Ba Lan quyết chuyển sang sử dụng vũ khí chuẩn NATO

Google News

Trước bối cảnh an ninh khu vực diễn biến phức tạp, Ba Lan dự kiến sẽ tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng để "thay máu" trang bị trong lực lượng vũ trang.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ba Lan, Bộ trưởng Quốc phòng nước này ông Mariusz Blaszczak cho biết, Warsaw đang có kế hoạch mua một số lượng lớn xe tăng chủ lực và tiêm kích hạng nhẹ từ Hàn Quốc để thay thế cho dàn vũ khí Liên Xô đang phục vụ trong quân đội nước mình.
Tờ Defense24 Portal cho biết, loại xe tăng được ông Mariusz Blaszczak nhắc tới trong cuộc phỏng vấn này rất có thể là K2 Black Panther - loại xe tăng chủ lực hiện đại nhất đang được Hàn Quốc xuất khẩu. Trong khi đó, tiêm kích hạng nhẹ có thể là loại FA-50, cũng đang là mặt hàng được Seoul chào bán khắp thế giới.
Ba Lan quyet chuyen sang su dung vu khi chuan NATO
 Máy bay tiêm kích hạng nhẹ FA-50 do Hàn Quốc thiết kế.
Nguồn tin từ tờ Defense24 cho biết, Ba Lan có thể mua tới 180 xe tăng chủ lực K2 Black Panther. Trong khi đó, số lượng tiêm kích FA-50 có thể được nước này đặt mua lên tới 48 chiếc.
Thậm chí, nhiều nguồn tin còn khẳng định rằng, pháo tự hành K9 với cỡ nòng 155mm cũng đang được Ba Lan cân nhắc đặt mua.
Trong khi đó, tờ Defense News thông tin, lô hàng vũ khí Ba Lan có thể đặt mua từ Hàn Quốc trong thời gian tới, có thể trị giá tới 2,3 tỷ USD. Nếu hợp đồng này được ký kết, đây sẽ là đơn hàng xuất khẩu vũ khí lớn nhất mà Hàn Quốc từng có được. Chưa kể tới việc, truyền thông Ba Lan còn cho rằng, Warsaw sẽ tăng thêm số lượng xe tăng, máy bay được nhập khẩu trong thời gian tới, để "thay máu" toàn bộ lực lượng chiến đấu hạng nặng trong biên chế.
Ba Lan quyet chuyen sang su dung vu khi chuan NATO-Hinh-2
 Pháo tự hành K9 từng được Hàn Quốc xuất khẩu tới nhiều quốc gia châu Âu.
Tạp chí Quốc phòng Ukraine cho biết, việc Ba Lan chấp nhận chi gấp đôi ngân sách quốc phòng trong các năm tới để thay toàn bộ đội xe tăng, máy bay chiến đấu và pháo tự hành trong biên chế, đến từ hoàn cảnh của Kiev khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine.
Cụ thể, việc sử dụng các loại vũ khí cũ theo tiêu chuẩn Liên Xô trong biên chế, sẽ khiến các quốc gia NATO và Mỹ, dù rất muốn nhưng cũng không thể viện trợ vũ khí được. Trong trường hợp của Ukraine, do sử dụng pháo tiêu chuẩn theo kiểu Liên Xô với cỡ nòng 152mm, nước này đã cạn kiệt đạn pháo và phải gấp rút chuyển sang sử dụng pháo cỡ nòng 155mm do Mỹ và Anh viện trợ.
Các loại vũ khí khác, ví dụ như xe tăng và máy bay chiến đấu, chắc chắn cũng sẽ không đạt tình trạng hoạt động tốt nhất, khi không nhận được viện trợ về linh kiện thay thế hoặc đạn dược theo đúng chuẩn.
Ba Lan, Ukraine và nhiều quốc gia khác thuộc Đông Âu, kể cả một vài nước thành viên NATO, từng là đồng minh thân cận với Liên Xô trong quá khứ, tới nay vẫn sử dụng rất nhiều loại vũ khí theo tiêu chuẩn Liên Xô cũ. Các loại vũ khí này có thể bao gồm xe tăng chủ lực, lựu pháo hạng nặng, pháo tự hành,... Phần lớn những vũ khí này đều trong tình trạng hoạt động tốt, tuy nhiên trong trường hợp xảy ra xung đột, sẽ rất khó để NATO và Mỹ cung cấp viện trợ quân sự.
Trần Trân