Cách Nga và Ukraine dùng chiến lược quấy phá hậu cần

Google News

Cả Nga và Ukraine hiện đều chấp nhận rằng họ không thể đạt được đột phá lớn trên thực địa. Thay vào đó, họ đang tập trung vào chiến lược làm gián đoạn nguồn cung hậu cần của đối phương.

Quy mô hạn chế của chiến dịch phản công và các mục tiêu của Ukraine ở phía Nam cũng như phản ứng từ phía Nga đã cho thấy hai bên chuẩn bị bước vào một mùa đông dài đầy khó khăn.
Trong khi một vài nhà quan sát dự báo Ukraine sẽ tiến hành một chiến dịch phản công lớn thì tốc độ tiến công của Ukraine hiện nay không nhanh hơn là bao so với việc Nga tăng cường kiểm soát khu vực phía Đông Donbass.
Tình hình chiến dịch của Nga và Ukraine khác nhau tới nỗi những gì được coi là thất bại ở Donbass có thể là thành công ở Kherson, Jack Watling, học giả nghiên cứu cấp cao về chiến tranh tại Viện Các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh nhận định.
Cuộc phản công của Ukraine được tiến hành ở mức độ nhỏ hơn nhiều và chậm hơn nhiều so với dự đoán để tránh thương vong và tránh lãng phí đạn dược.
Cach Nga va Ukraine dung chien luoc quay pha hau can
Một đơn vị pháo binh Ukraine. Ảnh: New York Times
"Ukraine không vội. Ý định của họ rõ ràng là gây khó dễ cho Nga trong việc duy trì các vị trí mà Moscow đang kiểm soát", ông Watling bình luận.
Chiến lược khiến đối phương không còn sức chiến đấu
Cả Nga và Ukraine hiện đều chấp nhận rằng họ không thể đạt được đột phá lớn trên thực địa. Thay vào đó, họ đang tập trung vào chiến lược làm gián đoạn nguồn cung hậu cần của đối phương tới mức mà các lực lượng này không còn các phương tiện chiến đấu nữa.
Điều đó tức là Ukraine sẽ tiếp tục sử dụng hệ thống pháo phản lực HIMARS do Mỹ cung cấp để ngăn chặn các nguồn tiếp tế đạn dược của Nga. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng việc làm giảm các lực lượng của Nga ở Kherson - nơi mà họ dễ bị tấn công nhất, sẽ phụ thuộc vào việc phá hủy các cây cầu quan trọng bằng qua sông Dnipro trong tuyến chi viện vũ khí và hậu cần của Nga.
Ukraine hiện đang cần thể hiện rằng họ đã đạt được tiến triển giữa bối cảnh tâm lý mệt mỏi vì chiến tranh ở Mỹ và châu Âu gia tăng do sức ép từ công chúng trước những hệ quả kinh tế mà cuộc chiến gây ra.
Với Nga, một số nhà quan sát phương Tây cho rằng, mục tiêu của Nga là khai thác sự bất đồng giữa các quốc gia hỗ trợ vũ khí và tài chính cho Ukraine để khiến cho Kiev không thể tiếp tục chiến đấu nữa. Điện Kremlin đã nhiều lần khẳng định, tổn thất kinh tế mà EU phải đối mặt sẽ làm xói mòn sự ủng hộ chính trị cho Ukraine khi tình trạng suy thoái ở châu Âu trở nên tồi tệ hơn và chi phí sinh hoạt của người dân tăng cao.
Ngày 2/9, Nga đã dừng cung cấp khí tự nhiên cho Đức qua Dòng chảy phương Bắc 1, đồng thời yêu cầu các nước châu Âu từ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow để việc cung cấp qua đường ống này được khôi phục. Động thái trên của Nga đã khiến giá năng lượng tăng vọt.
Theo nhà quan sát Watling, chiến lược của Nga là tiếp tục tăng cường lực lượng cho tới khi Ukraine mất đi sự ủng hộ chiến lược từ châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, chiến lược của Ukraine là khiến lực lượng của Nga suy giảm tới mức không thể chiến đấu nữa.
Xung đột ở Ukraine rơi vào thế bí
Dù vậy, một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiến dịch quân sự đặc biệt mà Tổng thống Putin phát động vào cuối tháng 2 hiện đang rơi vào thế bí và tình trạng này có nguy cơ khiến lợi thế nghiêng về Ukraine khi Kiev tăng cường lực lượng dự bị cũng như các vũ khí hiện đại.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh đã miêu tả cuộc phản công ở Kherson của Ukraine gần đây đã "thực sự làm giảm khả năng hậu cần của Nga ở phía Nam Ukraine".
Tuy nhiên, hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy các quan chức Ukraine tự tin giành chiến thắng, mặc dù các lãnh đạo nước này khẳng định, Ukraine hy vọng sẽ đẩy lùi quân đội Nga khỏi lãnh thổ, trong đó có cả Crimea. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg TV ngày 5/9, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal bình luận, Kiev nhận thấy thời gian đang đứng về phía Nga và Tổng thống Putin sẵn sàng kéo dài cuộc xung đột. Ông Denys Shmyhal cũng cho rằng Ukraine cần "chấm dứt cuộc chiến này sớm nhất có thể".
Cuộc phản công ở Kherson hạn chế về quy mô bởi các chỉ huy Ukraine hiểu rõ họ không có đủ lực lượng để tạo nên đột phá, ông Watling đánh giá. Dưới sức ép từ các nhà lãnh đạo chính trị về việc cần tạo ra tiến triển, điều này đang tạo nên một tình thế cân bằng khó khăn cho Kiev.
"Những chuyến vận chuyển vũ khí của phương Tây cho Ukraine đã thúc đẩy tiềm năng của nước này nhưng điều đó không mang đến lợi thế quyết định", ông Igor Korotchenko, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí Quốc tế có trụ sở tại Moscow cho hay. Ông cũng cho rằng các lực lượng Ukraine đang chịu thương vong lớn ở Kherson.
"Ukraine có thể làm chậm bước tiến của chúng tôi nhưng không thể thực hiện điều đó lâu dài".
Trong khi đó, ông Daniel Fried, cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định việc Nga "sử dụng năng lượng để tống tiền Đức và các nước EU khác nhằm buộc họ phải chấm dứt sự ủng hộ cho Ukraine là dấu hiệu của sự tuyệt vọng thay vì là biểu hiện của sức mạnh", đồng thời khẳng định: "Tôi không nghĩ Tổng thống Putin sẽ thành công".
Theo Kiều Anh/VOV