|
Ảnh: Tình huống phản công Kherson của quân đội Ukraine.
|
Chiến dịch phản công Kherson (Nga gọi là Chiến dịch mùa thu) vẫn đang diễn biến ác liệt. Truyền thông Ukraine cho rằng, lực lượng cơ động của Quân đội Ukraine đã vượt sông Gulets thành công và tiến sâu 20 km qua phòng tuyến của Nga. Cùng với đó là các đơn vị pháo tầm xa đã cắt đứt hoàn toàn đường tiếp tế của Quân đội Nga qua sông Dnepr.
Phía Nga thì cho rằng, mặc dù Quân đội Ukraine đạt được tiến bộ nhỏ trong những ngày đầu của cuộc phản công, nhưng họ đã hứng chịu thương vong trước những đòn đánh của Không quân Nga và quân Nga phòng thủ tại đây; thậm chí, Nga còn tuyên bố rằng đã loại khỏi vòng chiến đấu cả Lữ đoàn Bộ binh sơn cước 128 của Quân đội Ukraine.
Tất nhiên không dễ để đưa ra kết luận cho đến khi các bên đưa ra được đầy đủ thông tin được kiểm chứng; nhưng chắc chắn rằng cuộc phản công Kherson lần này của Ukraine, có khả năng quyết định kết quả cuối cùng của cuộc chiến Nga-Ukraine, hoặc ít nhất, sẽ định hình thế trận giữa hai bên cho mùa Đông năm nay.
Để chứng minh kết luận này, cần phải làm rõ lý do tại sao Quân đội Ukraine lại chọn vùng Kherson cho cuộc phản công lớn này, chứ không phải là vùng Donbass, nơi cuộc xung đột ngày càng khốc liệt hơn trong vài tháng qua. Lý do là khu vực Kherson có lợi thế nhất đối với Ukraine và bất lợi đối với Nga.
|
Cầu Antonov tiếp tế cho chiến trường của Nga bị quân đội Ukraine phá hủy
|
Viện nghiên cứu Chiến tranh Mỹ cho rằng, thứ nhất, từ góc độ bảo đảm hậu cần, Quân đội Nga phải dựa vào bán đảo Crimea để đảm bảo cung cấp hầu hết các nguồn cung cấp cho khu vực Kherson. Tuy nhiên, bản thân bán đảo Crimea là một pháo đài quân sự cách xa lãnh thổ Nga, nên lượng dự trữ không đủ.
Nguồn bảo đảm hậu cần tại đây phải dựa vào cây cầu Crimea để nhận tiếp tế từ đất liền Nga và đi qua một số con đường dẫn đến Kherson. Như vậy Nga phải dựa vào một cây cầu vượt biển để vận chuyển hàng hóa đến tiền tuyến Kherson.
Với "nút thắt cổ chai" này, rõ ràng khả năng tiếp tế của Nga tới Kherson, sẽ kém hơn nhiều so với việc tiếp tế cho Donbass, vốn dựa vào giao thông đường sắt là chủ yếu.
Đối với Quân đội Ukraine, đường bộ và đường sắt được cung cấp cùng nhau khi họ chiến đấu ở khu vực Kherson, và các nút tiếp tế phía sau được kết nối trực tiếp là Romania và Kiev; đây là hai nút tiếp tế mạnh nhất.
|
Các phương tiện quân sự vượt sông trên cầu phao ở Alabino, Nga. Nguồn RT.
|
Thứ hai, xét từ góc độ ưu thế trên không, Không quân Nga chỉ có thể dựa vào số máy bay chiến đấu cất cánh từ căn cứ không quân đặt tại Bán đảo Crimea để hỗ trợ các hoạt động ở khu vực Kherson, trong khi Quân đội Ukraine có thể sử dụng sân bay ở Dnipro, Odessa. Thậm chí Không quân Ukraine cũng có thể cất cánh từ Nikolayev.
Mặc dù Không quân Nga vượt xa Không quân Ukraine về chất lượng, nhưng số lượng căn cứ không quân trên Bán đảo Crimea có thể hỗ trợ các hoạt động của Nga là không đủ; chính điều này khiến chiến đấu cơ của Ukraine đã xuất kích nhiều hơn Không quân Nga trong những ngày đầu Kiev tiến hành phản công.
Từ góc độ tình báo chiến trường, trên chiến trường Donbass, Nga có thể dựa vào máy bay trinh sát và UAV cất cánh từ lãnh thổ Nga hoặc các tỉnh Donetsk và Lugansk thân Nga, để liên tục tiến hành trinh sát.
Còn Không quân Ukraine hoàn toàn không chiếm được một phần ưu thế trên không ở chiến trường phía Đông, nên không có nhiều nguồn thông tin tình báo khác, ngoài việc dựa vào thông tin tình báo vệ tinh của NATO.
|
Ảnh: Máy bay tình báo NATO và Nga trinh sát tại biển Đen.
|
Nhưng ở khu vực Kherson thì hoàn toàn khác, không chỉ máy bay trinh sát của Không quân Ukraine bay tương đối tự do và có thể thu được một lượng lớn thông tin tình báo chiến trường; mà còn do khu vực này gần Biển Đen, nên các máy bay tình báo NATO khác nhau, có thể trực tiếp trinh sát Quân đội Nga và truyền thông tin có giá trị cao cho Quân đội Ukraine.
Điểm đáng chú ý là Quân đội Nga sẽ không tấn công các máy bay của NATO hoạt động tại khu vực Biển Đen, do lo ngại xung đột có thể leo thang.
Vì vậy, dù xét theo quan điểm nào thì việc chọn phương án phản công trên hướng Kherson là lựa chọn đúng đắn nhất của Quân đội Ukraine. Dưới góc độ chiến lược, cuộc phản công lần này của Quân đội Ukraine, chắc chắn khác với các hoạt động tác chiến thăm dò trước đây.
Một mặt, Quân đội Ukraine đã tiến hành tập kích liên tục bằng tên lửa HIMARS để phá hủy một số kho đạn, đồng thời cũng cắt đứt đường tiếp tế đầu cầu then chốt của Quân đội Nga; tạo thế trận bao vây quyết định.
Mặt khác Quân đội Ukraine đã gần như tập trung hàng trăm xe tăng T72M1 do Ba Lan mới viện trợ về hướng Kherson.
|
Ảnh: Xe tăng T-72M1 mà Ukraine mới nhận của Ba Lan bị quân Nga bắn cháy tại mặt trận Kherson ngày 30/8.
|
Ngoài ra, trước khi cuộc phản công được phát động, Quân đội Ukraine cũng đã tiến hành các cuộc tấn công vào căn cứ không quân Nga ở Crimea và là nơi đóng quân của Trung đoàn Không quân của Hạm đội Biển Đen. Điều này càng làm suy yếu khả năng yểm trợ tầm xa của Quân đội Nga cho tiền tuyến.
Với các điều kiện “thiên thời, địa lợi” như vậy, có thể thấy Kherson là hướng phản công hợp lý nhất và an toàn nhất cho lực lượng tấn công của Ukraine. Tuy nhiên cũng hoàn toàn là hợp lý, nếu Nga có thể tung ra một đòn phản công trong những ngày sắp tới ở Donbass, để "chia lửa" với mặt trận Kherson.
|
Ảnh: Cuộc phản công Kherson sẽ quyết định hướng đi cho cuộc xung đột.
|
Tiến Minh (tổng hợp)