Chuyện chưa kể về quả bom cấm địch ném xuống Xuân Lộc

Google News

Trước nguy cơ thất trận, Việt Nam Cộng Hòa đã ném xuống Xuân Lộc 2 quả bom khổng lồ mà thế giới đã cấm.

Đứng trước nguy cơ thất thủ Xuân Lộc, VNCH điên cuồng sử dụng hai quả bom khổng lồ CBU-55 vốn đã bị cấm trên thế giới:
Cựu binh Nguyễn Văn Thắng (Hồng Lĩnh, Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết, sau ngày 9/4/1975, Sư đoàn 341 phối hợp với Sư đoàn 6, Sư đoàn 7 đã tiến vào Xuân Lộc và giành được những thắng lợi nhất định. Đêm hôm đó, lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thả pháo sáng rực trời, tập trung quân số chuẩn bị một trận phản kích lớn đánh vào thị xã, chúng đưa máy bay trực thăng bắc loa dùng tâm lý chiến đe dọa các chiến sĩ quân Giải phóng, buộc phải nhanh chóng đầu hàng và rút lui khỏi thị xã.

Lính ngụy chưa kịp tấn công, thì 5h sáng ngày 10/4, pháo binh ta tiếp tục nã đạn liên hồi về phía trận địa VNCH. Đồng thời lúc đó, bộ binh Tiểu đoàn 9 xuất kích đánh chiếm được tòa thị chính Long Khánh, Tiểu đoàn 5 đánh qua sân bay Cáp Rang, cắt đứt con đường vận chuyển từ thị xã Xuân Lộc đến sân bay, Tiểu đoàn 7 tiến công đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn bảo an 243 và 267 của ngụy, cầm chân địch tại chỗ, và cho đến 18h cùng ngày đã làm chủ sở chỉ huy của 2 tiểu đoàn ấy.

Tiểu đoàn 9 khi làm chủ tòa thị chính Long Khánh, tiếp tục xuất kích đánh thẳng vào chiến đoàn 181 cùng mấy đơn vị của lính VNCH từ Túc Trưng kéo đến phản kích. Trong trận chiến chống phản kích đấy, riêng anh hùng Phạm Văn Lái 1 mình 1 mũi cùng 3 du kích khác đã tiêu diệt được tổng cộng 36 lính ngụy.

“Tiểu đoàn 9 phải giành giật với địch từng ngách phố, từng đoạn giao thông hào nhỏ, anh Lái dẫn thêm 2 chiến sỹ đi vòng bí mật thọc 1 mũi phía sau lưng địch. Bị đánh bất ngờ, địch bỏ chạy, Lái đuổi theo và thọc quá sâu vào chiến hào, trong lúc đó đơn vị của anh được lệnh chuyển hướng tiến công. Phạm Văn Lái chỉ còn một mình trơ trọi chiến đấu với khẩu AK.

Trời tối dần, đang củng cố vị trí chiến đấu thì có 3 bóng người xuất hiện sau mô đất, Lái nhận ra đó là du kích, liền hợp thành 1 tổ chiến đấu. Sau đó, một đại đội của địch mở đợt tiến công định chiếm lại đoạn hào đã mất. Lái nâng khẩu B40 của chiến sỹ du kích lao thẳng quả đạn vào giữa đội hình địch. Những tên còn sống sót xô nhau chạy tá hỏa. Lái nhảy lên công sự đuổi đánh thì bị mảnh đạn M79 cắm phập vào cánh tay trái. Đang băng bó vết thương thì lại có thêm tốp địch khác lò dò tiến vào, đợt phản kích của địch tiếp tục bị nhóm chiến sỹ đánh bật. Đến 11h cùng ngày, đơn vị đến ứng cứu cũng là lúc Phạm Văn Lái ngất đi. Anh được đưa về trạm phẫu của Trung đoàn”, cựu binh Nguyễn Văn Thắng kể lại.
Chuyen chua ke ve qua bom cam dich nem xuong Xuan Loc
 Đánh chiếm sân bay Xuân Lộc 4/1975. (Ảnh: Tư liệu) 
Trong ngày 11/4/1975, Quân đoàn 4 tiếp tục đưa bộ đội ra đánh chiếm sân bay Cáp Rang, phá hủy một loạt lô cốt và hầm chứa máy bay dã chiến ở đó. Điên tiết, tướng ngụy Lê Minh Đảo huy động toàn bộ Sư đoàn 18 VNCH ném xuống Xuân Lộc, hò hét tử chiến. Cũng trong thời gian đó, quân Giải phóng  được tăng cường thêm Trung đoàn 95, Sư 325 đánh từ Gia Tân, Gia Kiệm xuống. Chiến sự giằng co ở Xuân Lộc - Long Khánh trong ngày 11 diễn ra càng thêm ác liệt và đã gây tổn thất lớn cho cả 2 phía.

Ngày 12/4, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn quyết định tăng cường vũ khí và phương tiện chiến tranh cho Xuân Lộc, đổ thêm quân củng cố thế trận phòng thủ của ngụy ở thị xã. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng của quân VNCH gia tăng đột biến, chiếm 50% bộ binh, 60% pháo binh và hầu hết số lượng xe tăng thiết giáp của Quân đoàn 3 - Quân khu 3 và lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn.

Tương quan về quân số giữa ta và địch ở Xuân Lộc đã có thay đổi lớn, tiếp tục đẩy cuộc chiến vào tình thế hết sức cam go, ác liệt.

Theo lời các cựu binh Sư đoàn 341, VNCH dồn hết quân số cho chiến trường Xuân Lộc, thì phía sau đã ngay tức thì lộ ra khoảng trống mênh mông. Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ huy chiến dịch điện về Quân đoàn 4 xác định rằng, khi địch đã tập trung lực lượng vào đó thì chúng ta không nên đánh vào chỗ mạnh, mà phải giãn ra, bao vây ngăn chặn các con đường tiếp tế, cô lập lực lượng Xuân Lộc tại chỗ.

Cho đến 21h ngày 12/4/1975, Tiểu đoàn 7 là đơn vị cuối cùng rút ra khỏi thị xã. Tướng Lê Minh Đảo cho rằng sức mạnh và ý chí tiến công của "Việt Cộng" đã bị đè bẹp, sức chiến đấu của chúng đã được phục hồi. Niềm hy vọng vào khả năng giữ được chế độ lại chợt "lóe" lên trong tâm tưởng của giới cầm quyền chóp bu chính phủ và quân đội Sài Gòn, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu lập tức tuyên truyền rùm beng trước báo chí quốc tế về "chiến thắng Xuân Lộc".

Nhưng chỉ 2 ngày sau, ta lại tập kích mãnh liệt vào sân bay Biên Hòa. Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) được tăng cường chiếm giữ từ Túc Trưng cắt đường 20 giữa ngã 3 Dầu Giây với Túc Trưng, cô lập con đường từ phía tây xuống Xuân Lộc. Trung đoàn 266 đánh chặn quyết liệt trên hướng đường 1 về đến Trảng Bom.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn khẩn cấp đổ thêm quân quyết chiếm lại Dầu Giây, mở thông con đường tiếp tế cho Xuân Lộc. Khi chiến sự đang ở thế giằng co thì một cánh quân của Binh đoàn Hương Giang (Quân đoàn 2) đã giải phóng được tỉnh Phan Thiết, gây áp lực trực tiếp với toàn bộ quân địch còn lại ở miền Nam.

Chỉ trong phút chốc, lính ngụy ở Xuân Lộc lọt vào giữa gọng kìm thép, trong không ra được, trên không xuống được, ngoài cứu viện cũng không thể tiến vào nổi, ngày càng cạn kiệt về vũ khí, tiêu hao về binh lực.

Nhận thấy không còn khả năng phản kích, đêm 20 rạng sáng 21/4, tướng Lê Minh Đảo chửi bới loạn xạ, chửi cả cấp trên, cả tổng thống, rồi ra lệnh cho toàn quân cố thủ ở Xuân Lộc tùy nghi di tản. Trước khi rút, lính ngụy huy động pháo binh và súng đạn bắn loạn xạ đi khắp 4 phía cho đến lúc hết sạch đạn dược. Lợi dụng lúc trời mưa như trút nước, tranh nhau tháo bỏ vũ khí chạy trốn.

“Cánh cửa thép” phía đông Sài Gòn đã mở toang sau 12 ngày đêm chiến đấu gian khổ ác liệt. Nguy cơ sụp đổ hiển hiện trước mắt, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu ngay lập tức tuyên bố từ chức và sau đó trốn chạy ra nước ngoài. Mặt trận hướng đông được khai thông, các cánh quân rầm rập tiến về Sài Gòn với khí thế không gì lay chuyển nổi.

Theo lời các đồng đội Sư đoàn 341, một trong những sự kiện gây căm phẫn nhất chính là 2 quả bom CBU – 55 được quân VNCH ném xuống mặt trận Xuân Lộc, với mục tiêu hủy diệt bộ đội ta trong chiến dịch bóc gỡ “cánh cửa thép” phía đông Sài Gòn năm 1975.

“Bên mình thường gọi nó là bom ngạt. Nó được xem như là vũ khí phi hạt nhân khủng khiếp nhất, chỉ xếp sau bom hạt nhân về mức sát thương. Đó là tội ác chiến tranh”, cựu binh Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Bom CBU – 55 là loại bom chùm dùng để đánh vào các trận địa hỏa lực, khu bố trí lực lượng, khu dân cư nhằm sát thương sinh lực. Bom được thiết kế để thả từ máy bay cường kích A37, OV 10, vận tải cơ C 130. Nó khác với bom thông thường ở chỗ không tạo mảnh sát thương, cũng không tạo ra hố sâu, mà chỉ phá hủy hệ thống hô hấp và não bộ do phản ứng đốt cháy hoàn toàn oxy trong phạm vi sát thương, thường là trong bán kính tầm trăm mét. Trong vùng mục tiêu, khả năng sống sót sau khi một trái bom CBU – 55 nổ là hoàn toàn không có.
Chuyen chua ke ve qua bom cam dich nem xuong Xuan Loc-Hinh-2
  Bom CBU-55 trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP HCM. (Ảnh: Tư liệu)
“Việc sử dụng loại bom này đã bị cả thế giới ngăn cấm, thế nhưng trong những ngày cuối của trận Xuân Lộc, chúng đã thả tới 2 quả. Theo tôi được biết thì 1 quả thả xuống nhằm ngăn Trung đoàn 95B từ Túc Trưng đánh lên, 1 quả ném vào giữa khu vực Sư đoàn 341 và Sư đoàn 7 chỗ phía ngoài sân bay Cáp Rang.

Trong bản tin phát trên đài phát thanh của chế độ cũ, tướng Lê Minh Đảo huyênh hoang rằng đã ném trúng Sở chỉ huy Sư đoàn 341 và tiêu diệt gần như toàn bộ lực lượng chỉ huy ở đó, nhưng tôi là người trực tiếp ở sở chỉ huy mà chả thấy gì hết, chỉ nghe tiếng nổ bom đạn ầm ầm. Tôi vẫn nghĩ 1 phần do địch đang hoảng loạn vì sắp vỡ trận, 1 phần khác cũng sợ chết chùm cả quân mình, nên ném vu vơ chứ không hẳn chính xác vào những mục tiêu đã định trước. Dù sao, đây cũng là một hành vi đáng lên án”, ông Thắng khẳng định.

Sau khi Lê Minh Đảo tuyên bố dạy cho quân Giải phóng 1 đòn chí mạng với việc thả bom CBU – 55, thì ngay hôm sau, lính ngụy đã vỡ trận tìm mọi cách bỏ trốn về Sài Gòn.
Chuyen chua ke ve qua bom cam dich nem xuong Xuan Loc-Hinh-3
 Nhân dân Xuân Lộc đón chào Quân Giải phóng (21.4.1975)    (Ảnh: Tư liệu) 
Cuối ngày 20 và suốt ngày 21/4/1975, lính VNCH dùng pháo binh bắn tứ tán khắp nơi để nghi binh cho cuộc rút lui. 17 giờ, trời mưa tầm tã, phát hiện thấy quân địch đi lại nhiều, phán đoán chúng có thể rút khỏi thị xã theo hướng đường số 2 về Vạn Kiếp, Bà Rịa và sở cao su Ông Quế về Nước Trong hoặc Trảng Bom, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho các đơn vị tiến công và truy kích địch. Ở hướng Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 5 ( Sư đoàn 341), ta bắt sống được 700 tên, tịch thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh và phóng thích tại chỗ, trong đó có đại tá chỉ huy Tiểu khu Xuân Lộc - Long Khánh. Thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng, chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc.

Tướng Lê Minh Đảo cũng cải trang làm dân thường, đi trên 1 chiếc xe lam chạy về Sài Gòn. Trên chuyến xe đó cũng có 2 trinh sát của quân Giải phóng, nhưng họ không phát hiện ra được tên đầu lĩnh ngụy quân ở Xuân Lộc. 2 anh lính của ta động viên dân chúng trên xe cứ bình tĩnh, trở về với gia đình, tránh tên rơi đạn lạc. Đến chỗ ngã ba Tam Hiệp (Biên Hòa), 2 trinh sát nhảy xuống và trả tiền xe. Ông xe lam bảo không lấy, nhưng họ vẫn cứ nhất quyết bắt ông phải nhận.

Nhận ra quân Giải phóng và chứng kiến hành động của trinh sát mình từ lúc lên chuyến xe từ Xuân Lộc chạy về, Lê Minh Đảo lắc đầu ngán ngẩm: “Quân miền Bắc đánh thắng miền Nam cũng đúng thôi, trong khi miền Nam thì Mỹ bỏ rơi, lính VNCH thì mặc sức cướp bóc, vô kỷ luật, làm gì có chuyện kỷ luật nghiêm như họ. Nguyễn Văn Thiệu trước thì vơ vét, sau thấy không ổn liền trốn mất mặc kệ mọi người sống chết”. Về sau khi thống nhất đất nước, Lê Minh Đảo ra trình diện và đi cải tạo, các chiến sỹ Sư đoàn 341 cũng gặp lại người lái xe lam ở Xuân Lộc, câu chuyện mới được xác minh đúng sự thật.
Chuyen chua ke ve qua bom cam dich nem xuong Xuan Loc-Hinh-4
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trên đường Lê Văn Duyệt. (Ảnh: Tư liệu)
 
“Xuân Lộc thất thủ, cánh cửa sắt mở toang, chiến dịch Hồ Chí Minh lúc đó mới bắt đầu. Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ đột kích theo đường 1, và Sư đoàn 341 được vinh dự giao nhiệm vụ mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với việc tổ chức đánh vào sao huyệt địch ở Trảng Bom”, cựu binh Nguyễn Văn Thắng tự hào kể lại.

Đêm 26/4/1975, đơn vị nổ súng tấn công. Trận đánh này diễn ra nhanh gọn, phần vì lính VNCH quá hoang mang dao động trước việc chế độ sắp sụp đổ, phần khác Sư đoàn 341 được tổ chức với lực lượng áp đảo vượt trội, tinh thần được đẩy lên cao chất ngất trong khí thế hừng hực giải phóng hoàn toàn miền nam. 9 giờ cùng ngày, các chiến sỹ Giải phóng quân diệt luôn sư đoàn 18, tấn công khu vực Hố Nai, rồi lại chia 2 hướng. Một hướng phát triển về Xuân Hiệp tiến vào Sài Gòn theo quốc lộ 1, hướng thứ hai là Trung đoàn 273 đánh chiếm sân bay Biên Hòa, cùng với các đơn vị bạn vượt sông Đồng Nai tiến đánh chiếm Thủ Đức, Tổng nha cảnh sát, cảng Bạch Đằng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tổng cục xã hội, trường đua Phú Thọ, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đêm 30/4/1975, thống nhất đất nước, Sài Gòn rộn ràng, các chiến sỹ Sư đoàn 341 không ai ngủ nổi, dù đã trải qua những đêm thức trắng, một hành trình dài từ lúc bước vào trận chiến quy mô cấp sư đoàn đầu tiên ở Xuân Lộc cho đến lúc hoàn toàn giải phóng, ai cũng ứa nước mắt vì vui sướng.
Chuyen chua ke ve qua bom cam dich nem xuong Xuan Loc-Hinh-5
 Cựu binh Nguyễn Văn Thắng (áo xanh) cùng những đồng đội một thời chiến đấu ở Xuân Lộc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) 
42 năm rồi, ký ức trong lòng cựu binh Nguyễn Văn Thắng cùng các đồng đội, cứ như mới xảy ra ngày hôm qua. Có thể khẳng định, chiến dịch tiến công Xuân Lộc (từ 9 – 21/4/1975) thực sự là bước đà trực tiếp, hữu hiệu cho cánh quân hướng Đông nói riêng, cho Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26 – 30/4/1975), giải phóng Sài Gòn - Gia Định, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam nói chung.

“Chúng tôi là sư đoàn non trẻ nhất toàn quân, nhưng không có niềm vui nào hơn niềm vui chiến thắng, không có niềm tự hào nào hơn là được chiến đấu trong chiến dịch cuối cùng, trận đánh cuối cùng, vào sào huyệt cuối cùng của địch, và giành thắng lợi cuối cùng cho đất nước”, cựu binh Nguyễn Văn Thắng tiếp lời.
Theo VTC