Mời độc giả xem clip thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không với TBK cải tiến: (Đại Dương thực hiện)
Nhằm tăng cường khả năng phòng không trong tình hình mới với nhiều diễn biến phức tạp, những năm gần đây Việt Nam đã cải tiến tên lửa phòng không thế hệ cũ như S-75 Dvina, S-125 Pechora, 9K35 Strela-10 với sự chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Mới đây, các cơ quan nghiên cứu tên lửa phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã cải tiến hệ thống TBK (hệ thống quang truyền hình), trong đó có một số tính năng nổi bật như cảm biến cận hồng ngoại và hệ thống ATS (tự động bám sát mục tiêu).
Hiện thiết bị này đã được đưa vào trang bị cho các đơn vị tên lửa phòng không S-75 và S-125 của Việt Nam.
|
Tên lửa phòng không S-125 bắn thử nghiệm. |
Kết quả này đã góp phần nâng cao tính năng, tác dụng và khả năng tác chiến của các đơn vị tên lửa phòng không tầm trung và tầm thấp. Bởi qua thời gian, các thiết bị TBK cũ đã không còn phát huy tốt tác dụng, hình ảnh bắt mục ban ngày bị mờ, không rõ nét, cự ly phát hiện mục tiêu ngắn, không phát hiện được mục tiêu ban đêm, ảnh hưởng lớn đến hiệu suất chiến đấu.
Thiết bị TBK mới do Việt Nam cải tiến có ưu điểm là: Tầm phát hiện xa hơn thiết bị cũ; cho hình ảnh rõ hơn; phát hiện được cả mục tiêu bay ban đêm và có khả năng tự động bám sát. Đặc biệt, thiết bị này sẽ phát huy được tác dụng và hiệu quả rất lớn nếu đối phương sử dụng khí tài chế áp điện tử, làm cho kênh vô tuyến điều khiển tên lửa bị nhiễu, không bắt được mục tiêu bay.
|
Hình ảnh mục tiêu bị tiêu diệt nhìn qua màn hình kỹ thuật số hệ thống quang truyền hình TBK trong đài điều khiển tổ hợp tên lửa S-125-2TM Pechora. |
Thiết bị này được cải tiến dựa trên nguyên lý cơ bản là sử dụng camera và hệ thống cảm biến cận hồng ngoại để phát hiện mục tiêu cả ban ngày và ban đêm. Bởi khi mục tiêu bay hoạt động trên không sẽ phát ra phía sau một luồng khí. Luồng khí ấy phát ra bức xạ hồng ngoại và cận hồng ngoại mà mắt thường không thể nhìn thấy. Thiết bị TBK mới do Việt Nam cải tiến có cảm biến cận hồng ngoại thu được bức xạ cận hồng ngoại của thiết bị bay.
Các camera cảm biến cận hồng ngoại của hệ thống quang truyền hình lắp đặt trong tổ hợp điều khiển tên lửa S-75 và S-125 sẽ phát hiện được thiết bị bay và thu lại trên màn hình kỹ thuật số, giúp cho các trắc thủ dễ dàng quản lý mục tiêu và tiêu diệt.
Với việc cải tiến này thì hiệu suất chiến đấu của các đơn vị tên lửa phòng không Việt Nam sẽ mạnh hơn rất nhiều.
Đại Dương