Bom có điều khiển hay thường gọi là bom thông minh là loại bom được lắp đặt hệ thống dẫn đường và chỉ thị mục tiêu, bảo đảm có thể điều khiển bom tiêu diệt chính xác mục tiêu theo tín hiệu của hệ thống dẫn đường vô tuyến, hồng ngoại hoặc vệ tinh và được thả tự do từ trên không bằng các phương tiện bay.
Hiện nay, các cường quốc quân sự trên thế giới đang tập trung phát triển bom có điều khiển ở dạng cỡ nhỏ, đa năng, có đặc điểm chủ yếu là: Trọng lượng từ 130 - 150kg; dẫn đường chính xác cao; cự ly sử dụng chiến đấu lớn, có thể lên tới 110km; phần chiến đấu có khả năng tiêu diệt có hiệu quả một phạm vi mục tiêu rộng.
|
Bom AASM. Ảnh: Wikipedia |
Ưu điểm của bom có điều khiển
Sở dĩ các nước đẩy mạnh chương trình nghiên cứu, phát triển bom có điều khiển là do loại bom này có nhiều ưu điểm vượt trội so với các loại bom thông thường. Các ưu điểm chính gồm:
- Độ chính xác cao, có thể hoạt động suốt ngày đêm và trong mọi điều kiện thời tiết;
- Đa dạng về chủng loại, kích thước và dễ dàng tùy biến để thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau. Theo đó, kích cỡ tối đa của loại bom này có thể lên tới 13.600kg cũng có thể giảm kích cỡ xuống đến mức chỉ còn vài kg;
- Ứng dụng những nguyên lí vật lí mới về tác động tới mục tiêu tiêu diệt (bức xạ điện từ, đám mây các bon), đồng thời có thể áp dụng phương pháp quản lí công suất đầu chiến đấu nên cho nhiều lựa chọn về mức độ sát thương đối với nhiều loại mục tiêu;
- Có khả năng thay đổi mục tiêu ngay cả sau khi thả nên kiểm soát được kết quả tấn công;
- Có khả năng nhận biết, theo bám và tiêu diệt được các mục tiêu cơ động.
- Trang bị được trên nhiều phương tiện tác chiến như máy bay tiêm kích, máy bay cường kích, máy bay không người lái, kinh khí cầu....
|
Bom GBU-44/B. Ảnh: Industrydaily |
Thành phần chủ yếu của bom có điều khiển
- Hệ thống dẫn đường.
Một đặc điểm đặc trưng của bom có điều khiển hiện đại là sử dụng các hệ thống dẫn đường kết hợp quán tính/vệ tinh với các đầu tự dẫn laser, truyền hình, hồng ngoại hoặc radar. Bên cạnh đó, hệ thống dẫn đường còn được tăng cường thêm các chức năng phụ về tự động nhận biết mục tiêu.
Để mở rộng khả năng sử dụng chiến đấu, người ta còn sử dụng các hệ dẫn liên hợp với việc sử dụng các chế độ dẫn khác nhau, tùy điều kiện thời tiết và kiểu loại mục tiêu. Ví dụ, bom có điều khiển GBU-54B LJDAM và bom có điều khiển Paveway-II sử dụng hệ dẫn DMLGB do Lockheed Martin nghiên cứu chế tạo. Hệ thống đặt trên bom có thể sử dụng kênh laser bán chủ động hoặc các chế độ dẫn đường vệ tinh kết hợp quán tính/vệ tinh, hoặc đồng thời cả hai chế độ để nâng cao độ chính xác khi bay tới mục tiêu.
- Phần chiến đấu.
Trong bom có điều khiển người ta sử dụng các kiểu phần chiến đấu truyền thống (nổ phá, nổ phá văng mảnh, nổ khối, xuyên, casset) cũng như các kiểu phần chiến đấu đặc dụng, mang một bó sợi cacbon để loại khỏi vòng chiến các hệ thống điện năng lượng. Thậm chí một số loại bom có điều khiển còn sử dụng kiểu nổ lõm kiêm nổ phá ghép nối tiếp. Các giải pháp trên giúp bán kính sát thương nâng cao nhưng trong trường hợp cần kiểm soát phạm vi nổ thì vẫn có thể khống chế bằng cách thay đổi phương thức nổ được điều khiển từ xa.
Trong khi đó, để nâng cao khả năng đâm xuyên của phần chiến đấu, người ta sử dụng phương thức thiết kế vỏ chiến đấu dưới dạng một cấu trúc nhiều tầng kết hợp với nâng cao động năng bằng việc sử dụng bộ gia tốc động cơ phản lực thuộc phóng rắn, qua đó giúp khả năng xuyên thủng mục tiêu được nâng cao.
- Ngòi nổ.
Trong bom có điều khiển người ta thường sử dụng các kiểu ngòi nổ như: Ngòi nổ từ xa, ngòi nổ lập trình, ngòi nổ tiếp xúc nhằm kiểm soát độ giữ chậm tùy theo kiểu mục tiêu. Tuy nhiên, các công nghệ hiện đại gần đây đã cho phép các nước chế tạo ngòi nổ thông minh với khả năng tự xác định kiểu và cấu trúc mục tiêu (bằng cách xác định ranh giới giữa khoảng trống - bê tông, bê tông - đất) cho bom xuyên có điều khiển khi tiêu diệt các mục tiêu bền vững và nằm sâu dưới lòng đất.
|
Bom AGM-154 JSOW C-1. Ảnh: Netnews |
- Đường truyền.
Đường truyền dữ liệu là một nhân tố quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng chiến đấu của vũ khí thông minh nói chung và bom có điều khiển nói riêng. Đường truyền dữ liệu được thực hiện theo kênh vô tuyến và cho phép thực hiện việc thay đổi mục tiêu, tiến hành công kích vào mục tiêu động, cũng như bảo đảm sử dụng vũ khí trong một hệ thống điều khiển mạng hướng tâm. Ví dụ, bom AGM-154 JSOW C-1, Paveway, AASM của Mỹ được trang bị đường truyền dữ liệu tiêu chuẩn Link-16 để thu nhận dữ liệu mục tiêu cập nhật trong khi bay và phần mềm cải tiến của đầu tự dẫn cho phép bom này tấn công chính xác mục tiêu cơ động có vận tốc từ 45 - 110km/h.
Hiện nay, Mỹ đang là nước đi đầu trong việc nghiên cứu, chế tạo các loại bom có điều khiển. Các thử nghiệm đã được Quân đội Mỹ tiến hành và được cho là đang tập trung vào các loại bom có trọng lượng trung bình và nhỏ để biên chế trên máy bay tiêm kích chiến thuật Typhoon và các máy bay chiến đấu không người lái.
Một số loại bom có điều khiển đã được biên chế trong Quân đội Mỹ hiện nay gồm GBU-12B, A/B, GBU-38, SDB I và SDB II có trọng lượng khoảng 250kg và các bom cỡ nhỏ chế tạo đặc biệt như SCALPEL (45kg), G-CLAW (26kg) và GBU-44/B (19kg).
Các chuyên gia dự báo, xu hướng chế tạo bom có điều khiển sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới bởi những ưu điểm quá lớn của loại bom này đó là: Độ chính xác cao; tính đa dụng; phạm vi tấn công lớn (tối đa có thể lên tới 150km); khả năng điều khiển và kích nổ đa dạng. Tuy nhiên, chính những tính năng hiện đại của loại bom này nên thời gian nghiên cứu chế tạo dài (có thể lên tới 5 năm) và chi phí từ khoảng 200 - 370 triệu USD nên không phải quốc gia nào cũng đủ kiên nhẫn và kinh tế để theo đuổi chương trình này.
Lam Ngọc