Armenia tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí có bán kính hủy diệt lớn

Google News

Thư ký báo chí của Bộ Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan cho biết, các lực lượng vũ trang của Armenia đã sẵn sàng sử dụng vũ khí có bán kính hủy diệt lớn để đáp trả việc Azerbaijan sử dụng hệ thống súng phun lửa hạng nặng.

Theo bà Stepanyan, Azerbaijan sử dụng vũ khí cỡ nòng lớn, bao gồm cả hệ thống TOS-1A và hệ thống tên lửa bắn loạt BM-30 Smerch. Bà Stepanyan cho biết việc sử dụng chúng sẽ “thay đổi logic và phạm vi của các hành động thù địch”.
Armenia tuyen bo san sang su dung vu khi co ban kinh huy diet lon
Armenia tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí có bán kính hủy diệt lớn. (Ảnh: commons.wikimedia.org) 
“Về vấn đề này, Bộ Quốc phòng Armenia cảnh báo rằng Lực lượng vũ trang Armenia sẽ buộc phải sử dụng các loại vũ khí có bán kính hủy diệt lớn, có khả năng tiêu diệt binh lính, tài sản di động và cố định trong khu vực rộng lớn”, Interfax dẫn lời bà Stepanyan hôm 29/9.
Trước đó cùng ngày, các lực lượng vũ trang Azerbaijan đã nổ súng vào một đơn vị quân đội ở Vardenis (lãnh thổ của Armenia). Tuy nhiên, Baku nói rằng pháo kích vào khu vực Dashkesan (thuộc Azerbaijan) được tiến hành từ Vardenis. Trong khi đó, Yerevan cho biết, thông tin này được gọi là giả mạo, mà Azerbaijan cố tình nêu ra để biện minh cho cuộc tấn công.
Hôm 28/9, Baku báo cáo rằng 26 dân thường bị thương trong cuộc pháo kích do hậu quả của cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh. Văn phòng Tổng công tố Azerbaijan lưu ý rằng Armenia đã chọn các trung tâm khu vực và nông thôn, các cơ sở hạ tầng dân sự làm vỏ bọc.
Hôm 27/9, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết Lực lượng vũ trang Azerbaijan đã khởi xướng cuộc tấn công vào Nagorno-Karabakh. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố rằng Lực lượng vũ trang Armenia đã nổ súng vào các khu định cư trên đường liên lạc ở Karabakh.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo bắt đầu chiến dịch quân sự dọc theo toàn bộ đường liên lạc trong khu vực xung đột Karabakh. Theo Bộ này, một chiến dịch phản công đang được thực hiện nhằm đáp trả các hành động khiêu khích từ phía Armenia.
Chính phủ Armenia cho biết quân đội Azerbaijan đã tấn công bằng không quân và pháo binh vào khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, buộc nước này phải tuyên bố thiết quân luật và tổng động viên quân đội nhằm chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất. Tuy nhiên, phía Azerbaijan nói rằng họ đáp trả lại các cuộc pháo kích của Armenia.
Xung đột ở Karabakh bắt đầu vào tháng 2/1988, Armenia và Azerbaijan luôn trong tình trạng đối đầu về vùng biên giới Nagorno-Karabakh tranh chấp. Khu tự trị Nagorno-Karabakh đã tuyên bố tách khỏi Azerbaijan. Trong thời kỳ xung đột 1992-1994, Azerbaijan mất quyền kiểm soát đối với Nagorno-Karabakh và 7 vùng lân cận.
Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã cố gắng làm trung gian hòa giải xung đột, thành lập Nhóm OSCE Minsk với các nhà ngoại giao từ Pháp, Nga và Mỹ để có được một lệnh ngừng bắn. Hai bên đã ngồi vào đàm phán từ 1992 nhưng vẫn không đạt được tiến triển thực chất; mặc dù những năm qua không xảy ra xung đột quy mô lớn, nhưng các vụ đụng độ lẻ tẻ vẫn xảy ra.
Theo Thanh Bình/Vietnamnet