Đầu năm 1968, 31 lính biệt kích Triều Tiên vượt qua khu phi quân sự DMZ giữa 2 nước, bí mật tiến về Hàn Quốc. Mục tiêu của họ là Nhà Xanh, phủ Tổng thống Hàn Quốc. Cuộc đột kích không thành công, đánh dấu sự kiện tồi tệ nhất trong quan hệ giữa 2 hai miền kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc.
Đơn vị trong bóng tối
Theo New York Times, 3 tháng sau vụ đột kích bất thành vào Nhà Xanh, Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA) bí mật thành lập đơn vị đặc nhiệm mang mật danh 684, nhằm tấn công trả đũa vào Bình Nhưỡng. Đơn vị 684 gồm 31 thành viên, tương tự đơn vị 124 của Triều Tiên.
Các thành viên của đơn vị 684 được tuyển chọn từ những người không thuộc quân đội Hàn Quốc. Đơn vị được tổ chức huấn luyện bí mật tại đảo Silmido không có người ở, nằm cạnh đảo Muudio trên biển Hoàng Hải, cách sân bay quốc tế Incheon khoảng 5 km.
|
Một buổi huấn luyện trong băng giá của đặc nhiệm Hàn Quốc. Ảnh: Business Insider. |
Đơn vị 684 nằm dưới sự quản lý của Tập đoàn Không quân 2325, Không quân Hàn Quốc. Nhiệm vụ của đơn vị là bí mật xâm nhập vào Bình Nhưỡng để tiến hành hoạt động phá rối. Các thành viên trong đơn vị phải trải qua quá trình huấn luyện vô cùng khắc nghiệt. 7 trong số 31 thành viên tử nạn trong quá trình đào tạo.
Đến năm 1971, quan hệ 2 miền Triều Tiên được cải thiện, chính phủ Hàn Quốc đã từ bỏ ý định cho đơn vị đặc nhiệm 684 tiến hành hoạt động phá rối ở Triều Tiên. Các thành viên bị cô lập và không được phép rời khỏi đảo Silmido, bất mãn họ nổi dậy và rời khỏi đảo.
Họ bắt cóc một chiếc xe buýt và tiến về Thủ đô Seoul. Quân đội, cảnh sát Hàn Quốc bao vây chặn đứng mọi lối di chuyển của họ. 20 thành viên trên xe buýt đã tự sát bằng lựu đạn, 4 người sống sót bị bắt và kết án vào năm 1972.
Bí mật được hé lộ
Quân đội và chính phủ Hàn Quốc phủ nhận mọi thông tin về sự tồn tại của đơn vị 684 cho đến những năm 1990. Bí mật về đơn vị 684 được hé mở thông qua bộ phim Silmido phát hành vào năm 2003 do Hanmac Films sản xuất. Bộ phim gặt hái thành công vang dội và trở thành bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc bán được hơn 10 triệu vé tại các rạp chiếu phim.
Những tình tiết được đề cập trong bộ phim gây chấn động dự luận và giới chính trị Hàn Quốc. Trước sức ép từ dư luận sau khi bộ phim Silmido được công chiếu, tháng 2/2004, Bộ Quốc phòng đưa ra tuyên bố công khai đầu tiên về cuộc nổi dậy ở Silmido được đề cập trong bộ phim cùng tên. Cơ quan này nói rằng những người mất tích vào năm 1968 là một trong số những người được chọn cho nhiệm vụ bí mật ở đảo Silmido.
|
Một cảnh huấn luyện của đơn vị 684 được dựng lại trong bộ phim Silmido. Ảnh: Chụp màn hình Youtube. |
Tướng Nam Dae Yeon, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lúc đó cho biết, 31 người được tuyển chọn để thành lập đơn vị 684 ở đảo Silmido. 7 người chết trong quá trình huấn luyện, 20 người khác thiệt mạng trong cuộc nổi dậy vào năm 1971, 4 người sống sót bị xử tử vào năm 1972.
Tướng Nam cho biết thêm, tài liệu mô tả sứ mệnh của đơn vị 684 không còn nữa, nhưng chính phủ không phủ nhận rằng nhiệm vụ của họ là để ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung.
Jonathan Kim, 43 tuổi, giám đốc điều hành Hanmac Films nói với New York Times trong cuộc phỏng vấn vào năm 2004: “Khi lớn lên, chúng tôi được nói rằng, chúng tôi phải hy sinh nhiều cho đất nước, không chỉ về thể chất, mà còn trong lĩnh vực nhân quyền”.
Ông Kim cho biết thêm, bộ phim được sản xuất dựa trên một số bài báo, cuốn sách viết về cuộc nổi dậy ở Silmido. Yang Dong Su, 54 tuổi, một trong 6 lính canh sống sót trong cuộc nổi dậy ở Silmido thừa nhận sự tồn tại của đơn vị 684.
Theo Koreajoongangdaily, năm 2009 thân nhân những người thiệt mạng trong cuộc nổi dậy ở Silmido kiện chính phủ Hàn Quốc yêu cầu bồi thường 670 triệu Won (599.000 USD theo tỷ giá hiện tại) cho cái chết và quá trình huấn luyện khắc nghiệt ở Silmido.
Năm 2010, Tòa án tối cao Seoul ra phán quyết yêu cầu chính phủ Hàn Quốc bồi thường 253 triệu Won ( tương đương 226.275 USD) cho thân nhân những người bị thiệt mạng trong sự kiện Silmido. Sau thành công của bộ phim và sự thừa nhận của chính phủ, đảo Silmido trở thành điểm tham quan thu hút rất đông người dân Hàn Quốc.
Quốc Minh