Ngày 7/3/1960, tàu sân bay Mỹ USS Kearsarge (CV-33) khi di chuyển từ Nhật Bản về Mỹ đã vô tình cứu sống được những thuyền viên cuối cùng của một tàu đổ bộ Liên Xô – vốn bị trôi dạt trên biển suốt 49 ngày trong tình trạng không nước ngọt, không thức ăn. Đây đã trở thành một câu chuyện cổ tích trong thời Chiến tranh Lạnh và tốn không ít giấy mực của báo giới thời bấy giờ.
Theo đó vào tháng 1/1960, một tàu đổ bộ cơ giới của Liên Xô mang số hiệu T-36 ra khơi trong một nhiệm vụ ở khu vực gần đảo Iturup, thuộc phía Nam quần đảo Kurile của Liên Xô. Nhiệm vụ của T-36 lúc này là vận chuyển hàng từ một tàu vận tải bao gồm lương thực và đạn dược đang đỗ cách đảo khoảng 300 mét và mang số hàng hóa này trở về đảo do tàu vận tải không thể cập bến do có quá nhiều đá ngầm.
Đến ngày 17/1/1960, một cơn bão đã đổ bộ vào khu vực này và làm đứt neo tàu T-36 khiến nó tự trôi dạt ra ngoài khơi. Trên tàu khi đó có bốn thuỷ thủ bao gồm: Aaskhat Ziganshin, Philip Poplavsky, Anatoly Kryuchkovsky và Ivan Fedotov.
|
Tàu đổ bộ cơ giới tương tự như tàu T-36 trong vụ việc lạ thường năm 1960.
|
Trong vòng 10 tiếng đồng hồ sau khi bị đứt neo, các thuỷ thủ trên tàu T-36 đã tìm mọi cách để quay trở về bờ, kể cả việc cố đâm vào đá ngầm nhằm làm tàu mắc cạn trước khi bị cơn bão kéo ra xa bờ. Tuy nhiên những cơn sóng trong buổi tối ngày hôm đó cao tới gần 20 mét đã khiến mọi nỗ lực của họ là vô ích. Cũng trong cuộc vật lộn này, hệ thống điện đài trên tàu bị hỏng, bức điện cuối cùng mà tàu T-36 gửi về đất liền có nội dung: “Chúng tôi đang gặp thảm hoạ, không thể cho tàu vào bờ”.
Khoảng 22:00 cùng ngày, tàu T-36 hết nhiên liệu, thuỷ thủ đoàn bất lực trôi ra giữa đại dương rộng lớn cùng con tàu của mình. Đơn vị Hải quân Liên Xô trên bờ chứng kiến toàn bộ vụ việc ngay từ đầu, tuy nhiên không ai và không một tàu nào dám ra khơi để tiếp cận cứu hộ cho T-36. Quá trình cứu hộ chỉ được bắt đầu sau khi bão tan – nghĩa là vào sáng ngày hôm sau. Mặc dù vậy, quá trình tìm kiếm này lại chủ yếu tìm xác tàu T-36 chìm trong khu vực xung quanh, bản thân Hải quân Liên Xô không thể ngờ được rằng một chiếc tàu đổ bộ cơ giới nhỏ hết nhiên liệu lại sống sót được qua đêm bão đó mà không bị chìm.
Trong quá khứ, nhiều nguồn tin cho rằng cuộc tìm kiếm T-36 bị dừng do một cuộc thử nghiệm tên lửa bí mật đang diễn ra trong khu vực đó. Tuy nhiên những thông tin này sau đó đã được xác định là không chính xác, quân đội Liên Xô không có vụ thử tên lửa nào ở khu vực Kurile vào thời điểm đó.
Số phận của tàu đổ bộ T-36
Do lạc trúng vào một dòng hải lưu trôi về phía tây, cứ mỗi giờ chờ đợi, thuỷ thủ của tàu T-36 lại bị đưa đi ra xa bờ hơn về hướng Tây Nam. Chỉ sau vài ngày trôi theo hướng Tây Nam, họ lại bị… lạc tiếp vào dòng hải lưu nóng mang tên Kuroshio, đây là một dòng hai lưu chết chóc, có khả năng khiến họ bị trôi dạt với tốc độ khoảng 100 km mỗi ngày, cũng vì là một dòng hải lưu nóng và có tốc độ chảy quá nhanh nên dòng hải lưu này hoàn toàn không có cá bay bất cứ một sinh vật nào sinh sống.
Askhat Ziganshin sau này nhớ lại: “Chúng tôi không thể bắt được nổi một con cá dù là nhỏ nhất, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ đồ nghề bắt cá bằng những thứ tìm được trên tàu, tuy nhiên vùng biển chúng tôi đi qua lại không có bất cứ một sinh vật nào sinh sống, không có bất cứ thứ gì ngoài nước biển”.
Tới lúc này, tàu T-36 mới đi vào vùng biển Liên Xô dùng để thử tên lửa – có nghĩa là không một tàu hàng, tàu chiến hay thậm chí là… tàu ngầm của bất cứ quốc gia nào dám bén mảng vào đây vì nguy cơ đạn lạc. Cơ hội sống của thành viên thuỷ thủ trên tàu T-36 tụt xuống gần như bằng không.
|
Tàu sân bay USS Kearsarge. Ảnh: Warhistory.
|
Theo lời kể lại của những thuỷ thủ đoàn trên tàu T-36, sau khi lục lọi khắp tàu, họ kiếm được một bịch ngũ cốc, một ổ bánh mỳ, một ít khoai tây tuy nhiên số lương thực này lại bị dính đầy dầu diesel và không ăn được. Nước ngọt không có một chút nào, chỉ có nước làm mát của động cơ – có lẫn nhớt và gỉ sắt. Nguồn nước duy nhất mà họ có lúc này đó là nước mưa – tất nhiên là trong trường hợp trời có mưa.
Do nhiệt độ thấp, cả bốn thuỷ thủ trên tàu T-36 phải nằm co ro trên một chiếc giường đơn để sưởi ấm cho nhau. Tuy nhiên cả bốn người họ đều khẳng định, kỷ luật trên con tàu vẫn được duy trì ngay cả khi trên con tàu đi lạc chỉ còn bốn cái xác gầy gò vì đói khát.
Ngày 23/2, sau gần một tháng kể từ khi trôi dạt, thuỷ thủ đoàn thậm chí còn tổ chức lễ ăn mừng ngày kỷ niệm “Bảo vệ đất Mẹ” – một ngày truyền thống dưới thời Liên Xô. Tuy nhiên, lễ ăn mừng này không được trọn vẹn vì họ không có gì để ăn cả, cuối cùng, 4 thuỷ thủ đoàn trên tàu chia nhau một điếu thuốc lá để… ăn mừng ngày lễ này.
Cuộc giải cứu không ngờ
Ngày 7/3/1960 – ngày thứ 49 kể từ khi tàu T-36 bị trôi dạt, tàu sân bay Mỹ USS Kearsarge đã phát hiện ra họ khi hàng không mẫu hạm này đang trên đường rời Nhật Bản để trở về California.
Thủy thủ tàu T-36 - Ziganshin kể lại: “Khi đó chúng tôi đang nằm kiệt sức trong boong chỉ huy. Tôi nghe thấy tiếng còi tàu và bò ra ngoài quan sát, tôi đã giật mình khi thấy một chiếc trực thăng trên đầu chúng tôi. Khi đó, tôi quá kiệt sức và không hiểu điều gì đang xảy ra, khi những người Mỹ lên tàu, chúng tôi chỉ xin lương thực, nước uống, nhiên liệu và một tấm bản đồ để tự quay về nhà, tự về thay vì đi theo họ”.
Phía Mỹ ghi nhận lại, đã có hai lần họ cố gắng thuyết phục những thuỷ thủ Liên Xô quá yếu ớt này hãy lên tàu sân bay thay vì tự quay về nhà. Tuy nhiên những thuỷ thủ Liên Xô lại lo sợ họ sẽ bị khép vào tội phản quốc khi về nhà nếu đồng ý đi theo người Mỹ. Người Mỹ đã buộc phải “chơi khó” những thuỷ thủ này, họ quyết định bỏ đi.
|
Những thuỷ thủ Liên Xô được phía Mỹ cứu vớt sau 49 ngày lênh đênh trên biển. Ảnh: Warhistory.
|
Ngày hôm sau, khi tàu sân bay Mỹ quay trở lại, cả bốn thuỷ thủ Liên Xô đều đồng ý lên tàu ngay lập tức.
Khi lên tàu sân bay, bếp ăn đã chuẩn bị cho họ một bữa thực sự thịnh soạn. Tuy nhiên bốn thuỷ thủ cứng đầu này lại một lần nữa làm người Mỹ ngạc nhiên, họ ăn rất ít và giữ phép lịch sự đáng nể khi giao tiếp với những người đồng nghiệp Mỹ - dù rằng lúc này bộ dạng của họ không thể thê thảm hơn được nữa. Thuyền trưởng của tàu T-36, Ziganshin đã ngất xỉu khi tắm và bất tỉnh trong ba ngày sau đó.
Sau này, ông kể lại: “Khi những đồng đội của mình đã được cứu vớt, tôi chỉ nghĩ tới việc tự tử, vì tôi là thuyền trưởng và tôi phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho việc này”.
Những thuỷ thủ đoàn của tàu T-36 sau đó đã theo hải trình của tàu sân bay Mỹ, tới San Francisco. Tại đây, họ được cấp phát thường phục và có mặt trong vài buổi họp báo, phỏng vấn. Thị trưởng San Francisco coi họ như biểu tượng của thành phố này, cấp cho mỗi thuỷ thủ Liên Xô 100 USD để tiêu vặt (vào những năm 1960, đây là số tiền cực kỳ lớn, tương đương nhiều tháng lương công nhân).
Phía Mỹ lo ngại Liên Xô sẽ không tin câu chuyện đã xảy ra với bốn thuỷ thủ này và sẽ khép tội phản quốc cho những chàng thuỷ thủ Liên Xô tội nghiệp kia nên đã yêu cầu họ ở lại Mỹ tị nạn chính trị. Tuy nhiên cả bốn người đều từ chối thẳng thừng. Sau đó, họ được đưa tới New York và diện kiến Lãnh sự quán Liên Xô tại đây. Một bức điện đặc biệt được gửi bởi Lãnh tụ Liên Xô ông Nikita Khrushchev cho biết: “Tôi hyu vọng các bạn sức khoẻ tốt và về nước sớm nhất có thể”.
|
Những thuỷ thủ Liên Xô được đón tiếp ở quê nhà. Ảnh: Warhistory.
|
Từ New York, những thuỷ thủ này lên chuyến tàu Queen Mary và tới châu Âu. Ở châu Âu, họ khoác lên người bộ quân phục cũ của mình và được đưa trở về Moscow.
Ở quê nhà, những người thuỷ thủ này được đón chào như những anh hùng, được đích thân Nikita Khrushchev và Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô thời bấy giờ ông Rodion Malinovsk tiếp đón. Cả bốn người đều được trao thưởng huân chương Cờ đỏ.
Trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ của cả bốn thuỷ thủ và sự lo ngại của Mỹ, Liên Xô lại đón tiếp những đứa con đi lạc này như những người hùng, họ được mời lên TV và lên phát biểu trên sóng phát thanh. Thậm chí, một bộ phim mang tên “49 Ngày” còn được gấp rút hoàn thành để kể về hành trình kỳ diệu của những người
anh hùng Liên Xô này.
Mời độc giả xem Video: Truyền hình Mỹ đưa tin về cuộc dạo chơi ở San Francisco của các thuỷ thủ Liên Xô sau nhiều ngày trôi dạt và được hàng không mẫu hạm Mỹ trục vớt.
Tuấn Anh