Đặc điểm tác chiến của hệ thống Aegis
1. Năng lực trinh sát, cảnh giới, dẫn đường mạnh
Trong phạm vi 400km, hệ thống chiến đấu Aegis có khả năng phát hiện, theo dõi liên tục 400 mục tiêu khác nhau; bắt bám liên tục hơn 200 mục tiêu; dẫn đường có hiệu quả cho các loại tên lửa như SM-2MR và một số loại tên lửa khác tấn công, đánh chặn chính xác hơn 100 mục tiêu cùng lúc.
2. Năng lực dữ trữ đạn lớn, thời gian phản ứng nhanh, có khả năng đánh chặn được nhiều mục tiêu khác nhau đến từ nhiều hướng
Theo đó, hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 có thể mang được từ 42 - 58 quả tên lửa SM-2MR. Hệ thống có 4 bộ radar định vị băng tần I liên tục hoạt động với cường độ cao cho phép xác định chính xác mục tiêu. Do hệ thống Aegis có khả năng phát hiện được các mục tiêu bay tầm trung và tầm xa từ khoảng cách 320 - 400km nên các tên lửa SM-2MR hoàn toàn có thể tiêu diệt, đánh chặn cùng lúc được 4 mục tiêu ở cự ly ngoài 74km.
|
Tuần dương hạm Ticonderoga phóng tên lửa SM-2MR bằng hệ thống Mk41 VLS. Ảnh: Seaforces |
3. Sử dụng phương thức dẫn đường hỗn hợp, năng lực gây nhiễu điện tử mạnh.
Tên lửa SM-2MR sử dụng phương thức dẫn dường quán tính/chỉ lệnh vô tuyến/rada bán chủ động, trên tên lửa được lắp thiết bị thu phát chỉ lệnh, đầu dò hiện đại và máy tính kỹ thuật số tốc độ cao. Ở giai đoạn đầu và giai đoạn giữa, tên lửa được dẫn đường theo phương thức quán tính và chỉ lệnh vô tuyến. Giai đoạn cuối tên lửa sử dụng phương thức dẫn đường bán chủ động.
4. Tốc độ cao, tầm bắn xa, độ chính xác cao.
Tốc độ cao nhất của tên lửa SM-2MR có thể lên tới 3 Mach, tầm bắn 74-167km khiến cho khu vực bao phủ phòng không rất rộng lớn, đủ khả năng đánh chặn nhiều loại mục tiêu từ phạm vi ngoài vòng nguy hiểm.
Quy trình tác chiến phòng không của hệ thống phòng không Aegis
Quy trình tác chiến của hệ thống Aegis được chi thành 2 giai đoạn là giai đoạn đánh chặn tầm xa và giai đoạn đánh chặn tầm gần.
- Đối với giai đoạn đánh chặn tầm xa
Khi tên lửa chống hạm của đối phương bay đến mục tiêu là tàu chiến mặt nước của Hải quân Mỹ, đầu tiên hệ thống Aegis sẽ sử dụng rada quét mạng pha đa năng AN/SPY-1A tiến hành trinh sát, tìm kiếm toàn bộ các mục tiêu đang bay đến, sau đó sẽ truyền dữ liệu thu được tới hệ thống bắt bám mục tiêu. Đồng thời, hệ thống rada quét mạng pha đa năng cũng truyền toàn bộ tham số, dữ liệu liên quan tới mục tiêu về hệ thống chỉ huy và ra quyết định và hệ thống khống chế điều khiển hỏa lực.
Sau đó, hệ thống chỉ huy và ra quyết định sẽ tiến hành nhận biết mục tiêu, đánh giá mức độ uy hiếp, xác định phương án đối phó đồng thời truyền số liệu tới hệ thống khống chế điều khiển vũ khí. Hệ thống khống chế điều khiển vũ khí căn cứ vào tình trạng hoạt động của tất cả các loại vũ khí có trong biên chế sẽ tiến hành điều phối, ra quyết định đánh chặn, chỉ định phương thức phóng.
|
Khoảnh khắc SM-2MR rời bệ phóng. Ảnh: Wikipedia |
Để tạo điều kiện thuận lợi cho tên lửa đánh chặn SM-2MR đánh trúng mục tiêu, khi mục tiêu bay đến cự ly đánh chặn thuận lợi, hệ thống khống chế điều khiển hỏa lực sẽ ra lệnh “điểm hỏa” đối với tên lửa, sau đó nắp bệ phóng sẽ được đóng lại ngay lập tức và kết thúc một quy trình phóng. Đồng thời, sau đó hệ thống dẫn đường, điều khiển tên lửa sẽ được khởi động, liên tục cập nhật thông số, tham số địa hình, mục tiêu tới tên lửa theo thời gian thực.
Khi tên lửa cách mục tiêu một khoảng cách nhất định, hệ thống rada quét mạng pha đa năng sẽ khởi động hệ thống tham chiếu để bắt bám chính xác mục tiêu. Lúc này, 4 hệ thống tham chiếu trên tên lửa sẽ phối hợp hoạt động đồng bộ với hệ thống rada quét mạng pha để xác định vị trí mục tiêu chính xác hơn, đồng thời toàn bộ dữ liệu thu được trong quá trình bay tới mục tiêu ở giai đoạn này cũng được truyền về 12 quả tên lửa SM-2MR đang ở trạng thái sẵn sàng chờ lệnh phóng.
Sau khi đã xác định vị trí và khóa mục tiêu, tên lửa SM-2MR sẽ tự động chuyển sang chế độ bay bán chủ động và tự tìm đến mục tiêu để tiêu diệt. Sau khi xác định được va chạm xảy ra, hệ thống rada quét mạng pha AN/SPY-1A sẽ cập nhật tình hình và đánh giá kết quả đánh chặn xem có thành công hay không, đồng thời từ đó thông báo kết quả để người chỉ huy ra quyết định có tiến hành tiếp tục phóng tên lửa SM-2MR đánh chặn nữa hay không.
|
Sơ đồ tác chiến của hệ thống Aegis. Ảnh: Defenseindustrydaily.com |
- Đối với giai đoạn đánh chặn tầm gần
So với giai đoạn đánh chặn tầm xa, giai đoạn đánh chặn tầm gần khó khăn và phức tạp hơn nhiều do cự ly tới mục tiêu đã bị rút gắn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, giai đoạn này đòi hỏi hệ thống đánh chặn phải phản ứng nhanh, độ chính xác cao, hiệu suất lớn thì mới có thể đánh chặn thành công.
Cụ thể quy trình tác chiến của giai đoạn này diễn ra như sau:
Đầu tiên, tên lửa RIM-7 Sea Sparrow sẽ được phóng. RIM-7 được cấu thành bởi các thành phần gồm rada đa tần, máy tính kỹ thuật số tốc độ cao, thiết bị nhận biết địch/ta và thiết bị hiển thị số liệu. Hệ thống này có khả năng tự động trinh sát, chỉ thị, nhận biết mục tiêu đang bay tới. Lúc này, hệ thống rada sẽ liên tục truyền tham số mục tiêu tới tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow Missile để xác định vị trí, bắt bám tiêu diệt mục tiêu. Thời gian phản ứng trước các tình huống khẩn cấp của hệ thống này chỉ trong vòng 4 giây, có thể trinh sát, theo dõi được liên tục hơn 50 mục tiêu, bắt bám hơn 20 mục tiêu và có khả năng đối phó hiệu quả với các tên lửa chống hạm bay ở độ cao cực thấp.
Tiếp theo, sẽ sử dụng các pháo cao tốc tầm gần (hệ thống đánh chặn tầm gần Phalanx CIWS) để tác chiến. Để đối phó có hiệu quả hơn, các tàu chiến mặt nước của Hải quân Mỹ còn sử dụng Phalanx CIWS để hỗ trợ các tên lửa RIM-7.
Phalanx CIWS có khả năng tự động tìm kiếm, trinh sát, đánh giá, bắt bám, khóa và tấn công mục tiêu, do đó thương được sử dụng để đối phó với các tên lửa chống hạm và các máy bay chiến đấu bay ở độ cao thấp (gần sát mặt nước biển). Hệ thống này có cự ly tác chiến lên tới 6.000m, tầm bắn hiệu quả 1.500m, tốc độ bắn 4.500 phát/phút, thời gian phản ứng 2 - 4 giây, thời gian chuyển làn là 4 giây.
Thứ ba, tàu chiến mặt nước tự vệ bằng cách gây nhiễu. Hiện nay, hầu hết các tàu chiến mặt nước của Hải quân Mỹ đều được trang bị hệ thống tác chiến điện tử AN/SLQ-32 (V) 3, hệ thống này gồm các thành phần: Thiết bị trinh sát điện tử, thiết bị gây nhiễu và hệ thống mồi bẫy Mk36. Khi hệ thống này phát hiện mục tiêu bay vào khu vực phòng không tầm gần sẽ tự động điều chỉnh công suất của thiết bị gây nhiễu, đồng thời hệ thống mồi bẫy Mk36 sẽ tự động phóng các quả rocket chứa dây nhôm để đánh lừa thiết bị đầu dò trên tên lửa đối phương.
Ngoài ra, các tàu chiến mặt nước của Hải quân Mỹ còn sử dụng phương thức gây nhiễu từ xa, tức là sử dụng các thiết bị gây nhiễu trên máy bay trực thăng trong khu vực tác chiến để đánh lừa hệ thống đầu dò trên tên lửa đối phương.
Lam Ngọc