Trong chiến đấu, việc bảo đảm vượt sông cho bộ đội và binh khí kỹ thuật hạng nặng như xe Tăng - Thiết giáp, pháo binh, tên lửa… là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và nguy hiểm. Để thực hiện nhiệm vụ này, bộ đội Công binh Việt Nam đã được trang bị nhiều bộ cầu phao PMP vượt sông đặc chủng, thuộc loại hiện đại trên thế giới.
Bộ cầu phao PMP là bộ cầu phao do Nga chế tạo dùng để bắc cầu hoặc làm phà đảm bảo vượt sông, bộ cầu này đã được trang bị cho quân đội của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, các đơn vị công binh thuộc Bộ tư lệnh Công Binh và các quân khu đã được trang bị một số bộ cầu phao PMP để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm cơ động cho các trang bị kỹ thuật vượt qua chướng ngại nước.
|
Tự chủ công nghệ chế tạo đốt phao khơi kiểu PMP. |
Trong thời gian khai thác vừa qua, với nhiệm vụ trọng tâm là sử dụng bộ cầu nổi PMP để huấn luyện, diễn tập và bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, do yêu cầu của thực tiễn, bộ cầu còn được dùng để bắc cầu phục vụ giao thông, làm phà để giải cứu người và tài sản tại các khu vực bị ngập lụt, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, giải tỏa ách tắc giao thông. Nhờ bắc cầu phao Khuyến Lương, Hà Nội, đã giảm tải cho cầu Chương Dương trong dịp SEA Games 22; Bắc cầu phao Phùng - Đan Phượng, Hà Nội, khắc phục trận lụt lịch sử tháng 11-2008; cầu phao Chèm phục vụ cải tạo cầu Thăng Long và đảm bảo an toàn giao thông ở cửa ngõ Thủ đô năm 2009... Do vậy, nhu cầu sử dụng bộ cầu nổi PMP ngày càng lớn.
|
Công tác thử nghiệm, lắp đặt phà từ các đốt phao khơi kiểu PMP.
|
Tuy nhiên, hiện nay, việc mua bộ cầu này để đáp ứng nhu cầu sử dụng khó thực hiện do Nga không còn sản xuất nữa. Để chủ động nguồn bổ sung các đốt phao của bộ cầu, tự chủ công nghệ chế tạo trên cơ sở nguồn lực trong nước, từ năm 2005, bộ môn Xe máy công binh-Khoa Động lực, Học viện Kỹ thuật quân sự đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế chế thử phao nổi kiểu PMP phục vụ vượt sông”. Đến nay quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế thử và thử nghiệm đốt phao khơi kiểu PMP đã thành công, sản phẩm chế tạo trong nước có tính năng tương đương sản phẩm nhập ngoại, có kết cấu phù hợp hơn với điều kiện sử dụng ở nước ta. Đề tài đã được nghiệm thu vào năm 2007.
GS.TS Chu Văn Đạt, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết: Đốt phao khơi kiểu PMP gồm hai khoang phao vuông và hai khoang phao nhọn được thiết kế hình hộp có kết cấu hệ khung dầm được bao kín bên ngoài, bên trong có các vách chia ngăn cách nước, mặt phao chịu được tải trọng trực tiếp của xe; có các mối liên kết giữa các khoang phao với nhau tạo thành đốt phao và các tai liên kết giữa các đốt phao với nhau, có lỗ bơm nước, lỗ thoát nước. Ngoài ra các khoang nhọn của đốt phao có bố trí cầu dẫn khi làm phà, các neo để neo phà hoặc cầu. Trên mặt phao có kết cấu gân chống trượt. Mỗi đốt khơi có kích thước chiều dài lớn nhất 6,91m; chiều dài phần mặt 6,75m; chiều rộng lớn nhất 8,09m; chiều rộng phần xe chạy 6,50m; chiều cao lớn nhất 1,11m, chiều cao phần xe chạy 0,75m; trọng lượng 6790 kg; tải trọng một đốt là 20 tấn. Đốt phao khơi được cấu tạo đối xứng theo trục dọc có thế mở ra và gấp lại được.
|
Cầu phao nổi PMP.
|
GS.TS Chu Văn Đạt chia sẻ: “Để tăng cường độ bền làm việc của đốt phao, đề tài đã áp dụng giải pháp hoàn thiện kết cấu tăng cường xương bề mặt của các khoang phao, thay đổi kết cấu thanh chống sườn để phù hợp hơn với điều kiện sử dụng của chúng ta hiện nay với phương tiện giao thông đa số là xe bánh lốp.”
“Với năng lực công nghệ chế tạo các sản phẩm cơ khí trong nước và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, chúng ta hoàn toàn làm chủ từ khâu thiết kế đến việc chế tạo đốt phao khơi kiểu PMP”, GS.TS Chu Văn Đạt khẳng định.
So sánh với các bộ cầu nổi đã và đang sử dụng như LPP, TPP, CN-0, bộ cầu nổi PMP là dạng cầu băng có nhiều ưu điểm nổi trội và đang là bộ khí tài vượt sông quan trọng nhất hiện nay, với tải trọng chuyên chở và thông qua lớn, chi phí nhân lực để lắp cầu hoặc phà nhỏ, thời gian triển khai và thu hồi ngắn (thời gian ghép phà 40 tấn là 8 phút, 60 tấn là 10 phút, 150 tấn là 16 phút, ghép cầu 60 tấn với chiều dài cầu 227m là 30 phút, cầu 20 tấn với chiều dài cầu 382m là 50 phút), tốc độ vượt sông lớn (vận tốc các phương tiện di chuyển trên cầu có thể lớn hơn 30km/giờ, vận tốc di chuyển của phà 7,2 – 8,6 km/giờ).
Có thể thấy, với tính năng bắc cầu và làm phà, cầu phao PMP mang lại nhiều hiệu quả tích cực không chỉ trong chiến đấu mà ngay cả trong thời bình. Theo kết quả nghiên cứu, thiết kế và chế thử đã cho thấy Việt Nam có đủ khả năng thiết kế, chế tạo bộ cầu nổi kiểu PMP nhằm khắc phục khó khăn khi nhập các bộ cầu của Nga (trang bị cho bộ đội công binh), đồng thời khẳng định được trình độ nghiên cứu thiết kế và năng lực chế tạo trong nước.
Theo Thu Hương/QĐND