Đây là thông tin được Phó thủ tướng Nga Yury Borisov đưa ra tại Học viện Quân sự Tổng Tham mưu. Các vũ khí mới được dự kiến đi vào hoạt động trong vòng 10 năm nữa.
“Quân đội Nga đang trải qua một cuộc nâng cấp hệ thống vũ trang quy mô lớn, cho phép sử dụng một số hệ thống vũ khí tiên tiến nhất thế giới”, Phó thủ tướng Yury Borisov, phụ trách khu liên hợp quân sự - công nghiệp và quân sự của Nga, phát biểu.
Một số vũ khí mới được cho là sẽ vượt mặt các hệ thống vũ khí hiện tại và thậm chí các loại vũ khí tương lai của các quốc gia khác, bao gồm các nước thành viên NATO.
|
Tên lửa "Ngày tận thế" (ICBM) Sarmat. Ảnh: Sputnik |
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat
Tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng mới của Nga (ICBM) Sarmat là một trong những vũ khí tiên tiến nhất được chú ý. Tên lửa là một phần trong kho vũ khí mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố trong Thông điệp Liên bang ngày 1/3.
Tên lửa đạn đạo Sarmat có khả năng mang tải trọng lớn đến bất cứ nơi nào trên thế giới. Một số phương tiện truyền thông phương Tây gọi nó là một vũ khí "ngày tận thế", cảnh báo nó có thể dễ dàng xâm nhập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Tên lửa đã được đưa vào quá trình thử nghiệm. Bộ Quốc phòng Nga cho biết năng lực của loại tên lửa này trong giai đoạn trước khi phóng đã được xác nhận. Hồi tháng 5, Tổng thống Putin tiết lộ Sarmat dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2020.
Sarmat được thiết kế để mang theo một đầu đạn lượn siêu thanh, có biệt hiệu là 'Avangard' (Advance Guard), khiến các cơ quan tình báo Mỹ lo ngại. Đầu đạn lượn có thể bay trong bầu khí quyển với tốc độ trên Mach 20 và có thể chịu được nhiệt lên đến 2.000 độ C do ma sát không khí tạo ra.
Mời độc giả xem video: Video thử nghiệm phóng tên lửa Sarmat (nguồn: RT):
Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5
Tên lửa đạn đạo liên lục địa hạt nhân không phải là vũ khí duy nhất được bổ sung vào kho vũ khí Nga. Quân đội Nga dự kiến sẽ nhận được một số vũ khí khác không kém phần ấn tượng. Một trong số đó là máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 thế hệ thứ năm. Cuối tháng 6, quân đội Nga đã ký hợp đồng đầu tiên tiếp nhận 12 chiếc máy bay Su-57.
Su-57, có hệ thống điện tử hàng không cho phép tự động hỗ trợ phi công, dự kiến sẽ thay thế các máy bay chiến đấu đa năng biểu tượng Su-27. Máy bay được làm từ vật liệu composite và cải tiến hệ thống radar. Vũ khí chính của Su-57 được giấu trong các khoang vũ khí bên trong để giảm cấu hình radar, song Su-57 cũng có thể mang thêm đạn dược trên các giá treo bên ngoài.
Theo tạp chí Military Watch, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới của Nga có lợi thế đáng kể so với chiếc F-35 của Mỹ khi xét đến tốc độ, độ cao, cảm biến, vận chuyển tên lửa, phạm vi tương tác và khả năng hoạt động.
Xe tăng T-14 Armata
|
Xe tăng T-14 Armata. Ảnh: Sputnik |
Trên mặt đất, loại phương tiện này sẽ khiến quân đội Nga nhanh chóng ghi điểm. Quân đội Nga dự kiến sẽ nhận được 100 xe tăng chiến đấu chính T-14 dựa trên Armata vào năm 2020. Cỗ máy chiến tranh này sẽ có một tháp pháo tự động và một khẩu pháo 125mm có khả năng đánh trúng mục tiêu trong phạm vi 7 km, với tốc độ bắn 12 đầu đạn/phút.
Đội binh sĩ lái xe tăng sẽ ngồi trong khoang có vỏ noài bọc thép nhiều lớp đặc biệt. Điều này sẽ giúp quân nhân sống sót trong hầu hết các trường hợp nguy hiểm nhất. Chế độ xem bên ngoài sẽ được trang bị bằng máy quay HD. Trong tương lai, xe tăng này có thể được hộ tống bằng một máy bay không người lái
Hệ thống phòng không S-500
Hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga cũng có thể được thay thế bằng vũ khí tốt hơn trong tương lai không xa.
S-400 Triumf là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Nga, được thiết kế thu hút các mục tiêu bay với phạm vi lên đến 400km và tên lửa đạn đạo lên tới 60km. Tuy nhiên, hiện Almaz-Antey, nhà sản xuất hệ thống S-400, đang phát triển một hệ thống thậm chí còn tân tiến hơn, có tên mã là S-500 Prometheus.
Theo một số báo cáo, hệ thống mới sẽ có khả năng tấn công các mục tiêu với tầm bắn 480 km và có thể chặn thành công các tên lửa siêu thanh, cũng như bắn hạ các máy bay F-22 và F-35. S-500 hiện đang ở giai đoạn phát triển và có thể được triển khai vào khoảng năm 2020.
Lá chắn phòng thủ tên lửa 'Nudol'
Đối mặt với hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ ngày càng mở rộng, Nga cũng quyết định nâng cấp lá chắn phòng thủ tên lửa của mình, đặc biệt là những lá chắn được sử dụng để bảo vệ thủ đô Moskva. Hệ thống tên lửa đánh chặn ABM mới được đặt tên là Nudol. Tuy nhiên, ít được biết về đặc điểm cụ thể của nó.
Mời độc giả xem video: Hệ thống phòng thủ Nudol thử nghiệm (Nguồn: RT):
Theo TASS, lá chắn phòng thủ tên lửa mới có khả năng bảo vệ lãnh thổ của Nga khỏi cuộc tấn công hạt nhân đa đầu đạn và chặn tất cả các tên lửa ICBM hiện đại được thiết kế đặc biệt để xâm nhập hàng phòng thủ tên lửa. Theo một số bài viết, hệ thống tên lửa đánh chặn mới thậm chí còn có khả năng bắn hạ các vệ tinh.
Thiết bị gây nhiễu vệ tinh Tirada-2
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là thiết bị chiến tranh điện tử tân tiến có biệt hiệu là Tirada-2. Mặc dù có vẻ không ấn tượng so với tên lửa Sarmat “ngày tận thế” hoặc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm song thiết bị mới này có thể chứng minh là rất quan trọng trong bất kỳ cuộc chiến hiện đại nào, vì khả năng gây nhiễu vệ tinh.
Công nghệ này vô hiệu hóa vệ tinh, khiến cho kẻ địch khó có thể đánh bại công nghệ gây nhiễu này. Công nghệ có thể thay đổi đáng kể sự cân bằng trong các hoạt động tác chiến hiện đại, trong đó liên lạc đóng một vai trò quan trọng.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức