Chuyến thăm hai nước Đông Nam Á, Việt Nam và Myanmar của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu dẫn đầu đoàn quân sự Nga đang được dư luận quốc tế và khu vực rất chú ý.
Theo đánh giá giới phân tích, trong vòng 4 năm tới, Việt Nam sẽ là đối tác chính của Nga tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực hợp tác quân sự - kỹ thuật.
Theo truyền thông Nga, trong chuyến thăm Việt Nam ngày 4-5/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu sẽ hội kiến cùng Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Tại các cuộc làm việc, hai bên sẽ trao đổi quan điểm về hàng loạt vấn đề an ninh khu vực. Hai bên sẽ thảo luận phương hướng tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực quân sự - kỹ thuật.
Còn nhớ, trước thềm chuyến thăm Việt Nam cuối năm ngoái (7/11/2012), Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố “Nga muốn củng cố hợp tác quân sự với Việt Nam”.
|
Đoàn đại biểu quân sự cấp cao QĐND Việt Nam thăm Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 5, quân đội LB Nga dịp cuối tháng 10/2012. |
Theo Thủ tướng Nga Medvedev, Nga là một quốc gia vừa ở Châu Âu, vừa thuộc Châu Á. Và vì vậy, Nga sẽ làm tất cả mọi việc có thể để củng cố vị trí của mình ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, mà cụ thể là phát huy hợp tác với Việt Nam.
Trong khi đó, tại phiên họp năm ngoái của Uỷ ban liên Chính phủ Nga - Việt về hợp tác kỹ thuật - quân sự, hai bên nhận định rằng, trong vòng 4 năm tới Việt Nam sẽ là đối tác chính của Nga tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực hợp tác quân sự - kỹ thuật.
Theo dự báo của Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới (TsAMTO) giai đoạn 2012 - 2015, Việt Nam có thể sẽ chiếm vị trí thứ ba sau Ấn Độ và Venezuela về hợp đồng vũ khí với Nga.
“Bằng các vũ khí Nga, Việt Nam củng cố lực lượng hải quân của mình - yếu tố hết sức quan trọng đối với đất nước hiện nay, trong bối cảnh tình hình bùng phát căng thẳng trên Biển Đông”, lãnh đạo TsAMTO Igor Korotchenko nhận định.
“Chỉ trong mấy năm gần đây, Việt Nam đã mua của Nga nhiều máy bay chiến đấu Su-30MK2, một số hệ thống tên lửa phòng không S-300, hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300 Bastion-P và tổ hợp tên lửa phòng không Igla”, ông Korotchenko nói.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua nhiều tàu tên lửa project 1241.8 có sức chiến đấu và khả năng tấn công mạnh. Đặc biệt, hợp đồng cung cấp 6 tàu ngầm Kilo 636 sẽ đưa Việt Nam lên vị thế một trong những thủ lĩnh khu vực sở hữu thế mạnh của lực lượng tàu ngầm.
Việt Nam hiện cũng cần hiện đại hóa hệ thống phòng không, mà như thế có nghĩa là phía trước còn những hợp đồng nhắm tới cung cấp những tổ hợp tên lửa phòng không S-300 và các chiến đấu cơ của Nga.
Lãnh đạo TsAMTO đánh giá: "Việt Nam sẽ trở thành đối tác ổn định và hàng đầu của Nga ở Đông Nam Á”.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Lao động