Theo báo cáo được Thượng nghị sĩ Dominique de Legge trình bày tại phiên họp trên, chỉ có 1/3 số trực thăng đủ điều kiện cất cánh. “Trong tổng số 467 máy bay phục vụ cho lực lượng trên mặt đất, trên biển và trên không, có 300 chiếc (tương đương 2/3) không thể hoạt động được do chúng đang nằm trong các xưởng để đại tu. Việc đại tu kéo dài là do thiếu phụ tùng, nhiều phụ tùng thay thế không có sẵn, hoặc trực thăng đang trong quá trình bảo trì, nâng cấp…”, báo cáo cho hay.
Điều đáng nói là, trong khi nhiều máy bay không hoạt động được thì kinh phí cho việc duy trì điều kiện hoạt động (MCO) vẫn tiếp tục tăng, cụ thể đã tăng hơn 56% trong những năm 2009-2017. Chi phí bảo trì cho phi đội tăng lên 645 triệu euro, chiếm 1,5% ngân sách quốc phòng. Báo cáo của Thượng nghị sĩ Dominique de Legge cũng chỉ trích việc nhiều máy bay đã cũ vẫn được đưa vào biên chế, ví dụ như trực thăng Puma của lực lượng bộ binh đã có tuổi đời 43 năm, hay trực thăng Alouette III của lực lượng hải quân đã sử dụng được 45 năm.
|
Tigre là một trong số loại trực thăng tấn công của Bộ Quân đội Pháp phải nằm xưởng nhiều nhất. Ảnh: challenges.fr |
Thực tế trên đã gây lo ngại cho giới quân sự Pháp bởi trực thăng có vai trò quan trọng trong việc triển khai nhiệm vụ. "Trực thăng như “người gác cổng” cho an ninh quốc gia. Nó có thể tham gia các hoạt động quan sát, tấn công, đến để hỗ trợ quân đội trên mặt đất ... Nếu không có trực thăng, quân đội không thể làm được điều gì lớn hơn”, ông Dominique de Legge giải thích. Theo thượng nghị sĩ này, việc thiếu các thiết bị thay thế đã ngăn cản trực thăng thực hiện thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của mình.
Bản báo cáo trên nêu bật những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trực thăng “nằm yên” trong các xưởng sửa chữa. Đó là do thời gian gần đây Quân đội Pháp tham gia các hoạt động quân sự ở nước ngoài nhiều, cụ thể là ở Syria, Mali, Trung Phi…; phi đội trực thăng không đồng nhất, việc duy trì điều kiện hoạt động (MCO) phức tạp và không hiệu quả... Thêm vào đó, các binh chủng sở hữu cùng lúc nhiều phi đội riêng biệt (Gazelle, Fennec, Puma, Caracal, Tiger, Alouette III, Pedro Panther, EC225 ...). Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng-cả tư nhân và nhà nước-đều thiếu sự phối hợp, cung cấp chất lượng không bảo đảm cũng là nguyên nhân khiến phần lớn trực thăng nằm đắp chiếu trong các xưởng sửa chữa.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Quân đội Florence Parly đã đưa ra một kế hoạch hiện đại hóa MCO hàng không bằng cách đưa MCO nằm dưới sự giám sát trực tiếp của Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Pháp. Bộ trưởng Bộ Quân đội Florence Parly cũng ưu tiên một số biện pháp nhằm khắc phục tình trạng trên, trong đó tập trung vào việc tăng trách nhiệm đối với các tập đoàn công nghiệp quốc phòng thông qua các hợp đồng dài hơn và mở rộng đến phạm vi hoạt động của một phi đội; đưa trực thăng tấn công hạng nhẹ (Hélicoptère Interarmées Léger-HIL) vào sử dụng. Loại trực thăng này sẽ dần thay thế cho 6 phi đội hiện nay... Tuy nhiên, do những ràng buộc về ngân sách, nên cuộc chiến bảo dưỡng trực thăng của quân đội Pháp cho đến nay chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Nhằm gỡ bỏ những vướng mắc trên, ngày 13-7 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố Luật về chi tiêu quân sự giai đoạn 2019-2025, theo đó Paris sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP trong 7 năm tới.
Trong hơn một thập niên qua, quân đội Pháp vẫn liên tục bị cắt giảm ngân sách, chỉ đến sau loạt khủng bố 2015 mới bắt đầu tăng trở lại. Ngân sách quốc phòng của Pháp trong năm 2018 là 34,2 tỷ euro, sẽ tăng đều đặn mỗi năm 1,7 tỷ euro cho đến 2022 và sau đó tăng mỗi năm 3 tỷ euro kể từ năm 2023. Dự luật về chi tiêu quân sự cũng dự kiến tạo thêm 6.000 việc làm cho nhân viên dân sự lẫn quân sự từ đây đến năm 2025, đặc biệt là nhằm tăng cường lực lượng tình báo và lực lượng tác chiến không gian mạng. Theo lời tổng thống Emmanuel Macron, mức tăng ngân sách quốc phòng nói trên sẽ được ưu tiên dành cho việc cải thiện cuộc sống thường ngày của khoảng 20.000 quân nhân và hiện đại hóa các thiết bị quân sự mà phần lớn nay đã rất cũ.
Theo Phương Linh/Quân đội Nhân dân