Chiến trường Syria giúp xe tăng Nga "trưởng thành" ra sao?

Google News

(Kiến Thức) - Có lẽ hiếm có cuộc chiến nào giúp Quân đội Nga hoàn thiện hệ thống vũ khí lẫn tác chiến trên chiến trường hiện đại như ở Syria, kể cả đối với một thứ vũ khí lỗi thời như xe tăng cũng "trưởng thành" đáng kể.

Khi chiến trường không có lấy nổi một chiến tuyến giữa hai bên rõ ràng, việc ném các sư đoàn vào một cuộc chiến sẽ biến chiến trường hiện đại thành một “vũng bùn” theo đúng nghĩa. Điều này với mọi lực lượng là điều tối kỵ, đặc biệt với lực lượng tăng thiết giáp.

Các xe tăng hiện đại, dù phát triển đến mấy cũng luôn giữ nguyên những điểm yếu như trước kia, đó là giáp dưới gầm xe rất mỏng, giáp nóc xe cũng mỏng và giáp phía sau xe thậm chí còn mỏng hơn. Khi không xác định được chiến tuyến rõ ràng, xe tăng có thể bị tấn công từ mọi hướng, dẫn đến việc thiệt hại lớn dù trang bị tốt hơn hẳn.

Chien truong Syria giup xe tang Nga
 T-72B1 khai hoả trên trường bắn Pogonovo. Ảnh: Sputnik.

Để hợp thời và theo kịp với sự phát triển của các học thuyết, chiến thuật đời mới, Nga đã cho ra đời các loại xe tăng, thiết giáp cải tiến ví dụ như loại T-72B3 – một phiên bản nâng cấp từ xe tăng T-72 với pháo mới hoàn toàn cùng hệ thống kiểm soát hoả lực hiện đại và động cơ mạnh mẽ hơn.

Điều khó khăn nhất trong việc nâng cấp các xe tăng này đó là không những phải giúp chúng tác chiến được trong nhiều điều kiện khó khăn hơn mà còn là việc phải đảm bảo được tính chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết và địa hình vốn có của chiếc xe tăng. Ví dụ như với chiếc T-72B3, phải đảm bảo kíp chiến đấu và xe luôn có đủ khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết bất kể nóng 50 độ hay lạnh âm 30 độ và độ ẩm cao đến 100%. Trong trường hợp xe tăng hỏng, nó vẫn phải sửa chữa được ngay trên chiến trường như thường.

Khả năng cơ động của xe tăng

Không chỉ là khả năng di chuyển của xe tăng, độ cơ động của xe tăng còn là thuật ngữ ám chỉ khả năng khai hoả của xe tăng khi đang di chuyển nhận được mục tiêu mới có góc bắn ngược hoàn toàn với vị trí và góc nòng của xe.

Chien truong Syria giup xe tang Nga
 Kíp chiến đấu của xe tăng T-72 thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 2 Quân đội Syria trên chiến trường Katana, tỉnh Damascus. Ảnh: Sputnik.

Các xe tăng Nga từ thời T-62 đều được trang bị hệ thống nạp đạn tự động, điều này đồng nghĩa với việc mỗi một phát khai hoả của xe tăng sẽ có sự tham gia của hàng chục bộ phận cơ khí khác nhau. Chỉ cần một bộ phận chậm hơn hoặc gián đoạn, xe tăng sẽ khai hoả chậm hoặc thậm chí là "xịt" không nhả đạn.

Đây là điểm lợi thế hơn của các xe tăng Nga so với các xe tăng Mỹ. Tuy nhiên, hệ thống nạp đạn tự động lại khiến xe tăng Nga tốn thời gian bảo dưỡng hơn, tỷ lệ bị hỏng hóc lại cao hơn và khi hỏng sẽ khó sửa hơn trong khi đó, với xe tăng Mỹ thì việc thay người nạp đạn có thể diễn ra nhanh chóng và dễ dàng.

Hệ thống nạp đạn tự động trên các xe tăng hiện đại của Nga với cỡ nòng 125mm có thể khai hoả từ 8 tới 10 viên một phút tuỳ thuộc vào loại đạn mà nó sử dụng. Tuy nhiên, điều cần phải xét tới ở đây đó là thời gian mà chiếc xe tăng có thẻ duy trì được tốc độ khai hoả này.

Thử tưởng tượng một xe tăng Nga có thể khai hoả được 10 phát mỗi phút và liên tục duy trì tốc độ như vậy trong 10, thậm chí 15 phút mà không bị hỏng hóc, khi đó sức mạnh của chiếc xe tăng thậm chí sẽ biến thành sức mạnh pháo binh.

Trường đào tạo mang tên Syria

Một cuộc xung đột như ở Syria sẽ là cơ hội vàng cho mọi lực lượng quân sự trên thế giới đổ đến để được thực chiến trên chiến trường hoặc ít nhất là cung cấp vũ khí của mình cho các cánh quân để họ “thử” hộ trong điều kiện thực chiến. Chiến trường Syria cũng là nơi chứng minh rằng, vũ khí và trang bị hiện đại của thế kỷ 21 cũng vẫn là chưa đủ tinh quái để đối đầu với một đối thủ có lối đánh du kích cực kỳ khó chịu, Sputnik gọi lối đánh du kích này là lối đánh du kích hiện đại.

Lối đánh du kích hiện đại là lối đánh thay vì ở nguyên một chỗ và chờ kẻ địch lọt vào tầm ngắm, những kẻ khủng bố sẽ sử dụng tốc độ cao và khả năng cơ giới tốt bằng xe tải, xe hơi bọc thép tự chế, ào ạt tấn công một mục tiêu nào đó với tốc độ cực cao và biến mất trước khi đối phương kịp tổ chức lại đội hình để phản công.
Chien truong Syria giup xe tang Nga
 Xe tăng T-72B1 cơ động trên trường bắn Pogonovo. Ảnh: Sputnik.

Kiểu đánh du kích hiện đại này đã tỏ ra cực kỳ hiệu quả, thậm chí còn hiệu quả hơn khi được quân chính phủ của Syria áp dụng. Tại chiến trường này, không chỉ xe tăng, xe thiết giáp mà bất cứ loại phương tiện nào cũng có thể được triển khai với sức mạnh tốt nhất do địa hình bằng phẳng và trải rộng, xe tăng có thể di chuyển liên tục, dừng lại khai hoả và sau đó tiếp tục di chuyển để tránh bị phản pháo.

Cơ động kết hợp cùng hoả lực

Một chiến thuật tiếp theo được Sputnik nhắc đến là khả năng vừa bắn vừa cơ động cao của các xe tăng, điều này có nghĩa là mỗi xe tăng sẽ không chỉ có một mà hai hoặc thậm chí là nhiều hơn các công sự phòng thủ kiên cố, xe tăng sẽ di chuyển giữa các công sự này, dừng lại trong công sự và khai hoả trong giây lát trước khi “dạt” sang một công sự khác. Điều này khiến hoả lực chống tăng của đối phương không kịp thao tác để tấn công mục tiêu di chuyển liên tục.

Nhân tố con người vẫn là quyết định

Khi mà vũ khí gần như cân bằng nhau, nhân tố con người mới là yếu tố quyết định. Sự thành bại của mọi chiến thuật tác chiến bất kể là hiện đại hay cổ đại đều cần tới những cá nhân xuất sắc và những nhóm tổ chức có kỷ luật tốt.

Chien truong Syria giup xe tang Nga
Các kíp lái xe tăng ở Pogonovo. Ảnh: Sputnik.
Các chỉ huy của kíp lái xe tăng là những người hiểu điều này nhất. Mặc dù các loại xe tăng hiện đại ngày nay của Nga chỉ có kíp lái yêu cầu ba người, tuy nhiên các chỉ huy vẫn luôn tìm kiếm những “tổ tam” hợp nhau nhất. Việc một kíp lái có tình cảm với nhau và khả năng phối hợp tốt lúc nào cũng mang lại hiệu quả tốt hơn so với một kíp lái “cãi nhau như cơm bữa” và thậm chí tranh luận về quyết định của trưởng xe ngay khi quyết định đó kịp ban ra.

Trong nhiều trường hợp, việc trang bị hiện đại đến đâu thực chất lại không quan trọng bằng kỹ năng của người sử dụng. Thậm chí, trang bị hiện đại đến mấy cũng sẽ vô dụng nếu nó không phù hợp với… mục tiêu của mình. Đây là điều khiến những sĩ quan chỉ huy cấp cao phải “đau đầu” nhất khi bày binh bố trận trên những bản đồ rộng hàng chục mét vuông đầy ký tự lằng nhằng.

Mời độc giả xem Video: Xe tăng T-90 của Nga khai hoả pháo chính.



Tuấn Anh