|
Tàu USS Bonhomme Richard xảy ra hỏa hoạn khi đang neo đậu tại căn cứ hải quân San Diego (bang California) để tiến hành bảo trì định kỳ. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Theo trang mạng Defense News, Hải quân Mỹ đã ký kết một hợp đồng nâng cấp phương tiện chiến đấu trị giá 219 triệu USD với công ty đóng tàu General Dynamics trong năm 2018. Bonhomme Richard là một trong 4 tàu đổ bộ cỡ lớn được đưa vào danh sách tu tạo và nâng cấp. Đầu năm nay, Hải quân Mỹ thông báo USS Boxer là tàu thứ 5 tham gia hợp đồng.
Các chuyên gia nhận định thiệt hại trong sự cố cháy tàu Bonhomme Richard, dù là toàn bộ hay chỉ là phần sửa chữa thêm, đều như một đòn giáng mạnh xuống kế hoạch triển khai tiêm kích tàng hình F-35B của Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương.
Đội hình triển khai của Hải quân Mỹ thông thường phụ thuộc vào một tàu chủ chốt hiện diện thường trực tại các khu vực trọng yếu, như vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương hay Trung Đông. Để hoàn thành mô hình triển khai, Hải quân Mỹ cần số lượng tàu nhất định nhằm đảm bảo luôn có một tàu chủ chốt, bao gồm một tàu được đặt trong trạng thái sẵn sàng để điều động khi có trường hợp khẩn cấp, một tàu trong quá tình bảo trì và một tàu dự bị. Nói một cách khác, mô hình triển khai lý tưởng mà Hải quân Mỹ yêu cầu là có ít nhất 4 tàu tại khu vực, trong đó có một tàu luôn trong tư thế sẵn sàng.
“Đây là một vấn đề lớn khi F-35B là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 duy nhất được triển khai của Hải quân Mỹ. Chúng tôi luôn muốn triển khai các tàu. Trong 10 tàu tấn công đổ bộ chỉ có 5 tàu có khả năng mang theo F-35B. Chính vì vậy, thiệt hại về tàu Bonhomme Richard sẽ tác động lớn đến khả năng triển khai đội hình của F-35B”, Bryan Clark – sĩ quan nghỉ hưu từng làm việc trong tàu ngầm và hiện là nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Hudson – nhận định.
|
Tàu đổ bộ tấn công Bonhomme Richard được dự đoán không có khả năng phục hồi sau vụ cháy. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Trong khi đó, Jerry Hendrix – một cựu chỉ huy Hải quân Mỹ – lại cho rằng vị thế của lực lượng này tại Thái Bình Dương sẽ gặp thách thức khi tàu Bonhomme Richard không còn nằm trong đội hình.
“Bonhomme Richard đã đến được chặng đường gần như cuối cùng trong giai đoạn 2 năm được nâng cấp để có khả năng vận hành F-35B. Con tàu này cũng còn trên 8 năm tuổi thọ nữa và cũng từng là một phương tiện chủ chốt trong kế hoạch triển khai hoạt động trên Thái Bình Dương từ 8 đến 10 năm tới. Rõ ràng chúng ta không thể chỉ vẫy đôi đũa thần kỳ và có ngay một chiếc tàu khác thay thế”, nhà phân tích Hendrix chỉ ra.
Hiện vụ nổ và hỏa hoạn trên tàu chiến Bonhomme Richard đã bước sang ngày thứ 3. Cho đến nay, ngọn lửa vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn. Theo Chuẩn Đô đốc Phillip Sobeck, ngọn lửa lan tới sàn giếng, cấu trúc thượng tầng và không gian sinh hoạt của thủy thủ. Nhiệt độ đo được trong khoang tàu vào ngày 13/10 đã đạt mức 538 độ C – vượt ngưỡng thép mất sức mạnh cấu trúc đáng kể.
|
Tiêm kích tàng hình F-35B chuẩn bị hạ cánh trên một tàu đổ bộ tấn công. Ảnh: Marine Corps |
Sáng 11/7, trên tàu USS Bonhomme Richard đã xảy ra nổ và hỏa hoạn khi đang neo đậu tại căn cứ hải quân San Diego (bang California) để tiến hành bảo trì định kỳ. Đám cháy sau đó đã nhanh chóng lan ra nhiều khu vực khác của tàu. Khi xảy ra vụ việc, trên tàu có khoảng 160 thành viên thủy thủ đoàn.
Ít nhất 59 người, trong đó có 36 thủy thủ, đã được đưa đến bệnh viện do tình trạng kiệt sức do nhiệt, ngạt khói và các chấn thương nhỏ. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây nổ và hỏa hoạn.
Tàu USS Bonhomme Richard là tàu đổ bộ tấn công, chuyên triển khai và hỗ trợ cơ động các thành phần của lực lượng đổ bộ hải quân. Tàu này đã được biên chế cho căn cứ hải quân San Diego vào năm 2018, sau 6 năm đồn trú tại Nhật Bản.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức