Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Tổng thống Biden từng nhiều lần tuyên bố Mỹ và các đồng minh khác trong NATO sẽ không cung cấp cho Ukraine một số loại vũ khí nhất định vì lo ngại căng thẳng leo thang sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO, thậm chí dẫn tới chiến tranh hạt nhân. Nhưng hết lần này đến lần khác, ông Biden đã thay đổi quyết định, đồng ý gửi cho Ukraine các loại vũ khí ngày càng nguy hiểm hơn.
Nhiều nhà lập pháp Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ Roger Wicker thuộc đảng Cộng hòa đã chỉ trích cách tiếp cận của ông Biden trong việc trang bị vũ khí cho Ukraine, cho rằng cách tiếp cận “nhỏ giọt” này đã gây tổn hại đến uy tín của Mỹ, làm “tốn thời gian quý báu” của Kiev. “Chiến lược trên đã khiến xung đột Nga-Ukraine kéo dài, làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ”, ông Roger Wicker nói.
Giải thích về sự dao động trong chính sách viện trợ quân sự của chính quyền Biden, ông Thomas Spoehr, Giám đốc Trung tâm Quốc phòng của Quỹ Di sản cho rằng, điều này xuất phát từ sự lo lắng quá mức về những gì Nga có thể làm trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt của họ tại Ukraine.
Dưới đây là danh sách những phương tiện và vũ khí khiến chính quyền Tổng thống Joe Biden tự vượt qua “lằn ranh đỏ” mà chính họ đặt ra, để chuyển giao cho Ukraine.
Máy bay chiến đấu
Vào ngày 8/3/2022, Mỹ đã từ chối đề xuất của Ba Lan – một nước thành viên trong NATO về việc chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 tới căn cứ không quân của Mỹ ở Đức để Washington có thể đưa các máy bay này cho Ukraine. Lầu Năm Góc cho rằng, việc đưa máy bay chiến đấu từ lãnh thổ NATO vào khu vực chiến sự “gây lo ngại nghiêm trọng cho toàn bộ liên minh”.
Nhưng sau đó Tổng thống Biden cho biết, ông ủng hộ việc thành lập một liên minh quốc tế huấn luyện phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu phương Tây, dọn đường cho máy bay phương Tây chiếm lĩnh bầu trời Ukraine. Mỹ đã cho phép các đồng minh cung cấp cho Ukraien máy bay chiến đấu tiên tiến, trong đó có cả chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất. Một quan chức của Lầu Năm Góc nói rằng, sẽ mất từ 18 đến 24 tháng để huấn luyện các phi công Ukraine sử dụng tiêm kích F-16.
Hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thông báo sẽ chuyển 14 chiếc máy bay MiG-29 cho Ukraine, và nói rằng Warsaw có thể chuyển toàn bộ loại tiêm kích này cho Kiev trong tương lai. Vẫn chưa rõ, việc chuyển giao tiêm kích MiG-29 của Ba Lan cho Ukraine sẽ tạo ra sự thay đổi gì đối với cục diện xung đột nếu Tổng thống Biden thông qua quyết định này vào tháng 3/2022, nhưng theo giới phân tích, Ukraine có thể đã chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chiến trên không với Nga nếu tiếp nhận những máy bay này sớm.
Hệ thống phòng không Patriot
Ngày 10/3/2022, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ không gửi hệ thống phòng không Patriot đến Ukraine. Ở thời điểm đó, Defense One dẫn lời một quan chức quốc phòng cho biết: “Không có bất cứ cuộc thảo luận nào về việc đặt một khẩu đội Patriot ở Ukraine. Để vận hành hệ thống này cần phải có sự tham gia của quân đội Mỹ vì đây là loại vũ khí mà binh sỹ Ukraine không thông thạo. Nhưng chúng tôi đã nói rất rõ rằng, Mỹ sẽ không điều quân tham chiến ở Ukraine”.
Đến tháng 12/2022, Tổng thống Biden chính thức công bố sẽ gửi gói viện trợ quân sự trị giá 1,8 tỷ USD cho Kiev. Đáng chú ý, gói viện trợ này sẽ bao gồm một khẩu đội tên lửa phòng không Patriot với khá năng đánh chặn các loại tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và máy bay ở độ cao lớn hơn so với các hệ thống phòng không được cung cấp trước đây. Ngoài ra, Mỹ cũng huấn luyện các binh sĩ Ukraine sử dụng và bảo dưỡng hệ thống phòng không Patriot tại căn cứ Fort Still ở bang Oklahoma của nước này.
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS)
“Chúng tôi sẽ không gửi cho Ukraine các hệ thống tên lửa có thể giúp nước này tấn công vào lãnh thổ Nga”, Tổng thống Biden cho biết vào ngày 30/5, sau khi một đài truyền hình của Nga cảnh báo việc cung cấp cho Ukraine hệ thống pháo phản lực phóng loạt sẽ là hành động vượt qua “ranh giới đỏ”. Tuy nhiên, một ngày sau đó, các quan chức Mỹ xác nhận nước này sẽ gửi Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS) cho Ukraine.
Xe tăng
Giai đoạn đầu năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin được cho là đã loại trừ việc gửi xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ tới Ukraine. “Chúng ta không nên cung cấp cho Ukraine những hệ thống mà họ không thể sửa chữa, không thể bảo trì và về lâu dài không đủ kinh phí duy trì. Điều này không hữu ích”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl cho biết.
Nhưng 11 tháng sau, chính quyền Biden đã nhất trí gửi 31 xe tăng M1A1 Abrams cho Ukraine. Mới đây hôm 7/8, Giám đốc chương trình mua sắm của Lục quân Mỹ Doug Bush thông báo, lô xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams đầu tiên mà Mỹ cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine đang trên lộ trình chuyển giao, dự kiến sẽ đến Ukraine vào đầu mùa thu. Theo ông Doug Bush, đợt chuyển giao lần này không chỉ có các xe tăng mà có cả một gói thiết bị hoàn chỉnh cần thiết để hỗ trợ và bảo trì chúng.
Bom, đạn chùm
Vào tháng 12/2022, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố, nước này sẽ không cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine. “Theo chính sách của chúng tôi, chúng tôi lo ngại về việc sử dụng các loại vũ khí này”, ông Kirby nói.
Nhưng chính sách này đã thay đổi vào ngày 7/7 khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định cung cấp hàng nghìn quả bom chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới trị giá tới 800 triệu USD. Động thái này diễn ra hơn một tháng sau khi Ukraine phát động cuộc phản công lớn mà truyền thông phương Tây kỳ vọng tạo ra “những đột phá quan trọng”. Ukraine được cho là đã sử dụng bom chùm tấn công các cứ điểm của Nga ở khu vực Donetsk, miền Đông.
Đánh giá về loại vũ khí này, ông John Kirby cho biết: “Họ đang sử dụng chúng một cách hiệu quả và chúng thực sự có tác động đến các tuyến phòng thủ cũng như hoạt động phòng thủ của Nga".
Theo Hồng Anh/VOV.VN