Rađa là thiết bị quan trọng trong lực lượng quân đội các nước chuyên dùng để trinh sát, phát hiện, theo bám, dẫn đường mục tiêu trên không với cự ly lên tới vài trăm km trong mọi điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, do trạm rađa đặt trên mặt đất có hai điểm yếu đó là dễ bị các thiết bị đối kháng điện tử hoặc tên lửa chống rađa gây rắc rối; hai là tín hiệu sóng rađa làm bộc lộ vị trí địa lý nơi đặt trạm rađa nên dễ bị tấn công. Để khắc phục những hạn chế trên, rada thụ động ra đời.
Đặc điểm khác biệt nhất của rađa thụ động so với rađa thông thường là, bản thân rađa không phát tín hiệu tần sóng mà lợi dụng năng lượng điện từ đã tồn tại sẵn trên không để phát hiện mục tiêu, một số loại rada thụ động hiện đại nhất hiện nay gồm:
Rađa thụ động của hãng Lockheed Martin/Mỹ
Năm 1998, hãng Lockheed Martin đã nghiên cứu chế tạo thành công rađa thụ động mang tên “Lính gác thầm lặng”.
“Lính gác thầm lặng” có thể được bố trí tại trận địa cố định hoặc lắp đặt trên xe cơ động để triển khai nhanh chóng. Rađa này lợi dụng sự phản hồi tín hiệu sóng FM để trinh sát mục tiêu trên không.
Nó sử dụng ít nhất 3 nguồn sóng radio để xác định vị trí mục tiêu, phạm vi trinh sát khoảng 220km. Căn cứ các anten được bố trí khác nhau, có thể giám sát, kiểm soát 60 độ phương vị hoặc 360 độ trên mọi hướng, góc tà giám sát là 50 độ. Cứ sau 8 giây rađa lại thay phạm vi bao quát 1 lần, có đủ khả năng xử lý để đồng thời theo dõi hơn 200 mục tiêu.
Rada thụ động Moscow-1/Nga
Theo tờ Izvestia, Quân đội Nga đã nhận được hệ thống radar thụ động Moscow-1 có khả năng nhìn xa gấp 2,5 đài trinh sát vô tuyến điện tử thế hệ trước là Avtobaza. Moscow-1 do Tập đoàn Rostekh chế tạo.
Moscow-1 có khả năng phát hiện mục tiêu máy bay, tên lửa ở cách xa 400km, miễn nhiễm hoàn toàn với tên lửa diệt radar của đối phương. Theo Izvestia, phần linh kiện chủ yếu của Moscow-1 là do Nga sản xuất, tuy nhiên khoảng 2% là mua của Ukraine và Belarus. Đồng thời toàn bộ các linh kiện nhập khẩu được cơ quan tiếp nhận quân sự Nga cấp phép.
Quá trình điều khiển tổ hợp này giống như chiến lược máy tính. Tình hình không phận được hiển thị trên một số màn hình, mỗi cái trong đó có thể nhận chế độ hiển thị khác nhau. Trắc thủ rada chỉ cần lựa chọn phương tiện đánh trả trên máy tính bảng chuyên dụng và chỉ thị mục tiêu cần tiêu diệt.
|
Mô hình hệ thống radar thụ động Moscow-1/Nga. Ảnh: Wikipedia.org |
Rada thụ động Kolchuga/Ukraine
Kolchuga là hệ thống trinh sát điện tử thụ động, nó có thể phát hiện các loại máy bay tàng hình thông qua sóng vô tuyến và sóng radar phát ra từ chúng. Cự ly phát hiện các mục tiêu trên không của Kolchuga lớn gấp 1,5 - 2 lần so với radar chủ động, không chỉ trinh sát được mục tiêu trên không mà còn cả mục tiêu trên biển và trên mặt đất. Kolchuga có thể phát hiện các mục tiêu bay từ khoảng cách 800 km ở mọi độ cao.
Giới chuyên gia cho rằng, trên thực tế Kolchuga còn là một hệ thống trinh sát điện tử. Mỗi hệ thống gồm 3 đài thu tín hiệu sóng điện từ có thể bố trí cách nhau 10 km, cùng 1 đài điều khiển xử lý tín hiệu trung tâm, có thể phát hiện và bám sát các loại phương tiện bay bằng việc giao hội sóng điện từ giữa 3 đài thu tín hiệu. Kolchuga có thể cùng lúc bám sát tín hiệu của 32 mục tiêu với đủ 3 tham số (cự ly, góc tà và phương vị). Các đài thu và trạm điều khiển trung tâm đều được đặt trên khung gầm xe vận tải việt dã Kraz 6x6.
Theo tính toán, nếu Kolchuga được đặt ở độ cao 100m (so với mặt đất) và mục tiêu bay ở độ cao 10km thì nó có thể phát hiện mục tiêu từ cự ly 450km, còn mục tiêu bay ở độ cao 20km thì cự ly phát hiện đạt tới 620km. Tuy nhiên có rất ít loại phương tiện bay ở độ cao này.
Dù vậy, Kolchuga vẫn được coi là một trong những hệ thống cảnh báo sớm đường không đặc biệt hiệu quả, nó có thể phát hiện các loại máy bay tàng hình hiện có hoặc sẽ được trang bị trong tương lai thông qua sóng vô tuyến và sóng radar phát ra từ các máy bay tàng hình này. Đồng thời, nó cũng có thể phát hiện các loại máy bay tàng hình nhờ sóng điện từ phát ra từ động cơ máy bay. Hơn nữa, do Kolchuga là hệ thống cảm biến thụ động nên nó có khả năng sống sót cao vì không phát sóng nên các loại tên lửa bức xạ diệt radar không có tác dụng.
|
Hệ thống rada thụ động Kolchuga/Ukraine. Ảnh: Wikipedia.org |
Rada thụ động DWLOO2/Trung Quốc
Theo Global Time, tháng 5/2016, Trung Quốc công bố đã phát triển thành công rada thụ động DWLOO2 có phạm vi hoạt động 400 - 500km và có thể bao phủ toàn bộ không phận mà không có điểm mù nào. Radar thụ động này có thể theo dõi tất cả các loại máy bay thông qua sóng vô tuyến tần số thấp, mà các phi công không hề biết rằng họ đang bị quan sát hoặc nhắm mục tiêu. Radar này chủ yếu sẽ được sử dụng trong công tác phòng không và giám sát ven biển trong môi trường điện từ phức hợp, có khả năng phát hiện, định vị, theo dõi đường không, đường biển và bức xạ mặt đất trong vùng phủ sóng của nó.
Theo tờ Diplomat/Nhật Bản, DWLOO2 sẽ đem lại lợi thế cho Quân đội Trung Quốc trước học thuyết tác chiến Không - Biển, vốn dựa chủ yếu vào sức mạnh tác chiến trên không của Hải quân Mỹ. Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã không hề nói quá về sức mạnh của DWLOO2 song vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Mới đây, Không lực Australia, cơ quan nghiên cứu độc lập tại Australia, đã công bố báo cáo trong đó nhấn mạnh: Khả năng chống tàng hình DWL002 vẫn còn nhiều hạn chế và chưa hoàn thiện. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hệ thống radar của Trung Quốc chưa thể ngay lập tức trở thành mối đe dọa của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, DWL002 vẫn là một đối thủ đáng gờm đối với các siêu tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 trong tương lai.
Rađa thụ động của Airbus
Vừa qua, hãng Airbus tiết lộ đã nghiên cứu chế tạo được 1 mẫu rađa thụ động. Rađa mẫu này đã được thử nghiệm tại chiến trường vài lần, hiện đang trong quá trình cải tiến. Hãng Airbus công bố, đến năm 2017 loại rađa này sẽ chính thức đi vào sản xuất hàng loạt. Hãng Airbus cho biết, rađa của họ sẽ đảm bảo một tính năng chưa từng có, đó là lần đầu tiên sẽ sử dụng tổng hợp tín hiệu tức thời sóng của điện đài DAB và DVB-T. Khi thu nhận được tín hiệu phản hồi của điện đài sóng FM, phạm vi thám trắc của rađa sẽ lên tới 200km. Trong khi đó khi sử dụng tín hiệu DAB và DVB thì có thể thám trắc được khí cụ bay cỡ nhỏ trong phạm vi 40km.
Từ năm 2006, hãng Airbus bắt đầu nghiên cứu loại rađa thụ động trên, ban đầu họ đã thử nghiệm khả năng của rađa về thám trắc giao thoa tín hiệu radio sóng FM. Năm 2011 Airbus mở rộng phạm vi thám trắc của rađa đến tín hiệu DAB và DVB-T, mỗi 1/2 giây rađa tiến hành làm mới hình ảnh 1 lần, có thể thám trắc được mục tiêu bay trên không ở độ cao 12km. Khi sử dụng tín hiệu radio FM phát hiện các tín hiệu phản hồi trở lại của vật thể bay, rađa có thể cung cấp chính xác vị trí của vật thể bay với sai số chỉ khoảng 500m, nhưng khi sử dụng tín hiệu phản hồi của DAB và DVB-T, độ chính xác định vị có thể được tăng lên với sai số chỉ còn 10m.
Rađa thụ động của hãng Selex ES/Italia
Năm 2013, hãng Selex ES cho biết họ đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu rađa thụ động AULOS. Loại rađa này sử dụng tín hiệu sóng FM và DAB/DVB để theo dõi mục tiêu khó phát hiện trên không và những mục tiêu bay thấp trong phạm vi vài trăm km. Selex ES cho biết, rađa AULOS có thể đồng thời thám trắc và bám sát mục tiêu với diện phản xạ nhỏ, xác định vị trí và độ cao của những mục tiêu này.
Hiện nay, Selex ES đang phát triển 2 loại rađa AULOS là AULOS-2D và AULOS-3D. Rađa AULOS-2D được thiết kế dạng cố định, phạm vi giám sát có thể bao trùm vùng trời với góc quét 90 độ, sử dụng tín hiệu sóng FM để thám trắc mục tiêu trên không, có khả năng cung cấp thông tin cự ly và phương vị mục tiêu. Trong khi đó, rađa AULOS-3D còn có thể cho biết thêm độ cao của mục tiêu.
Lam Ngọc