|
Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Mỹ. Nguồn Không quân Mỹ. |
Những trở ngại khi Ukraine sở hữu F-16
Theo CNN, máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon là chủ đề yêu cầu viện trợ của Ukraine với Mỹ và phương Tây. Kiev nhất quyết yêu cầu có được loại chiến đấu cơ này, để giảm ưu thế trên không của Nga. Theo lãnh đạo Kiev, F-16 sẽ giúp nhiều cho họ trong cuộc phản công sắp tới.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, Washington phản đối việc viện trợ máy bay F-16 cho Ukraine với lý do lo sợ “xung đột leo thang”. Tuy nhiên, có thể lý do chính đến từ các nhà chuyên môn khi cho rằng, F-16 sẽ không hữu dụng đối với Không quân Ukraine.
Mong muốn của Kiev để có được những chiếc F-16 đã làm dấy lên sự nghi ngờ. Những câu hỏi đang được đặt ra, liệu có phải Kiev đang cố gắng “mua miễn phí” những chiếc F-16 cho lực lượng không quân của họ, sau khi xung đột kết thúc? Có rất nhiều logic trong tuyên bố này, dựa trên khả năng hoạt động tiềm năng của F-16.
Hàng chục chuyên gia tác chiến đường không cho rằng, Ukraine không cần F-16, lý do là loại máy bay này sẽ không thể mang lại lợi thế mong muốn cho Kiev; ngược lại nó có thể làm họ thất vọng. Và thất bại này sẽ không phải do tính năng kỹ chiến thuật của máy bay, mà là do hoàn cảnh.
|
Máy bay chiến đấu MiG-29 của Không quân Ukraine bị Nga bắn hạ. Nguồn SBU
|
Những trở ngại thông thường đối với F-16 nếu nó tham dự vào cuộc xung đột ở Ukraine. Đầu tiên, F-16 không thể cất cánh từ đường băng ngắn; trong khi đó, các đường băng của các sân bay quân sự Ukraine được thiết kế theo kiểu Liên Xô.
MiG-29 và Su-27 là máy bay của Liên Xô chứ không phải của phương Tây và những máy bay này không chỉ có thể cất cánh từ đường băng ngắn, mà còn có thể cất cánh từ đường băng dã chiến; nhưng F-16 không thể làm điều đó.
|
Một máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Sigapore được ô tô di chuyển trên đường. Nguồn RSAF
|
Thứ hai, F-16 phải được bảo dưỡng tại các hăng-ga chuyên dụng và Nga sẽ không “để yên” cho Ukraine xây dựng đường băng và hăng-ga chuyên dụng nhằm phục vụ F-16.
Thứ ba, F-16 là một máy bay chiến đấu có kích thước tương đối lớn, nên không thể che giấu dễ dàng. Ukraine không thể làm sân bay dã chiến bằng đất nện, hay bố trí đường băng trong rừng, hay cất hạ cánh trên những đường cao tốc được thiết kế lưỡng dụng.
Và việc Ukraine sở hữu F-16, sẽ khiến tình báo mặt đất, trên không của Nga lùng sục theo đúng nghĩa đen. Do vậy người Ukraine không thể cơ động F-16 như những bệ phóng tên lửa HIMARS nhận được của Mỹ, để tổ chức tấn công bất ngờ.
Giờ đây là một điều quan trọng, đó là máy bay F-16 phải cất cánh từ một đường băng bằng phẳng theo đúng tiêu chuẩn Mỹ; nhưng hiện tại không có đường băng nào của Ukraine đáp ứng tiêu chuẩn cho F-16 cất cánh. Và Ukraine sẽ rất khó xây dựng được những đường băng này, nếu chừng nào xung đột còn tiếp diễn.
Nếu bạn để ý dưới mũi F-16 có một cửa hút gió rất lớn và nó có thể hút mọi thứ trên đường băng và trên đường bay của F-16. Điều này có nghĩa là sự cố động cơ thường xuyên đến mức, chiếc máy bay này có thể không bao giờ cất cánh được nếu đường băng của nó không đúng chuẩn.
|
Một thợ kỹ thuật đang chui trong cửa hút gió của máy bay F-16 để thực hiện công tác bảo dưỡng. Nguồn Không quân Mỹ.
|
Thực tế chiếc F-16 “mong manh” đến mức đường băng, kho chứa nhiên liệu và căn cứ không quân cần có sự chuẩn bị đặc biệt. Đây là lời của một chuyên gia cho rằng Ukraine không thể sở hữu F-16 - Justin Bronk, một nhà phân tích chiến tranh trên không, tại Viện nghiên cứu Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI).
Hiện tại, Nga không ném bom các sân bay Ukraine, vì đây là hành động không cần thiết, khi lực lượng không quân Ukraine không phải là một nhân tố gây nguy hiểm trong cuộc chiến. Nhưng nếu Ukraine nhận được máy bay chiến đấu phương Tây, không quân Nga rất có thể sẽ tập trung phá hủy sân bay của Ukraine để “trừ hậu họa”. Tọa độ của những đường băng và sân bay quân sự của Ukraine, Nga nắm rõ trong lòng bàn tay.
|
Một đài chỉ huy không lưu của sân bay quân sự Ukraine bị tên lửa Nga phá hủy. Nguồn SBU. |
Trong trường hợp khi biết được sân bay bố trí F-16 của Ukraine, Không quân Nga chỉ cần phá hủy đường băng là đủ. Thậm chí Nga không cần phải nhắm vào máy bay trên đường băng, hoặc tòa nhà kiểm soát không lưu; mà chỉ cần phá hủy đường băng, là F-16 đành chịu trận nằm im tại chỗ.
Một cuộc không kích của Nga với một cặp Su-30/Su-35 và MiG-31, phóng bom nửa tấn hoặc một tấn tên lửa không đối đất hạng nặng vào đường băng, sẽ gây ra rất nhiều hậu quả và việc khắc phục phải trong ít nhất vài tuần.
|
Hai chiếc chiến cơ F-16C của không quân Mỹ bị hư hỏng vì gió bão. Nguồn Pinterest
|
Những khó khăn với thiết bị hạ cánh của F-16
Đường băng bẩn không chỉ là vấn đề đối với cửa hút khí của F-16. Chuyên gia Bronk còn cho biết, khung gầm của F-16 trong những điều kiện như vậy, trở nên “tương đối nhẹ”.
Theo Bronk, tiêm kích Mỹ được thiết kế để có tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng tương đối tốt; điều này vừa có lợi nhưng vừa có hại. Lợi là nó không tăng thêm trọng lượng cho máy bay hơn mức cần thiết; hại là do “quá nhẹ”, F-16 sẽ “bồng bềnh” khi cất và hạ cánh, nên đường băng cất cánh phải phẳng theo đúng tiêu chuẩn.
Bronk cho rằng, về thiết kế máy bay chiến đấu của Mỹ vốn luôn khác biệt với thiết kế của Nga. Máy bay MiG và Su của Nga được thiết kế để hoạt động trên “các sân bay dã chiến”, trong khi máy bay Mỹ “hạ cánh trên đường băng tiêu chuẩn”.
Do vậy F-16 không phải là loại chiến đấu cơ phù hợp với Ukraine, và nếu Washington quyết định viện trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine, thì loại chiến đấu cơ phù hợp hơn, chính là Saab JAS 39 Gripen của Thụy Điển.
|
Chiến đấu cơ Saab JAS 39 Gripen của Thụy Điển. Nguồn Wikipedia |
|
JAS 39 có thể cất cảnh từ đường băng ngắn, cất cánh từ đường cao tốc, cất cánh từ sân bay dã chiến; không cần kho chứa nhiên liệu chuyên dụng, triển khai nhanh vài ngày một lần; tất cả đều có tính năng và hiệu suất vượt trội F-16.
Nhưng vấn đề quan trọng với Ukraine là chiến đấu cơ JAS 39 là của Thụy Điển và không hề phổ biến ở châu Âu, điều này khiến việc nhận được viện trợ JAS 39 đã khó, duy trì hoạt động của chúng còn khó hơn vì kho phụ tùng thay thế là rất hạ chế.
Tiến Minh