Quân đội Nga đang hiện đại hóa và cải cách toàn diện. Trong bối cảnh đó, việc thay thế dần chế độ nghĩa vụ kém hiệu quả trong quân đội Nga bằng chế độ tình nguyện đã được đặt ra và thu hút sự thảo luận sôi nổi trong ngành quốc phòng nước này. Và hiện nay quân đội Nga đang điều chỉnh theo hướng tăng tỷ lệ quân nhân hợp đồng hay còn gọi là “quân nhân chuyên nghiệp”.
Chấp nhận tuyển lính hợp đồng
Nga đang từng bước đạt được mục tiêu tạo ra tính sẵn sàng chiến đấu thường trực cho các đơn vị quân sự. Tuy nhiên, việc duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu thường trực thì chưa thể giải quyết hoàn toàn ngay được do cho tới năm 2020, lực lượng vũ trang Nga vẫn có tới 65% quân nhân là lính nghĩa vụ. Sau khi phục vụ trong quân ngũ một thời gian, những người lính nghĩa vụ này sẽ giải ngũ (và được thay thế bằng các tân binh) khiến tính gắn bó trong đơn vị bị suy giảm.
|
Binh sĩ lục quân Nga. Ảnh: Sputnik. |
Theo một cuộc điều tra vào năm 2014, có tới 48% số người Nga được hỏi tin rằng chế độ quân dịch là phương thức chính cung cấp nhân lực cho quân đội, trong khi chỉ có 40% số người được hỏi cho rằng các binh sĩ quân nhân hợp đồng chuyên nghiệp nên đảm nhiệm vị trí này.
Vào tháng 11/2003, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một gói luật sửa đổi để tạo nền tảng pháp lý cho các công dân trong khối SNG (Cộng đồng Các Quốc gia Độc lập) phục vụ trong quân đội Nga trên cơ sở hợp đồng. Cơ hội việc làm này dành cho các nam giới độ tuổi từ 18-30 ở các nước SNG, bắt đầu từ ngày 1/1/20104, khi quân đội Nga chuyển từ thử nghiệm việc tuyển quân hợp đồng ở sư đoàn đổ bộ đường không số 76 sang tuyển lính hợp đồng trên quy mô lớn.
Hồi năm 2006, Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi ấy là Sergei Ivanov đã thúc đẩy các chuyển đổi đáng kể trong Bộ Quốc phòng Nga. Dưới sự lãnh đạo của Ivanov, Bộ Quốc phòng Nga công bố rằng các đơn vị sẵn sàng chiến đấu thường trực sẽ sử dụng phương thức tuyển binh dựa trên chế độ hợp đồng, còn thời hạn nghĩa vụ quân sự giảm xuống còn 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2008.
Khi thời hạn thực thi nghĩa vụ quân sự giảm xuống còn một năm thì lại nảy sinh nhu cầu phải tăng gấp đôi số tân binh. Bộ trưởng Ivanov hứa hẹn với công chúng là sẽ ngừng đưa quân nghĩa vụ tới các điểm nóng (và vì thế mà các đơn vị sẵn sàng chiến đấu thường trực gồm toàn nhân sự hợp đồng).
Một dự án đã được triển khai, tạo ra một hệ thống mới một cách căn bản giúp Bộ Quốc phòng Nga cung cấp chỗ ở cho nhân viên quân sự: dựa trên tiền thế chấp.
Theo Tướng Konstantinov - Cục trưởng Cục Động viên Bộ Quốc phòng Nga, một nửa nhân sự quân đội nên là lính nghĩa vụ.
Vị tướng này cho biết thêm: “Thách thức thực sự nằm ở chỗ, phải tạo ra các điều kiện công tác có sức cạnh tranh trên thị trường lao động. Cho tới nay (thời điểm 2007), vẫn chưa có các điều kiện đó. Chỉ có 14-15% số lính tình nguyện là có nguyện vọng kéo dài hợp đồng lần đầu của mình”.
Năm 2006, 47.000 nam giới tình nguyện đã được tuyển vào quân đội Nga và cùng từng ấy số người được cho ra quân. Số người trong lực lượng chiến đấu trực tiếp là khoảng 197.000 người.
Giảm tỷ lệ sĩ quan, nâng tỷ lệ quân nhân hợp đồng
Vào ngày 18/10/2008, Tổng tham mưu trưởng Nikolay Makarov cho biết, trong khuôn khổ một kế hoạch hiện đại hóa, quân số của quân đội Nga sẽ giảm từ 1,13 triệu xuống thành 1 triệu người.
Khi ấy, ông Makarov nói rằng: “Chúng tôi hy vong vào giai đoạn 2012-2014, bằng việc tăng lượng cho quân nhân hợp đồng lên 100% hoặc 200%, chúng tôi có thể thu hút thêm nhiều lính hợp đồng”.
Vẫn vào thời điểm 2008, ông Makarov cho hay: “Hiện tại, 80% nhân lực quân đội Nga là sĩ quan và hạ sĩ quan”. Makarov vạch ra 5 điểm lớn trong cuộc cải cách quốc phòng: Quân đội sẽ chỉ còn 1 triệu người, tỷ lệ sĩ quan không quá 15% (tức là con số cụ thể chỉ còn là 150.000 sĩ quan), tất cả các đơn vị sẽ được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu thường trực, trợ cấp cho sĩ quan sẽ tăng lên, các lối tư duy mới sẽ được đưa vào quân đội.
Vào ngày 4/4/2011, Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev nói rằng trong vòng 10-15 năm tiếp theo, quân đội Nga sẽ tiếp tục sử dụng cả lính nghĩa vụ và lính hợp đồng. Nga đang trong quá trình cải cách các lực lượng vũ trang theo hướng chuyển đổi từ lực lượng một lực lượng đông đảo gồm chủ yếu lính quân dịch sang thành một quân đội nhà nghề có quy mô nhỏ hơn. Thời hạn nghĩa vụ hiện nay là một năm, trong khi thời hạn hợp đồng làm lính ngắn nhất cũng là 3 năm.
Tổng thống Nga Medvedev khi đó nói rằng “chúng ta cần làm mọi thứ có thể sao cho chế độ hợp đồng trở nên hấp dẫn và có uy tín”.
Theo kế hoạch khi đó, quy mô quân đội Nga sẽ giảm xuống còn 1 triệu người vào năm 2016, với số lượng các nhóm như sau: 220.000 sĩ quan, 425,000 quân nhân hợp đồng và 300.000 quân nhân nghĩa vụ. Khi đó Bộ Quốc phòng Nga dự tính nâng lượng “quân nhân chuyên nghiệp” lên mức 450.000 người vào năm 2017.
Các binh sĩ hợp đồng sẽ được triển khai ở các đơn vị được giao nhiệm vụ duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu cao nhất và các quân-binh chủng sử dụng các công nghệ phức tạp và đắt tiền như là hải quân, lực lượng tên lửa chiến lược và lực lượng phòng thủ vũ trụ.
Vào ngày 9/11/2013, Bộ trưởng Quốc phòng khi ấy là Sergei Shoigu nói rằng một mục đích chính của cuộc cải cách quân sự ở Nga là để biến quân đội nước này thành một lực lượng có tính cơ động và tính chuyên nghiệp cao, có khả năng phản ứng nhanh và hiệu quả trước các đe dọa an ninh.
Trong mục tiêu đạt 425.000 lính hợp đồng/chuyên nghiệp vào năm 2017, Bộ Quốc phòng phấn đấu giữ lại được khoảng 50.000 nhân sự hợp đồng.
Bộ Quốc phòng Nga dự định sẽ có 500.000 quân nhân hợp đồng vào năm 2021.
Cân đối cả quân dịch và chuyên nghiệp do đặc thù nước Nga
Ngày 27/4/2007, vị tướng phụ trách về huy động nhân lực của quân đội Nga, nói rằng, chưa bao giờ có kế hoạch biến quân đội Nga thành lực lượng tình nguyện 100%. Tướng Vladimir Konstantinov, Cục trưởng Cục Động viên, nói: “Hiện chưa có kế hoạch nào như thế được đưa ra bàn cả. Lịch sử, kinh tế và địa lý của nhà nước chúng ta, với đường biên giới trên bộ rất dài, đồng nghĩa với việc Nga cần đến một lực lượng quân sự hỗn hợp”.
Vào thời điểm tháng 11/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cũng nói rằng Nga sẽ không bao giờ có một quân đội nhà nghề hoàn toàn vì rất khó duy trì một lực lượng như thế. Ông Shoigu giải thích: “Lãnh thổ nước ta quá lớn để có thể duy trì được một lực lượng chuyên nghiệp hoàn toàn, nhưng chúng ta có thể huy động các nguồn lực của chúng ta khi có mối đe dọa.”.
Đến tháng 3/2015, Cục trưởng Cục Động viên của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga tái khẳng định Nga sẽ không bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN