Triều Tiên chưa đủ sức tấn công hạt nhân Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Triều Tiên chưa đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới Mỹ, chuyên gia thế giới nhận định.

Trong khi Triều Tiên tiếp tục đe dọa tấn công Hàn Quốc thì chính quyền nước này cũng làm điều tương tự với Mỹ khi cảnh báo có thể xảy ra "chiến tranh hạt nhân".

Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ phân tích, để thực hiện được điều đó, Triều Tiên sẽ cần một số phương tiện chiến tranh “khủng” gồm: tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM); đầu đạn hạt nhân kích cỡ nhỏ để tích hợp vào tên lửa; công nghệ phóng, điều khiển và bắn trúng mục tiêu.

Những nỗ lực không ngừng

Trong thời gian qua, Triều Tiên đã thử tên lửa với nhiều tầm bắn khác nhau. Chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đạt được nhiều thành công đối với các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung, nhưng với tên lửa liên lục địa thì thất bại.

Cụ thể, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo Taepodong-1 vào năm 1998 nhưng thất bại. Sau đó, Bình Nhưỡng tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Taepodong-2 vào năm 2006 nhưng tên lửa nổ tung 40 giây sau khi rời bệ phóng.

Bẵng đi một thời gian, Triều Tiên tạm dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo và chuyển sang phát triển phương tiện mang phóng vệ tinh. Lần lượt trong các năm 2009 và 2012, Triều Tiên đã thực hiện 3 cuộc phóng tên lửa đẩy Unha-2/3 (Ngân Hà 2/3) mang theo vệ tinh viễn thông lên quỹ đạo.

Đáng lưu ý, Unha-2/3 đều được phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa Taepodong 2. Tên lửa kết cấu 3 tầng động cơ, dài 32,01m, đường kính thân 2,4m, trọng lượng phóng 85 tấn. Tên lửa có tải trọng 100kg mang theo vệ tinh cỡ nhỏ. Và vì thế, trong mỗi cuộc phóng, Triều Tiên luôn vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Mỹ - Hàn cho đây là vụ thử tên lửa trá hình.
Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo Unha-3 làm Mỹ - Hàn lo sợ.

Tuy hai cuộc phóng Unha-2/3 vào năm 2009 và tháng 4/2012 thất bại, nhưng tới lần thứ 3 (ngày 12/12/2012) Triều Tiên đã thành công. Tên lửa đẩy Unha-3 mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 đã đi vào quỹ đạo an toàn.

Vụ phóng này đã làm các chuyên gia Mỹ - Hàn “đứng ngồi không yên” vì họ luôn tin rằng đây là cuộc thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trá hình. Với việc phóng thành công Unha-3, Triều Tiên thử thành công ICBM.

Theo Gizmodo, tên lửa Unha-3 có tầm bắn tối đa khoảng 9.600km (khoảng cách từ Bình Nhưỡng đến thành phố San Francisco của Mỹ chỉ khoảng 9.000km).

Điều này chứng tỏ Triều Tiên bước đầu có những thành quả trong công nghệ chế tạo tên lửa tầm xa và gây nên quan ngại của cộng đồng quốc tế về thông số kỹ thuật và khả năng của loại vũ khí đáng gờm này.

Dù vậy, khi xét tới khả năng tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên có khả năng mang đầu đạn hạt nhân thì nhiều chuyên gia quốc tế tỏ ra hoài nghi.

Chưa đủ khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân hoàn chỉnh

Chuyên gia về tên lửa của Đức Markus Schiller nhận định rằng: “Nếu nhìn kỹ vào những tên lửa mà Triều Tiên trưng bày sẽ thấy có rất nhiều chi tiết ghi thông số sai trầm trọng. Điều đó cho thấy Triều Tiên đang vấp phải một số vấn đề lớn trong chương trình phát triển tên lửa của họ. Những tên lửa này có khá nhiều chi tiết khác biệt dẫn đến những sự bất hợp lý trong tổng thể về cấu trúc và thiết kế. Bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy một quả tên lửa nào như thế trong thực tế cả”.

Tuy nhiên, chuyên gia này không nêu chi tiết những điều bất hợp lý trong thiết kế tên lửa Triều Tiên.
Triều Tiên chưa đủ khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân lắp tên lửa đạn đạo.

Bloomberg dẫn các nguồn tin tình báo từ quân đội Mỹ cho rằng, Triều Tiên sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể đạt tới trình độ đe dọa được Mỹ bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Tướng về hưu quân đội Hàn Quốc Song Young-Keun nhận định, xét về mặt tổng thể thì Triều Tiên vẫn chưa có khả năng chế tạo được một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ gắn vào tên lửa liên lục địa. "Đó chỉ là những lười đe dọa xuông, tống tiền của Triều Tiên đối với Mỹ", ông Song nói.

Chuyên gia phân tích khác cho rằng, Triều Tiên chắc chắn có khả năng tấn công các nước láng giềng trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc, hoặc có thể vươn tới Guam (thuộc Mỹ). Nhưng chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong Un từng “mạnh miệng” tuyên bố đã sẵn sàng khởi động cuộc chiến vũ khí hạt nhân với Mỹ là điều không thể và tất cả mọi người đều biết điều đó.

"Tôi có thể nói với mọi người rằng Mỹ hoàn toàn thừa khả năng chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào bằng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên", phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố.

Thậm chí, các tướng lĩnh Mỹ còn không tin Triều Tiên đã phát triển thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Cựu Tư lệnh liên quân Mỹ - Hàn Burwell Bell ước tính rằng, Triều Tiên sẽ mất 5-7 năm để phát triển hoàn thiện tên lửa đạn đạo liên lục địa. Vào thời điểm đó, Bình Nhưỡng mới có thể chạm tới nước Mỹ nhưng những thành phố khác như San Francisco và Seattle sẽ không cần phải hoảng sợ vì tên lửa nước này chưa đủ sức chạm tới. Thậm chí, các chuyên gia Mỹ còn tuyên bố có khả năng hạ tên lửa Triều Tiên trong giai đoạn đầu sau khi phóng.

Nhật Anh (theo Newrepublic, Businessinsider)