Có khi nào: Trung Quốc đóng tàu sân bay “thuê” cho Nga? (1)

Google News

(Kiến Thức) - Đóng tàu chưa bao giờ là thế mạnh của Liên Xô hay Nga, tuy nhiên các kinh nghiệm đóng tàu sân bay mà Trung Quốc hiện có phần lớn xuất phát từ những tàu sân bay do... Liên Xô chế tạo.

Suốt từ thời Liên Xô cho tới tận ngày nay, đóng tàu chưa từng là một thế mạnh của Liên Xô trước đây và Nga sau này. Về cơ bản, công nghệ đóng tàu của Nga hiện tại vẫn đi sau phần còn lại của thế giới nhiều chục năm, trong khi đó công nghệ chế tạo và vận hành tàu sân bay của quốc gia này vẫn... dậm chân tại chỗ suốt từ những năm 80 của thế kỷ trước - thời điểm tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov ra đời.
Co khi nao: Trung Quoc dong tau san bay “thue” cho Nga? (1)
 Tàu sân bay Kuznetsov - tàu sân bay duy nhất trong biên chế Hải quân Nga hiện tại cũng đang ngấp nghé bị... loại biên. Ảnh: NI.
Bản thân truyền thông Nga cũng thừa nhận, trong hơn một thập kỷ qua Nga chỉ phát triển tốt trong lĩnh vực đóng tàu ngầm và chế tạo các loại tàu nhỏ, các tàu cỡ lớn chưa bao giờ là thế mạnh của Nga. Vậy nên ước mơ về một siêu tàu sân bay vốn đã bỏ dở từ thời Liên Xô tới nay vẫn mãi chỉ là ước mơ của tướng lĩnh Moscow.
Cội rễ của vấn đề này bắt nguồn từ thời Liên Xô. Vào suốt thời gian Liên Xô tồn tại, toàn bộ các tàu sân bay hiện đại nhất của Nga đều được đóng tại… Ukraine. Cụ thể, cả bốn tàu sân bay lớp Kiev cùng với hai tàu sân bay lớp Kuznetsov đều được đóng tại Ukraine. Sau khi Liên Xô tan rã, tất nhiên Ukraine đã ôm trọn những kinh nghiệm về đóng tàu sân bay và tách ra độc lập hoàn toàn khỏi Nga. Thậm chí, căng thẳng giữa hai nước này thời gian gần đây khiến cho việc “hợp tác” trong quá trình nghiên cứu thiết kế và đóng mới một loại tàu sân bay mới giữa hai quốc gia này trong tương lai là điều hoàn toàn bất khả thi.
Trung Quốc lại ở một chiều hướng hoàn toàn ngược lại, quốc gia này đã có những bước tiến vượt bậc trong một vài thập kỷ trở lại đây. Chỉ tính riêng từ năm 2007 tới nay, Trung Quốc đã hạ thuỷ 6 tàu đổ bộ tấn công mỗi tàu giãn nước 25.000 tấn, 17 khu trục hạm độ giãn nước trên 7000 tấn, một tuần dương hạm 13.000 tấn và tất nhiên, cả một tàu sân bay mới tinh do nước này độc lập thiết kế và chế tạo.
Co khi nao: Trung Quoc dong tau san bay “thue” cho Nga? (1)-Hinh-2
 Tàu sân bay Varyag khi còn đang đóng dở ở Ukraine sau đó được bán cho các công ty ma do Trung Quốc thành lập và cuối cùng được kéo về Trung Quốc, trở thành tàu sân bay đầu tiên của nước này. Ảnh: NI.
Tàu sân bay mới nhất của Trung Quốc, chiếc Type 001A được nước này chế tạo dựa trên phần lớn những kiến thức về chế tạo tàu sân bay Kuznetsov mà Trung Quốc có được từ tàu sân bay Liêu Ninh – vốn dĩ được nước này mua từ Ukraine trong những năm 90 trước đây. Đây cũng là tàu sân bay có tốc độ đóng nhanh nhất lịch sử, được bắt đầu quá trình đóng mới chỉ từ năm 2016 và có độ giãn nước lên tới 85.000 tấn. Trong tương lai, Hải quân Trung Quốc cũng đang có kế hoạch đóng mới thêm tàu đổ bộ tấn công có độ giãn nước khonagr 40.000 tấn và thêm 6 tuần dương hạm.
Tóm lại, kinh nghiệm đóng tàu của Trung Quốc dù chỉ là góp nhặt từ Liên Xô, Ukraine hay từ nhiều quốc gia khác trên thế giới nhưng ở thời điểm hiện tại, trình độ của quốc gia này đã ở một tầm cao mới, có thể coi là tương đương với những quốc gia phát triển trong lĩnh vực đóng tàu. Trong khi đó, Nga chỉ có kinh nghiệm và khả năng để đóng các tàu chiến tầm cỡ khu trục hạm trở xuống.
Mua tàu sân bay nước ngoài – được hay không?
Trong quá khứ, có rất nhiều tiền lệ về việc một lực lượng hải quân trên thế giới được trang bị soái hạm hay đô đốc hạm mua từ nước ngoài. Trong thời kỳ khủng hoảng, nhiều quốc gia trên thế giới sẵn sàng đặt hàng và chuyển giao công nghệ đóng tàu cho các nước đồng minh để tận dụng được lợi thế so sánh, giúp giảm giá thành đóng mới cũng như các chi phí liên quan khác nảy sinh trong quá trình thi công. Thậm chí sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Mỹ và Anh còn xuất khẩu hoặc thậm chí cho không tàu sân bay của mình cho các nước đồng minh vì số lượng tàu sân bay trong biên chế hai cường quốc hải quân này khi đó là quá lớn.
Co khi nao: Trung Quoc dong tau san bay “thue” cho Nga? (1)-Hinh-3
INS Vikramaditya - Tàu sân bay duy nhất của Hải quân Ấn Độ thực tế lại là một tàu sân bay của Liên Xô được Nga hoán cải lại và bán cho nước này. Ảnh: Interest.
Gần đây hơn, Nga cũng đã cải tiến lại tàu sân bay Baku và sau đó bàn giao cho Hải quân Ấn Độ. Tàu sân bay này sau đó đã được đổi tên thành INS Vikramaditya. Ukraine cũng từng chuyển giao phần khung thân không hoàn chỉnh của tàu sân bay Varyag cho Trung Quốc – sau này Trung Quốc hoàn thiện lại và đặt tên là tàu sân bay Liên Ninh – tàu sân bay đầu tiên của quốc gia này. Cũng cần lưu ý thêm, Nga đã từng cố đặt mua một tàu đổ bộ tấn công từ phía Pháp, kèm theo đó là việc chuyển giao công nghệ đóng mới và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên hợp đồng này chưa bao giờ trở thành hiện thực sau khi Nga bị cấm vận kinh tế sau khi sát nhập bán đảo Crimea.

Mời độc giả xem Video: Nga hạ thuỷ tàu chiến đấu ven bờ do nước này tự thiết kế. Dường như Nga chỉ đóng tốt được Khinh hạm và tàu chiến đấu ven bờ.



Tuấn Anh