Trung, Ấn “tăng tốc” chạy đua vũ khí hạt nhân

Google News

(Kiến Thức) - Chuyên gia Mỹ cho rằng việc Ấn Độ phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa khiến Trung Quốc tăng tốc trang bị đầu đạn hạt nhân MIRV cho tên lửa.

Trong báo cáo về vũ khí hạt nhân toàn cầu, chuyên gia Mỹ cho rằng, sự phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa của Ấn Độ cũng như việc Trung Quốc triển khai tên lửa đạn đạo mang đầu đạn kiểu MIRV (một đầu đạn mẹ chứa nhiều đầu đạn hạt nhân con dẫn hướng độc lập) sẽ dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang gay gắt trong khu vực.
Theo báo cáo này, quyết định trang bị kiểu đầu đạn MIRV cho tên lửa đạn đạo của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ ảnh hưởng tới xu hướng dự trữ hạt nhân toàn cầu. Mặc dù mẫu tên lửa Agni V theo lời mô tả của các nhà khoa học Ấn Độ không có khả năng mang đầu đạn MIRV nhưng các mẫu tên lửa kế nhiệm như Agni VI có thể sở hữu công nghệ này.
Đầu đạn kiểu MIRV - đầu đạn mẹ chứa nhiều đạn hạt nhân con dẫn hướng độc lập. Loại đầu đạn này cho phép chỉ cần một tên lửa để tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc.
“Các quan chức Ấn Độ cho biết mẫu tên lửa đạn đạo mới của nước này sẽ có khả năng mang kiểu đầu đạn MIRV. Việc phát triển này đi cùng với việc tăng cường mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương và sẽ là động lực cho Trung Quốc trong việc triển khai các tên lửa mang đầu đạn MIRV”, hai nhà khoa học trong Hiệp hội các nhà Khoa học Mỹ Hans Kristensen và Robert Norris cho hay trong bản báo cáo có tên Kho Vũ khí Hạt nhân Toàn cầu 1945-2013.
Ông Kristensen – Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Hiệp hội các nhà Khoa học Mỹ cho biết, việc trang bị đầu đạn MIRV đi ngược lại với chính sách của New Delhi và chính phủ nước này sẽ phải giải thích lý do phát triển công nghệ này vì có thể sẽ dẫn tới căng thẳng leo thang với Trung Quốc.
“MIRV được phát triển cho một mục tiêu chiến lược nhất định, thường là nhanh chóng tăng số lượng đầu đạn triển khai trên tên lửa hoặc nhằm tấn công nhiều mục tiêu trong một vụ tấn công. Cả 2 mục tiêu này đều đi ngược với chính sách răn đe tối thiểu của New Delhi vì cả 2 mục tiêu này đều làm tăng số lượng vũ khí cũng như là tín hiệu cho học thuyết đối kháng hạt nhân”, ông Kristensen nói.
Bản báo cáo cũng cho biết những bước đi của Ấn Độ và Trung Quốc có thể sẽ làm cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á leo thang: “Mỹ, Nga và cộng đồng kiểm soát vũ khí quốc tế không khuyến khích những cuộc chạy đua như hiện tại bằng cách giảm thiểu các hệ thống MIRV của họ cũng như chương trình phòng thủ tên lửa”.
 Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V.
Báo cáo này cũng ước tính Trung Quốc có kho vũ khí khoảng 250 đầu đạn và nước này đã sản xuất khoảng 610 đầu đạn kể từ năm 1964. Báo cáo cũng cho biết Trung Quốc có một số ít bom hạt nhân. Đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc được tin rằng được chứa tại kho trung tâm và không đi kèm với bệ phóng.
“Cộng đồng tình báo Mỹ ước đoán rằng Trung Quốc sẽ tăng số lượng đầu đạn trên các tên lửa đạn đạo lên 50 và sẽ vượt qua con số 100 trong vòng 15 năm tiếp theo”, báo cáo cho hay.
Pakistan ước tính có khả năng sản xuất từ 100-120 đầu đạn. Ấn Độ có khả năng sản xuất 90-110 đầu đạn và có kế hoạch tăng cường khả năng sản xuất vật liệu phân hạch.
“Chúng tôi cho rằng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã vượt qua Anh và có thể ngang bằng với Pháp vào cuối thập kỷ này tùy thuộc vào số lượng tàu ngầm hạt nhân và tên lửa đạn đạo được Trung Quốc sản xuất”, bản báo cáo cho hay.
Nguyễn Hoàng