Ngay sau khi Washington tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Ngày 2/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đáp trả tương xứng với việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, vốn cấm cả hai bên phát triển hay sử dụng các loại tên lửa có tầm bắn từ 500-5.000km.
Theo Russia Beyond, nếu Hiệp ước hạt nhân này giữa Nga và Mỹ sụp đổ, trong thập kỷ tới một số loại tên lửa của Nga có thể trở thành tên lửa hạt nhân tầm trung nếu chuyển đổi sang phóng từ mặt đất. Vậy loại tên lửa nào có thể được chuyển đổi như vậy?
Tên lửa hành trình Kalibr
|
Tên lửa hành trình Kalibr được phóng đi từ tàu chiến. Ảnh:Sputnik. |
Trước tiên, sắc lệnh của Tổng thống bao gồm việc chuyển các tên lửa Kalibr từ trên biển lên trên bộ. Loại tên lửa này không những phù hợp với cả các hệ thống vũ khí trên mặt đất mà còn có thể được nâng cấp với công nghệ siêu thanh có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng không hiện có.
Giáo sư Vadim Kozyulin của Viện Khoa học quân sự Nga đánh giá, hiện tại, tên lửa hành trình Kalibr đang là “ngôi sao” trong kho vũ khí của Nga. Kalibr có tầm bắn từ 300-2.600km. Một yếu tố quan trọng khác: các công nghệ tiên tiến trong thập kỷ tới có thể cho phép đầu đạn của tên lửa Kalibr có sức mạnh gần như sức công phá của hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 6/2 cũng xác nhận, Nga đang phát triển phiên bản trên đất liền của hệ thống tên lửa Kalibr.
Theo ông Kozyulin, quân đội Nga đang xem xét sử dụng tổ hợp Iskander-M như một bệ phóng trên mặt đất cho Kalibr. Hiện Iskander-M đang được triển khai ở Kaliningrad, khu vực biên giới của Nga với Đông Âu để đối phó với lá chắn tên lửa mà Mỹ triển khai ở Ba Lan. Hiện Nga cũng đang nghiên cứu bổ sung thêm các loại vũ khí tối tân cho tổ hợp Iskander-M để có thể tấn công các mục tiêu xa hơn như Địa Trung Hải.
“Từ thiên đường tới Trái đất”
Một loại tên lửa khác có thể được chuyển đổi sang phóng trên mặt đất là tên lửa siêu thanh Kinzhal của máy bay đánh chặn MiG-31. Nguồn tin quân đội cho biết, đây là loại tên lửa phóng trên không duy nhất có thể di chuyển với tốc độ Mach 8.
|
Tên lửa Kinzhal triển khai trên MiG-31. Ảnh: Sputnik |
Tổng tư lệnh Lực lượng không quân vũ trụ Nga Sergei Surovikin cho biết, phiên phản phóng trên không của Kinzhal có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách trên 2.000km mà không đi vào vùng phòng không của kẻ thù.
“Di chuyển với tốc độ gấp vài lần tốc độ âm thanh, tên lửa Kinzhal có thể tránh được mọi hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa”, tho một tuyên bố văn bản mà ông Surovikin công bố với Russia Beyond.
Hơn nữa, Kizhal có thể hoạt động hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết, cho phép nó có thể đánh trúng mục tiêu bất kể thời gian ngày hay đêm và dù là mưa gió hay sấm chớp.
Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng trong thập kỷ tới những tên lửa kể trên có thể “tái sinh” thành những loại vũ khí có uy lực mạnh mẽ hơn khi chuyển đổi sang phóng từ mặt đất. Trở ngại duy nhất là chi phí. Mọi cuộc chạy đua vũ trang đều không bao giờ có giá rẻ.
Theo Thùy Linh/VOV.VN