Kỳ 5: Cái giá của kế hoạch di tản
Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, người Mỹ luôn luôn tuyên truyền các luận điệu sai trái bôi nhọ chiến sĩ cộng sản với dân miền Nam. Do vậy, trong kế hoạch di tản khỏi Sài Gòn, người Mỹ muốn đưa thêm cả những người Việt Nam đã cộng tác với họ về Mỹ. Nhưng kế hoạch di tản của họ có nhiều vướng mắc thông qua cái giá được đề xuất là 722 triệu USD.
Cái giá của 722 triệu USD
Ở thời điểm đầu tháng 4, Tướng Weyand và ê kíp của ông đến Palm Springs, bang California để tường trình với Tổng thống Ford và Henry Kissinger về cuộc khủng hoảng ở Đông Dương. Trước những đòi hỏi cấp bách của tình hình, nhất là khi các vị trí chiến lược của VNCH bị quân Giải phóng tấn công mãnh liệt, thì nhu cầu di tản người Việt Nam của Mỹ là cấp thiết và cần phải có sự đồng ý của VNCH. Nhưng trong tình trạng vũ khí, trang bị thiếu thốn, các đơn vị chủ lực, tinh nhuệ của Quân khu 1, Quân khu 2 Quân đội VNCH gần như bị xóa sổ thì rõ ràng là, muốn giữa được Sài Gòn thì cần phải “bơm tiền”. Ấy nhưng, việc này không hề đơn giản. Bởi trong lúc nhiều nhân vật chính trị ở Sài Gòn tìm mọi cách buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức, nhường chỗ cho một e kíp chính trị mới có khả năng lãnh đao VNCH thoát khỏi tình thế bế tắc từ sự đe dạo của quân giải phóng. Trong khi đó, người Mỹ lại không muốn Thiệu ra đi. CIA ở Sài Gòn và cả Henry Kissinger đề xuất với Tổng thống Ford giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng cách “bơm” cho Sài Gòn 722 triệu USD để đổi lấy việc được di tản người Việt.
|
Không ảnh phái bộ quân sự Mỹ DAO, với các điểm đánh dấu bãi đáp trực thăng di tản ngày 28/4/1975. |
Trong bản tường trình với Tổng thống Ford, Weyand và đồng nghiệp nêu tế nhị vấn đề di tản: "Một sự can thiệp ồ ạt của lực lượng Hoa Kỳ có không quân chiến thuật yểm hộ, rất cần để bảo đảm cho việc di tản 6.000 người Mỹ, hàng chục nghìn người Việt Nam và dân nước Việt Nam thứ ba, đối với những người này, chúng ta có một cái nợ phải trả”. Tuy nhiên, họ không đi đến mức yêu cầu một cuộc tản cư khẩn cấp cũng như không nói rằng việc giảm bớt sự có mặt của người Mỹ ở Sài Gòn sẽ được thực hiện song song với việc giúp đỡ tài chính. Họ chỉ nói đến việc tản cư như là một dự kiến, chỉ được tổ chức trong trường hợp quốc hội không cung cấp 722 triệu đô la.
Chính phủ chấp nhận ý kiến của họ. Có nghĩa là, những người Mỹ ở Việt Nam gần như trở thành những con tin chỉ được thả khi có đủ 722 triệu đô la. Kissinger tin rằng, viện trợ tối thiểu 722 triệu đô la là đủ để Nam Việt Nam chấp nhận việc tản cư người Mỹ, nên việc đó cần làm. Sau này, ông giải thích với quốc hội: "Mục tiêu của chúng tôi là thiết lập một thế quân sự ngang bằng, nếu việc đó thất bại và đi đến chỗ bi đát thì viện trợ 722 triệu đô la sẽ là phương tiện có hiệu quả làm cho Nam Việt Nam bằng lòng cho di tản người Mỹ và người Việt Nam mà chúng ta chịu trách nhiệm về tinh thần”.
Tiếng bom thúc đẩy di tản
Ngày 8/4, chiến tranh nổ ra bất ngờ chung quanh Sài Gòn. Quân Giải phóng bắn phá một huyện lỵ phía Nam Biên Hòa, đặc công tiến công trường sĩ quan phía Đông. Liên tiếp ba ngày liền, ở phía Bắc đồng bằng nhiều đơn vị thuộc ba sư đoàn Bắc Việt Nam đánh phá quốc lộ số 4 và cắt đường này một thời gian, ở cách Sài Gòn 25 kilômet về phía Nam. Trong thời điểm này, một máy bay F-5 (do phi công Nguyễn Thành Trung - người của ta cài vào trong hàng ngũ VNCH) đã cắt bom, đánh phá Dinh Độc Lập, biểu tượng của Sài Gòn.
Tất cả những sự kiện này khiến cho CIA và Nhà Trắng lo lắng và tìm cách thúc đẩy việc di tản. Càng ngày, Colby, Giám đốc CIA càng thêm nghi ngờ về sự sống còn của Sài Gòn. Ông ta đề nghị tản cư nhanh người Mỹ và người Việt Nam. Ông ta phản đối Martin quyết định chậm vấn đề tản cư kiều dân Mỹ. Schlesinger và chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân, tướng George Brown, tán thành việc tản cư nhanh. Kissinger phản đối quan điểm này và ủng hộ Martin và cho là chưa cần thiết phải tổ chức ngay cuộc tản cư. Kissinger lý luận, tản cư nhanh chỉ làm yếu thêm vị trí của Thiệu, giữa lúc có thêm viện trợ tài chính của Hoa Kỳ để cứu ông ta. Quan điềm của Kissinger cuối cùng đã thắng. Tuy nhiên, phải chuẩn bị một cuộc tản cư toàn bộ, nhưng cần chờ giải quyết tối hậu.
|
Trực thăng CH-53 của TQLC Mỹ ở bãi đáp đón người di tản LZ38. |
Theo dự định của CIA và Nhà Trắng, phải đến ngày 19/4, Đô đốc Gayler và đại sứ Martin sẽ làm xong kế hoạch tản cư, ngày mà quốc hội sẽ quyết định về viện trợ tài chính và về sử dụng lực lượng quân đội để bảo vệ cuộc tản cư theo đề nghị của tướng Weyand. Trong khi chờ đợi, Martin giảm nhanh số nhân viên để số kiều dân Mỹ chỉ còn 1.100 người. Con số này chỉ cần một phi đội nhỏ máy bay lên thẳng là có thể tản cư được nếu việc đó xảy ra. Chính quyền cũng cần giảm nhẹ điều kiện nhập cư để người Mỹ có thể đem theo vợ, con và cha mẹ là người Việt Nam. Nhưng Kissinger cho là nhất thiết phải cứu càng được nhiều người Việt Nam càng tốt, đó là danh dự và uy tín của Hoa Kỳ.
Ở Sài Gòn, Tướng Smith, tùy viên quân sự, được giao trách nhiệm xúc tiến việc chuẩn bị di tản cho sứ quán. Người Mỹ biến nóc nhà thành sân cho máy bay lên thẳng. Một đội tàu sẵn sàng đậu trong sân. Và Martin tiếp tục lo ngại rằng, những công việc ấy làm cho người Việt Nam hoảng sợ và làm mờ hình ảnh Hoa Kỳ. Trong khi đó, ở Manila (Philippine), đại sứ than phiền về số người di tản không hợp pháp quá đông đến căn cứ không quân Clark.
Trong thời điểm ấy, Tống thống Ford nói trước quốc hội phải giảm nhanh số dân Mỹ ở Sài Gòn và đề nghị được quyền sử dụng lực lượng vũ trang trong trường hợp tản cư ồ ạt. Ông ta đề nghị viện trợ tài chính thêm 722 triệu USD cho Nam Việt Nam. Ông ta giải thích: Số tiền này giúp cho Sài Gòn một dịp may để tự cứu và cho phép có thì giờ để đi đến một thỏa hiệp chính trị. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã không ủng hộ đề nghị của Tổng thống Ford về sử dụng lực lượng vũ trang trong tan cư. Nhiều người khác đồng ý dùng lực lượng vũ trang để bảo vệ người Mỹ, nhưng họ phản đối nếu lực lượng ấy tham gia vào việc tản cư người Việt Nam. Đến chiều 14/4, Đại sứ Martin gửi về Nhà Trắng một bức điện trong đó có thông tin về kế hoạch tản cư. Ông khẳng định, đã sẵn sàng tản cư hai trăm nghìn người bằng tàu biển, máy bay và đường bộ và ông giảm bớt những khó khăn của tình hình chung.
Đến ngày 15/4 mới có 1.500 người Mỹ đến được căn cứ không quân Clark nhờ quân đội chuyên chở từ Sài Gòn đến Philippine. Họ rất ít đi máy bay dân dụng. Những thể lệ hành chính kéo dài việc tản cư nhất là những điều hạn chế người Việt Nam nhập cư vào Hoa Kỳ. Người Mỹ đã lập nghiệp lâu ở Việt Nam không muốn đi nếu họ không được phép đưa vợ, những cô bạn nhỏ và con bất hợp pháp của họ về.
Chiều 14/4, sứ quán Mỹ được báo tin, cơ quan nhập cư Hoa Kỳ đã cho phép mọi người Việt Nam vào Mỹ nếu người ấy có uy tín, danh dự và được một người thân là người Mỹ ở Việt Nam bảo lãnh. Trong mấy giờ, Al Francis đã thuyết phục được Bộ trưởng nội vụ Sài Gòn giảm nhẹ điều kiện để di cư. Đáng lẽ phải có dấu xuất cảnh hay hộ chiếu, người Việt Nam chỉ cần chứng minh có một người Mỹ đỡ đầu là nhận được giấy phép ra đi. Chính chủ trương này đã dẫn đến những bi hài trong di tản diễn ra trước ngày 30/4.
Đại Dương