệu USD), và trong năm 2015 là hơn 800 triệu USD (870 triệu USD). Trong giai đoạn 2011 đến 2015, Việt Nam đã chi tổng cộng hơn 4 tỷ USD (4 tỷ 723 triệu USD) cho mua sắm quốc phòng. Từ đó cho phép các lực lượng vũ trang Việt Nam có thể trang bị đại trà các hệ thống trang thiết bị vũ khí mới.
Việt Nam với việc thiếu hụt năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước đã buộc phải lệ thuộc vào việc mua sắm các trang thiết bị vũ khí từ nước ngoài. Do đó việc hiện đại hóa quân đội Việt Nam sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc mua sắm các trang thiết bị từ nước ngoài. Theo thống kê của LHQ đối với các trang thiết bị vũ khí thông thường, trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2015, lực lượng vũ trang Việt Nam đã được các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài chuyển giao 5 xe bọc thép, 8 tàu chiến và tàu ngầm, 69 máy bay các loại và 143 các hệ thống tên lửa khác nhau.
Viet Nam nhap khau vu khi: Co phat trien voi My?-Hinh-2
 Việt Nam đã nhập khẩu 6 tàu ngầm Kilo 636 hiện đại của Nga.
Việt Nam đang nhập khẩu đến 90% các trang thiết bị vũ khí từ một đối tác truyền thống duy nhất, còn 10% còn lại dành cho các đối tác khác.
Trong vài thập kỷ qua, Hà Nội luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Liên Xô / Nga. Hợp tác Xô-Việt đã bắt đầu từ lâu và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay với Nga. Đồng thời các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã mua sắm từ Nga một số lượng lớn các loại trang bị vũ khí cần thiết. Kết quả là, trong nhiều năm qua, Nga vẫn là quốc gia hàng đầu trong danh sách các quốc gia cung cấp vũ khí cho Việt Nam, vai trò này của Nga gần như không có đối thủ.
Theo SIPRI, trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã mua sắm từ Nga các trang thiết bị vũ khí với tổng trị giá khoảng 3,8 tỷ USD. Từ những năm 2000, Việt Nam đã đặt mua hàng chục máy bay chiến đấu Su-30MK2, chiếc máy bay cuối cùng của hợp đồng sẽ được chuyển giao vào cuối năm nay. Các hệ thống trang thiết bị vũ khí Nga hiện nay đang bảo vệ vùng trời vùng biển Việt Nam.
Một chi tiết đặc biệt trong hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa Nga và Việt Nam là hợp đồng đóng các tàu chiến và tàu ngầm. Hiện tại phía Nga đã chuyển giao cho Hải quân Việt Nam hai tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9, hai chiếc còn lại đang hoàn thiện và dự kiến sẽ chuyển giao vào tháng 8 và 9 năm nay, theo các hợp đồng đã ký kết năm 2006 và năm 2013. Giá trị đơn hàng bốn tàu Gepard-3.9 là hơn 1 tỷ USD.
Trong năm 2009, Việt Nam đã đặt hàng 6 tàu ngầm diesel-điện Project 636.1 Varshavyanka trang bị hệ thống tên lửa Klub-S. Bốn tàu ngầm đã được chuyển giao cho Hải quân Việt Nam và đã giúp Việt Nam bảo vệ vùng biển chủ quyền. Những chiếc tàu còn lại của hợp đồng sẽ được chuyển giao vào thời gian tới. Theo một số thông tin được tiết lộ, việc mua sắm 6 tàu ngầm diesel-điện Kilo, cùng với việc đào tạo các đơn vị vận hành và xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết đã tiêu tốn của Việt Nam xấp xỉ tỷ 4 tỷ USD.
Hiện tại Việt Nam cũng đang trang bị các tàu tên lửa cao tốc của Nga thuộc Project 1241.8. Hai tàu đầu tiên được đóng tại Nga và đã được chuyển giao, các chuyên gia quân sự Nga đã và đang giúp Việt Nam tự đóng trong nước thêm sáu tàu, bốn chiếc đã được bàn giao, hai chiếc cuối cùng đang trải qua những bước thử nghiệm cuối. Đơn hàng 8 tàu thuộc Project 1241.8 cho Việt Nam có giá trị khoảng 1 tỷ USD.
Viet Nam nhap khau vu khi: Co phat trien voi My?-Hinh-3
 Ngoài đối tác truyền thống Nga, Việt Nam đã đặt hàng nhiều vũ khí hiện đại của Israel như súng trường Galil ACE/Tavor, tên lửa SPYDER, EXTRA...
Nga là nhà cung cấp các trang bị vũ khí lớn nhất cho Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, Hà Nội đồng thời cũng thực hiện việc mua sắm từ các quốc gia khác, mặc dù các hợp đồng đó có sự khác biệt là các đơn hàng nhỏ hơn rất nhiều so với Nga. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015, Ukraine chiếm vị trí thứ hai với các hợp đồng đã thực hiện cho phía Việt Nam với trị giá đạt 107 triệu USD. Vị trí thứ ba là Israel với giá trị đơn đặt hàng đạt 85 triệu USD. Các nhà cung cấp khác là Tây Ban Nha với 38 triệu USD, và Cộng hòa Séc với 30 triệu USD.
Hiện tại nhà cung cấp Israel đã cung cấp một số hệ thống radar và hệ thống tên lửa cho Việt Nam, trong khi đó, Hà Lan đang đàm phán về tàu chiến mặt nước. Cuối năm ngoái, Việt Nam cũng đã nhận từ Ba Lan một tàu huấn luyện.
Điều thú vị là trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua sắm trang bị từ các nước thứ ba không chỉ là các hệ thống trang thiết bị mới, mà họ còn mua sắm cả các trang bị đã qua sử dụng. Trong nửa cuối của thập kỷ vừa qua, Ukraine và Romania đã bán một số lượng máy bay chiến đấu và huấn luyện cho Không quân Việt Nam như máy bay ném bom Su-22 và máy bay huấn luyện Yak-52.
Triển vọng hợp tác kỹ thuật quân sự với Mỹ
Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam có thể đưa Mỹ trở thành nhà cung cấp vũ khí đứng thứ hai tại Việt Nam sau Nga. Điều thú vị là những thông tin rò rỉ cho báo chí về các thỏa thuận giữa Mỹ và Việt Nam đã được công bố các đây vài năm, trước cả khi dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận.
Trong năm 2013, đã có thông tin cho biết phía Việt Nam quan tâm đến việc mua sắm máy bay tuần tra hàng hải Lockheed Martin như máy bay P-3 Orion. Tuy nhiên, nhiều thông tin về sự việc đã không được xác nhận. Năm ngoái, chính quyền Mỹ đã cho Việt Nam vay một khoản tiền để mua các tàu tuần tra từ Mỹ. Cũng không thể loại trừ có các thỏa thuận tương tự khác.
Một trong những nguyên nhân chính đối với quyết định chính thức gần đây của Washington, là việc họ có thể sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh các tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng. Trên Biển Đông, Trung Quốc đang coi Mỹ là một đối thủ nặng ký và nguy hiểm. Do đó, để đối phó với Trung Quốc, Mỹ có thể cung cấp một số sự hỗ trợ cho đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc, đó là Việt Nam.
Viet Nam nhap khau vu khi: Co phat trien voi My?-Hinh-4
 P-3C Orion có lẽ là một trong những loại vũ khí Mỹ mà Việt Nam bày tỏ sự quan tâm mua sắm lớn nhất.
Những thỏa thuận năm ngoái cho thấy rằng, Mỹ đã sẵn sàng không chỉ bán các trang thiết bị cần thiết cho Việt Nam, mà Mỹ còn có thể giúp Việt Nam bằng cách hỗ trợ tài chính để mua hàng. Ngoài ra, chúng ta không nên quên rằng, các hợp đồng giả định với Việt Nam là một món lợi lớn.
Trong tình hình hiện nay, Washington chính thức đã có một cơ hội để đồng thời giải quyết hai vấn đề: để duy trì “sự sống” ngành công nghiệp quốc phòng với các hợp đồng xuất khẩu mới (cho Việt Nam), và can thiệp vào các hành động của các đối thủ chính (đang cạnh tranh với Mỹ) trong khu vực, và để các nước thứ ba thực hiện những nhiệm vụ cơ bản (giúp Mỹ).
Chưa có bất kỳ thông tin gì về các hợp đồng giữa Mỹ với các lực lượng vũ trang Việt Nam. Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đã được công bố vài ngày trước đây, và có lẽ, hai bên vẫn chưa có thời gian để quyết định về các kế hoạch tiếp theo trong môi trường mới (giữa hai nước). Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về hợp đồng mới có thể bắt đầu bất cứ lúc nào.
Danh tiếng của các nhà sản xuất trang thiết bị vũ khí Mỹ đã và đang chiếm vị trí số một trên thế giới, Mỹ không chỉ bán hàng, mà còn có khả năng nâng cấp ở mức độ cao nhất. Các công ty tập đoàn vũ khí Mỹ có thể cung cấp tất cả những gì cần thiết cho các lực lượng vũ trang, nếu được. Hiện tại có thể Mỹ quan tâm đến những trang thiết bị mà Việt Nam đang cất giữ từ thời chiến tranh. Nhưng về khả năng mở rộng hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa hai nước vẫn là một câu hỏi khó.
Đã có những dự đoán khác nhau về tác dụng của quyết định mới đây của chính quyền Mỹ, một số dự đoán cho rằng có thể có sự phát triển đi lên của mối hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa Mỹ và Việt Nam, cũng có ý kiến rằng sẽ không có sự thay đổi lớn. Nhưng đúng đắn mà nói thì chỉ có chiều hướng đi lên và phát triển hơn nữa.
Trung Nghĩa