Bất ngờ trước lai lịch và nguồn gốc của lựu pháo

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù quân Hussite là những người đặt viên gạch đầu tiên, nhưng những mẫu lựu pháo hoàn chỉnh đầu tiên phải đến tận thế kỷ 17 mới được phát minh.

Tính năng của lựu pháo nằm giữa súng cối và súng thần công, ít nhất là trong lịch sử Cận đại, biểu hiện ở khả năng linh hoạt tương tự (hoặc hơn) súng cối nhưng cỡ nòng lớn hơn thần công. Chúng là vũ khí bắn gián tiếp, được thiết kế để bắn đạn pháo theo quỹ đạo cầu vồng vào những mục tiêu bị che khuất khỏi tầm nhìn.
Bắn yểm trợ
Nguồn gốc của lựu pháo (tiếng anh là Howitzer) có từ cuộc chiến tranh Hussite (1419-1434), khi quân Hussite triển khai Houfnice - loại súng thần công phòng vệ cỡ nòng trung bình đặt trên xe kéo tạo thành một lực lượng pháo đông đảo. Những khẩu pháo này có khả năng oanh tạc nặng nề lên hàng ngũ lớn của địch và trước đó chúng thường được sử dụng để bố phòng tại những vị trí yếu nhất trong hệ thống phòng ngự trong các doanh trại của quân Hussite. Thuật ngữ Houfnice lại được dịch sang tiếng Đức là Haubitze, tồi tiếp tục chuyển ngữ sang tiếng Anh là Howitzer.
 Hình ảnh một trong những khẩu lựu pháo đầu tiên trên thế giới. Nguồn: Pinterest.
Mặc dù quân Hussite là những người đặt viên gạch đầu tiên, nhưng lựu pháo đúng nghĩa lại phải chờ tới tận thế kỷ 17 mới được phát minh hoàn chỉnh, trong đó người Thụy Điển là những kẻ đi tiên phong. Lựu pháo ban đầu được thiết kế để công thành vì nó có khả năng bắn đạn vượt qua tường thành. Tuy vậy chúng sớm chứng minh tính hữu dụng của mình trong nhiều hoàn cảnh sử dụng khác nhau.
Với trọng lượng tương đối nhẹ và có càng xe kéo ngắn, lựu pháo có thể cơ động quanh chiến trường để yểm trợ các khu vực then chốt. Chẳng hạn, khẩu lựu pháo dưới sự chỉ huy của Marlborough vào đầu thế kỷ 18 có cỡ nòng lớn khoảng 20 - 25 cm nhưng chỉ cần 8 ngựa kéo, trong khi đó pháo dã chiến 6 pounds của Anh cần tới 13 ngựa kéo. Không giống nhiều mẫu pháo bắn trực tiếp, lựu pháo phần lớn bắn "đạn nổ", là những viên đạn rỗng nhồi đầy thuốc súng và có kíp. Mặc dù hiệu quả của loại đạn này khá thất thường và đôi khi chúng còn... bị xịt không nổ nhưng lựu pháo vẫn được coi là thứ vũ khí đi tiên phong trong thời đại của pháo đạn nổ.
Sử dụng đa dạng
Trong suốt thế kỷ 18, lựu pháo đã thiết lập vị trí vững chắc trong hàng ngũ pháo binh nhiều nước trên thế giới, rải rác từ khẩu 7 pounds gọn nhẹ tới những khẩu 24 pounds khổng lồ. Mang ra chiến trường nhiều loại lựu pháo với cỡ nòng khác nhau đem lại khả năng linh hoạt trong phòng thủ và tấn công. Ví dụ như vào năm 1812, quân Anh đã sử dụng tới ba loại lựu pháo có ba cỡ nòng khác nhau khi vây hãm Badajoz (Tây Ban Nha) lần hai. Mỗi cỡ nòng giải quyết được một khâu phòng vệ của đối phương, từ những đường hào tới các pháo đài.
  Một mẫu lựu pháo được sử dụng trong cuộc Nội chiến Mỹ. Nguồn ảnh: Chuba.
Cuộc cách mạng lựu pháo sau năm 1800 quá phức tạp nên khó có thể kể hết được, mỗi quốc gia có một kiểu phát triển riêng, mỗi kiểu phát triển sẽ tạo ra một kiểu dáng riêng. Điều này phụ thuộc vào trí tưởng tượng của các kỹ sư pháo binh trên khắp thế giới và phụ thuộc vào yêu cầu của quân đội, được xây dựng trên chiến thuật, chiến lược và nghệ thuật chiến tranh của từng nước. Đó là lý do tại sao lựu pháo ngày càng được đa dạng hóa, từ những khẩu sơn pháo hạng nhẹ có thể tháo nhỏ, dùng một con lừa để thồ ra chiến trường cho tới những khẩu đại pháo của Đức, phải đặt trên đường ray xe lửa để di chuyển trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất như khẩu Bertha cực đại với cỡ nòng 43,2 cm cần tới 200 pháo thủ và có tầm bắn 14,5 km.
 Khẩu lựu pháo to nhất Chiến tranh Thế giới thứ hai của Đức phải di chuyển trên đường ray tàu hỏa. Nguồn: WWII.
Từ nửa sau của thế kỷ 19, nòng súng có rãnh và những tiến bộ như cải tiến nhiên liệu, chống giật và nạp đạn ở đuôi nòng đã tạo ra lựu pháo - đại bác, một loại pháo có khả năng đảm nhận nhiệm vụ của cả pháo dã chiến lẫn pháo công thành.
Trong thế kỷ 20, lựu pháo - đại bác phát triển vững chắc và trở thành loại pháo thống trị trong các đơn vị pháo binh. Những phiên bản tự hành đã đem lại cho lựu pháo tính cơ động cao hơn trước.
Lựu pháo là trang bị không thể thiếu của mọi quân đội hiện đại. Nguồn: Chinamil.
Trong những trận đánh của thế kỷ 20, pháo nổi lên là cỗ máy giết người hàng loạt thực thụ, gây ra khoảng 70% số thương vong cho các bên tham chiến. Lựu pháo đóng vai trò chính trong chuyển biến này và chúng còn là một vũ khí được tôn sùng trong thời hiện đại.
Mời độc giả xem Video: Lính Mỹ vận hành khẩu lựu pháo 155 mm bắn đạn thật.
Tuấn Anh