Ấn Độ - Nhật Bản tập trận chống "mối đe dọa chung" từ Trung Quốc

Google News

Các nhà phân tích nhận định rằng cuộc tập trận chung giữa hải quân Ấn Độ và Nhật Bản tại Ấn Độ Dương trong tháng 6 này cho thấy hai nước đang ngày càng xích lại gần nhau hơn trước “mối đe dọa chung” từ Trung Quốc.

An Do - Nhat Ban tap tran chong
Ấn Độ và Nhật Bản đã tập trận hải quân chung tại Ấn Độ Dương. Ảnh: SCMP 

Tập trận chung giữa Nhật Bản và Ấn Độ không thường xuyên và động thái mới nhất này lại xảy ra ở thời điểm cả 2 nước đều có phát sinh các căng thẳng với Trung Quốc.

Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 15/6 đã đụng độ ở biên giới khiến 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong. Trong khi đó, Nhật Bản và Trung Quốc vừa “khẩu chiến” về động thái của Tokyo đổi tên đơn vị hành chính quản lý quần đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đổ trách nhiệm cho nhau trong vụ xung đột ngày 15/6 nói trên. Phía Trung Quốc chưa công bố thương vong của lực lượng quân đội nước này.

Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Sun Weidong cho rằng quân đội Ấn Độ phải chịu trách nhiệm vì đã vượt Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) chia cắt biên giới hai nước. Đổi lại, Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Vikram Misri cảnh báo về hậu quả đối với quan hệ ngoại giao 2 nước bởi Trung Quốc cố gắng “thay đổi hiện trạng trên thực địa bằng giải pháp quân sự”.

Về tranh cãi liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi động thái của Nhật Bản là “khiêu khích chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kano phản hồi rằng Tokyo sẽ theo dõi sát ý định của Bắc Kinh.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết cuộc tập trận hải quân Ấn Độ - Nhật Bản là dấu hiệu mới nhất cho thấy đối đầu địa chính trị đang “nóng lên” ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Chỉ tính riêng trong tháng 6, Mỹ đã tiến hành 3 cuộc tập trận tại Biển Philippines và Biển Đông. Trong 2 cuộc tập trận, có sự tham gia của tàu sân bay USS Nimitz, USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt. Cuộc tập trận thứ 3 được tổ chức chung với Lực lượng Phòng vệ trên Biển của Nhật Bản.

Trong thời điểm tranh cãi với Trung Quốc về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn thành lập một lực lượng mới để đẩy mạnh quan hệ hải quân với Mỹ, Ấn Độ, Australia và các quốc gia Nam Á.

An Do - Nhat Ban tap tran chong
Các nhà phân tích đánh giá hành động khiêu khích của Trung Quốc đã khiến Ấn Độ và Nhật Bản xích lại gần nhau. Ảnh: SCMP 

Các nhà phân tích đánh giá động thái của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Nam là nguyên nhân khiến Ấn Độ và Nhật Bản xích lại gần nhau.

Khi đến thăm Ấn Độ năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi thiết lập quan hệ hàng hải thân thiết hơn giữa hai quốc gia. Kể từ đó, Ấn Độ và Nhật Bản từng bước thắt chặt hơn hợp tác quân sự, tham gia vào các sự kiện chung như tập trận Dharma Guardian, tập trận trên không Shinyu Maitr và cuộc tập trận 3 bên với Mỹ có tên gọi Malabar.

Thủ tướng Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi thường gặp gỡ song phương, riêng năm 2019 đã có tới 3 lần. Hai quốc gia còn tổ chức hội nghị song phương hàng năm, điều hiếm thấy đối với Nhật Bản.

Cựu Đại sứ Ấn Độ Rajiv Bhatia cho biết cuộc tập trận hải quân là tín hiệu gửi tới Trung Quốc cho thấy ngoại giao là cần thiết. Ông Rajiv Bhatia nói: “Những cuộc tập trận trên thực tế là lời nhắc nhở với Trung Quốc rằng điều tốt nhất là theo đuổi các giải pháp ngoại giao”.

Một số nhà phân tích cho rằng những thay đổi mới còn là dấu hiệu của việc khôi phục Quad, nhóm quân sự chiến lược giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Trong hội nghị của Quad vào tháng 6, Ấn Độ và Australia đã ký Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần song phương, tạo điều kiện để quân đội 2 nước chia sẽ hỗ trợ hoạt động và căn cứ quân sự.

Đại sứ Bhatia cho biết việc Trung Quốc gia tăng khiêu khích chỉ khiến nhóm Quad có thêm sức mạnh. Ông Bhatia phân tích: “Tín hiệu khá rõ ràng, Trung Quốc càng gây rắc rối cho khu vực thì những nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là thành viên Quad, sẽ xích lại gần nhau hơn”.

Giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Chính sách tại New Delhi – ông Uday Bhaskar nhận định: “Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ trở thành địa điểm đối đầu chiến lược đối với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc trong thập niên tới. Hiện tại, Trung Quốc nhận ra điều này hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực”.

Theo Hà Linh/Báo Tin tức