Theo báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi phí quân sự toàn cầu trong năm 2017 đã ở mức cao nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Ông Pieter Wezerman, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Chương trình Chuyển giao Vũ trang và Chi phí Quân sự của SIPRI đã đưa ra đánh giá về tình hình chi phi phí quân sự toàn cầu tăng khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Kersten Knipp thuộc kênh Phát thanh Quốc tế của Đức (DW).
Trong báo cáo về chi phí quân sự toàn thế giới năm 2017, SIPRI đã nhận định chi phí quân sự toàn thế giới tăng nhẹ. Theo báo cáo của SIPRI, toàn thế giới đã đầu tư 1,73 ngàn tỉ USD cho các mục đích quân sự, tăng trên 1,1% so với năm 2016. Sự tăng trưởng này là nhiều hay ít, thưa ông?
Nếu chúng ta xét về tính không chính xác của thống kê và thực tế là những con số này chưa bao giờ là đáng tin cậy hoàn toàn, chúng ta có thể nói có tăng ở mức tối thiểu. Rõ ràng rằng trên quy mô toàn cầu, chi phí quân sự ổn định ở mức cao. Ở cấp độ khu vực, chúng ta thấy có sự khác biệt đáng kể.
|
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư chi phí quân sự lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. |
Có phải như ví dụ chi phí quân sự của Trung Quốc đã tăng 5,6% lên 228 tỉ USD?
Đúng, song phù hợp với xu hướng tăng chi phí quân sự của nước này trong 20 năm qua. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng theo tốc độ tăng của tổng sản lượng quốc gia (GNP). Vì thế, đó không phải sự tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, Trung Quốc là nước đầu tư về chi phí quân sự lớn thứ hai trên thế giới, cho dù ít hơn hẳn so với nhà đầu tư lớn nhất là Mỹ song vẫn nhiều hơn so với các nước đứng kế tiếp trong danh sách.
Điều gì mách bảo chúng ta về những tham vọng chính trị của nước này?
Trung Quốc là một nước rất lớn với một nền kinh tế rất hoành tráng. Trung Quốc có những tham vọng lớn và điều này được phản ánh qua chi phí quân sự.
Ông có đề cập Mỹ cũng tăng chi phí quân sự. Đầu tư của Mỹ vào quân sự nhiều hơn tổng chi phí quân sự của 7 nước đứng kế tiếp trong danh sách. Điều này có nghĩa là gì?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt quyết tâm tăng ngân sách quân sự, mặc dù đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì có nhiều tiếng nói có thế lực tại Mỹ kêu gọi cắt giảm chi phí quốc phòng. Song tính đến thời điểm hiện tại, ông Trump vẫn chiếm ưu thế. Chúng ta có thể chứng kiến chi phí quân sự của Mỹ tiếp tục tăng trong nhưng năm tới.
Chi phí quân sự đặc biệt cao ở Trung Đông. Bảy trong mười nước có chi phí quân sự cao nhất nếu tính theo GNP đều nằm ở khu vực này. Đó là Oman, Saudi Arabia, Kuwait, Jordan, Israel và Lebanon. Ông đánh giá thế nào về những phát triển quân sự ở khu vực này?
Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab Thống Nhất và Qatar đã chuẩn bị sẵn sàng đầu tư một phần rất lớn GNP của mình vào ngân sách quân sự của mình. Ví dụ, đối với Saudi Arabia, con số là trên 10%. Đây là một minh chứng rất rõ ràng các nước này nhìn nhận vị thế của mình như thế nào trong khu vực.
Với Saudi Arabia, con số đầu tư chi phí quân sự còn phản ảnh phạm vi mà nước này đang theo dõi đối thủ của mình là Iran. Những cuộc chiến tranh tại Syria và Yemen cũng cho thấy những nước này không chỉ tăng chi phí quân sự mà còn sẵn sàng sử dụng chúng để trang bị đầy đủ khí tài.
Mặt khác, Iran đầu tư khá ít vào quân sự. Mặc dù, cục diện này hoàn toàn có thể thay đổi. Iran chắc chắn muốn tăng chi phí quân sự của mình song tình hình kinh tế của nước này không cho phép thực hiện điều này ở thời điểm hiện tại.
Lục địa châu Phi giảm chi phi quân sự đôi chút là 0,5%. Ông lý giải như thế nào về sự suy giảm này?
Có những lý do khác nhau. Ví dụ, Angola đã giảm chi phí quân sự là vì giá dầu suy yếu dĩ nhiên đã tác động đến nước này. Đây cũng là lý do đối với một số nước châu Phi khác vốn lệ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ.
Mặc dù vậy, ở một nước châu Phi khác, chi phí quân sự tăng, như Sudan. Xung đột giữa quân chính phủ và phiến quân ngày càng khốc liệt. Yếu tố này cũng tác động đáng kể đến chi phí quân sự của Angola và các nước khác. Mặc dù vậy, tình hình ở mỗi nước có sự khác biệt lớn.
Chi phí quân sự ở tăng 12% ở Trung Âu và 1,7% ở Tây Âu. Điều này có nói lên các nước này đang chịu sức ép đe doạ từ Nga?
Các nước châu Âu đang phản ứng đối với những diễn biến mà các nước này coi là mối đe doạ, trên hết là tình hình tại Ukraine. Trên thực tế, Nga đã tăng chi phí quân sự của mình đáng kể trong 10 năm qua. Kết quả là các nước châu Âu cũng buộc phải tăng chi phí quân sự của mình theo, như Ba Lan. NATO cũng đă tăng số quân hiện diện trong tại châu Âu.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng chi phí quân sự của Nga không tăng lần này mà so với năm 2016/17, chi phí quân sự của Nga thậm chí giảm. Cần phải lưu ý hơn đến những con số này khi người châu Ấu nói về tăng chi phí quốc phòng. Chúng ta thậm chí có thể tự hỏi mình liệu đây có phải là đúng thời điểm để chúng tạ cũng hạn chế chi phí quân sự của mình và thực hiện điều đó để chứng tỏ rằng chúng ta sẵn sàng giải quyết xung đột theo một cách khác.
Theo Xuân Hương/VOV.VN